Cần khoảng 1,13 triệu tỉ đồng để lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp

B. NGỌC,
Chia sẻ

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030.

Cần khoảng 1,13 triệu tỉ đồng để lo nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp - Ảnh 1.

Nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 2,4 triệu căn - Ảnh: P.A.

Để xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động khoảng 1.130.000 tỉ đồng để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1.416.700 căn nhà ở xã hôi, nhà ở công nhân.

Trong đó, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp chiếm khoảng 60% số lượng nhà ở, nhu cầu vốn khoảng 850.000 tỉ đồng; nhà ở công nhân chiếm khoảng 40% số lượng nhà ở, với nhu cầu vốn khoảng 280.000 tỉ đồng.

Như vậy, trong tờ trình Thủ tướng lần này, Bộ Xây dựng đã đề xuất điều chỉnh số lượng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong đề án xuống 1.416.700 căn nhà, giảm 211.600 căn nhà so với đề xuất lần đầu xây dựng khoảng 1.628.300 căn nhà.

Việc điều chỉnh giảm mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn từ nay đến năm 2030 theo Bộ Xây dựng là do hàng loạt địa phương đề nghị giảm số lượng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân xây dựng trên địa bàn trong những năm tới.

Theo đó, Hà Nội đề nghị giảm khoảng 61.000 căn, TP.HCM giảm 37.000 căn, Đà Nẵng giảm khoảng 2.200 căn, Long An giảm 55.000 căn, Bắc Giang giảm 20.100 căn, Đồng Nai giảm 46.000 căn…

Để có đủ nguồn lực thực hiện mục tiêu xây ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng báo cáo Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội.

Đẩy nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay thương mại 2% với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ngoài giải pháp về vốn, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu ban hành chính sách mới về phát triển nhà ở xã hội theo hướng hậu kiểm giá bán, đối tượng mua nhà, điều kiện mua nhà…

Với các địa phương, bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, nội dung chương trình phải nêu rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai, các dự án đã có chủ trương đầu tư, việc quy hoạch, bố trí và công khai quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án.

Theo đề án vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án.

Quy hoạch các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội độc lập tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…, ở vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết nhu cầu nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 rất lớn, khoảng 2,4 triệu căn, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 1,24 triệu căn, giai đoạn 2026-2030 là 1,16 triệu căn.

Đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, quy mô xây dựng 155.800 căn nhà. Và đang đầu tư xây dựng 401 dự án, quy mô khoảng 456.700 căn nhà, bao gồm 156 dự án đang xây dựng, 245 dự án đang làm thủ tục đầu tư.

(Nguồn: Bộ Xây dựng)

Chia sẻ