Cận cảnh căn phòng giành lại sự sống cho trẻ sinh non, nhẹ cân của những "thiên thần áo trắng"
Nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-7, chúng tôi đã tìm đến Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện phụ sản Trung Ương) để chứng kiến công việc mà những "người bố, người mẹ thứ 2" của những em bé sinh non đang cần mẫn ngày đêm.
Ngoài tình yêu nghề phải có lòng yêu trẻ
Trước cửa Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh nhiều ông bố, người thân của các bé với gương mặt trông ngóng, chờ đợi, thậm chí đếm từng phút để được vào thăm con, cháu mới chào đời của mình.
Cảnh tượng trông ngóng đến giờ được vào thăm con của những ông bố, bà mẹ có con bị sinh non
Trên gương mặt họ, nỗi lo lắng đã vơi bớt dần trước những thông tin tốt đẹp về sự tiến triển của các bé mà bác sỹ, điều dưỡng nơi đây mang đến cho họ. Khi được vào thăm người thân của mình, họ rén rén, nhẹ nhàng hết sức có thể vì sợ một tiếng động nhỏ cũng có thể khiến hàng trăm trẻ sinh non đang được điều trị ở đây thức giấc.
Chia sẻ với PV, một người nhà bệnh nhân cho biết: "Con dâu tôi sinh non, bé nặng có gần 1kg thôi nên được đưa vào đây chăm sóc đặc biệt. Mỗi lần được lên thăm cháu, tôi vui lắm vì cháu mình ngày càng khỏe nhờ sự chăm sóc tận tình của các bé nơi đây".
T.S, B.S Lê Minh Trác (Phó giám đốc trung tâm) cho biết, đây là nơi điều trị, chăm sóc đặc biệt dành cho những bệnh nhi tí hon. "Có những cháu nặng chỉ 500 gam, 600 gam, sự sống rất mong manh nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức có thể để cứu sống, điều trị. Có những bé có đến 4 tháng sống tại đây. Khi các bé được ra viện, về với gia đình của mình là lúc chúng tôi biết mình đang mang lại sự sống cho những sinh linh bé nhỏ".
Tiếp lời, bác sỹ Trác bảo mỗi năm trung tâm của mình tiếp xúc khoảng 4.000 ca sinh non. Do chào đời khi chưa đủ 9 tháng, các bé thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như: ngạt suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành, suy tim, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử…Chính vì vậy, công tác chăm sóc các bé vô cùng vất vả, phức tạp.
"Công việc ở đây của chúng tôi rất áp lực. Nên để có thể làm việc ở đây, ngoài tình yêu nghề, phải có tình yêu trẻ. Bởi ngoài được đào tạo chuyên môn ở trường, khi về đây các bác sỹ, điều dưỡng tiếp tục được đào tạo trực tiếp thêm 2 năm ở đây thì mới có thể chăm sóc bệnh nhi một cách tốt nhất", T.S, BS Trác tâm sự.
BS. Trác cho biết, mỗi năm có khoảng 4.000 ca sinh non tại khoa này
Chỉ cần nghe tiếng khóc biết các con đang cần gì
Theo chân vị bác sỹ có gương mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp dọc hành lang khu chăm sóc trẻ sinh non đặc biệt, chúng tôi thấy nhiều điều dưỡng nơi đây tuổi đời còn khá trẻ nhưng nhìn cách họ bế ẵm, nâng niu, vuốt ve các bé ai cũng nghĩ đó là mẹ chăm con.
Phía cửa ra vào, 2 nữ điều dưỡng đang tiếp nhận bệnh nhân. Nhận xong, cô nhẹ nhàng bế bé mang vào lồng ấp. Nhìn các thao tác chuyên môn của cô đối với trẻ lấy máu, cắm ống truyền... trên những cánh tay, chân tí hon chỉ bằng ngón trỏ của mình, chúng tôi thực sự cảm thấy xúc động.
Từ khi còn trong trường, chị đã mơ ước sau này được vào khoa sơ sinh, để được chăm sóc những "thiên thần nhỏ"
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy một điều dưỡng gạo cội của trung tâm với hơn 33 năm chăm sóc trẻ sơ sinh cho biết ngay từ nhỏ chị đã rất yêu trẻ con, để rồi khi theo học ngành y, chị chỉ mong ra trường được vào khoa sơ sinh.
Quá trình tiếp xúc với các bé, chị phát hiện các em rất có tâm hồn, điều ấy thể hiện qua tiếng khóc, sự mãn nguyện trên gương mặt… "Qua tiếng khóc mình biết con đang đau đớn, đói ăn hay đơn giản là đòi được ôm ấp. Các bé thích được ôm ấp, vuốt ve lắm", chị Thủy chia sẻ.
Đây là công việc của các bà mẹ thứ hai tại Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh
Bài học ấy được chị truyền dạy lại cho những điều dưỡng mới vào nghề, thậm chí người nhà các bé để mọi người có thể chăm sóc các bé một cách tốt nhất có thể. Đặc biệt là cách đặt bé như thế nào bởi không cẩn thận em bé bị trào ngược (sặc) thì không thể cấp cứu nổi.
Tiếp lời, chị Thủy bảo nếu không yêu trẻ thì không thể làm được. Bởi ngoài nhiệm vụ, bản thân chị còn thường xuyên đi các lòng ấp, quan sát sự biến đổi của những bệnh nhi tí hon để có biện pháp xử lý ngay nếu có những bất thường xảy đến với các em. Công việc này đòi hỏi mỗi người phải thật tận tâm và trách nhiệm.
"Các cháu sinh non thường rất yếu, mỏng manh, thương lắm. Với những trường hợp đó thì phải chăm sóc đặc biệt, sau đó ra viện còn phải hướng dẫn người nhà cách chăm các bé tại nhà để phát triển sức khỏe, trí não", chị Thủy tâm sự.
Hơn 33 năm tiếp xúc với trẻ sơ sinh, chị Thủy bảo rất vui và hạnh phúc vì được làm công việc mang lại được hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Thêm một số hình ảnh PV ghi nhận về công việc của các nhân viên y tế và các bé nhỏ tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện phụ sản Trung Ương).
Các em bé được nâng niu một cách nhẹ nhàng nhất
Khi ngày Thầy thuốc VN sắp đến, các em nhỏ cũng được tận hưởng với các nhân viên y tế bằng những bó hoa xinh xắn
Những em bé sinh non đòi hỏi sự chăm sóc tủ mỉ, chu đáo
Công việc nhiều áp lực
Những động tác nhẹ nhành, nâng niu.
Phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ những y bác sĩ ở đây mới làm được công việc đặc biệt này
Bé trai này có chiếc chân chỉ bằng ngón tay người lớn
Các bé sẽ được chăm sóc cho đến khi cứng cáp sẽ được về với bố mẹ
Em bé ngủ ngon trong lồng ấp
Hạnh phúc của người nhà các thiên thần mỗi khi được chứng kiến con lớn từng ngày...