Cận cảnh nhà ga chuẩn Quốc tế của tuyến xe buýt nhanh nghìn tỷ tại Thủ đô
Sau một thời gian dài các nhà chờ xe buýt nhanh "đắp chiếu", thậm chí có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp thì giờ đây chỉ 15 ngày nữa thôi. Tuyến buýt nhanh hiện đại bậc nhất tại Hà Nội sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Mới đây, tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ đưa tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa vào hoạt động từ ngày 15/12 tới. Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để chuẩn bị đưa tuyến xe buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, Tổng Công ty vận tải Hà Nội đã thành lập Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT để trực tiếp tiếp nhận, xây dựng phương án tổ chức vận hành khai thác theo yêu cầu của UBND TP.
“Hiện nay, Tổng Công ty đang hoàn thiện mô hình tổ chức và tuyển dụng bộ máy nhân sự điều hành và hoàn thiện cơ sở vật chất cho tuyến buýt nhanh BRT. Chúng tôi đang xin ý kiến Thành phố, ngày 15/12 sẽ vận hành thử tuyến buýt nhanh này”, ông Quang nói.
Ngay sau khi có chủ trương trên, PV đã có cuộc khảo sát xuyên suốt lộ trình hoạt động của tuyến buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa và nhận thấy, tại nhiều nhà ga các công nhân đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng để phục vụ hoạt động của toàn tuyến buýt.
Vào tháng 4/2014, nhà chờ xe buýt mẫu đầu tiên trong chuỗi nhà chờ của tuyến buýt nhanh Hanoi BRT được xây dựng trên dải phân cách tại ngã tư Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương. Nhà chờ được trang bị máy bán vé, máy quẹt thẻ/ soát vé tự động, cũng như quầy hỗ trợ khách hàng có nhân viên trực tại chỗ. Đây được xem là nhà chờ xe buýt hiện đại bậc nhất nước ta.
Ít lâu sau, các nhà chờ ở toàn tuyến buýt chạy dọc các đường: Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa cũng được xây dựng. Tại nhà điều hành sẽ có 1 bảo vệ, 1 nhân viên trực điều hành hệ thống kiểm soát vé tự động bằng thẻ từ.
Đây là nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn Quốc tế, bề rộng 5m và tổng diện tích 129m2, theo chuẩn thiết kế tuyến buýt nhanh quốc tế đồng thời phù hợp với đặc thù giao thông trên các tuyến phố Hà Nội.
Nhà chờ đường Lê Trọng Tấn giao với Tố Hữu (Hà Đông) cũng xuất hiện một chiếc cầu vượt đi bộ.
Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, tổng mức đầu tư khoảng 495 triệu USD, trong đó hợp phần Hanoi BRT khoảng 55 triệu USD. Xe buýt tuyến này có cửa bên trái, dài 12 mét, chứa được 90 hành khách.
Tuyến buýt nhanh Kim Mã- Yên Nghĩa là tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội, xe chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã có độ dài 14 km, dự kiến xe sẽ chạy hết 30 phút/1 lượt, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.
Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.
Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.