Cầm tiền 8 tháng không tiêu được, loạt đơn vị xin trả nghìn tỷ vốn đầu tư công

Quỳnh Nga,
Chia sẻ

Theo tin từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8, giải ngân vốn vay nước ngoài rất thấp, chỉ trên 15% kế hoạch vốn. Có 14 Bộ, ngành và địa phương chưa giải ngân được đồng vốn nào. Cùng đó, có tới 17 Bộ, ngành, địa phương xin trả hơn 6.800 tỷ đồng vốn đầu tư công; 6 Bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn bằng 0%.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022.

Cầm tiền 8 tháng không tiêu được, loạt đơn vị xin trả nghìn tỷ vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Đại học Quốc gia Hà Nội chưa giải ngân được vốn đầu tư công (Ảnh minh hoạ).

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân (theo hình thức ghi thu - ghi chi) vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 8 tháng đầu năm trung bình cả nước đạt hơn 15% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của các địa phương là hơn 11% kế hoạch vốn, tỷ lệ giải ngân của bộ ngành là gần 23% kế hoạch vốn.

“Có đến 6 Bộ, ngành, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn là Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 Bộ, địa phương với tổng trị giá hơn 6.800 tỷ đồng”, Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính cho biết, chậm giải ngân nguồn vốn nước ngoài làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm.

Trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chủ dự án, ban quản lý dự án thuộc và trực thuộc khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.

Các đơn vị chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời; chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc sớm có rà soát về việc phân bổ, tiến độ giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó thực hiện điều chuyển kế hoạch sang các dự án khác trong nội bộ có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Chia sẻ