"Nhờ chọn trường kiểu này mà con tôi nhàn nhã, thoải mái ăn chơi": Quan điểm của phụ huynh TPHCM thổi bùng tranh cãi

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Liệu quan điểm của phụ huynh này có hợp lý?

Vào trường chuyên, trường điểm là mục tiêu, mơ ước của rất nhiều phụ huynh và học sinh. Nhiều gia đình đầu tư cho con từ lớp 4, lớp 5, thậm chí từ lớp 1 để có cơ hội chen chân vào các trường chuyên có tiếng...

Tuy nhiên, một phụ huynh ở TPHCM mới đây có quan điểm khác. Người này cho rằng, nhờ chọn trường theo phương châm: Thà lớp chọn - "trường thường", còn hơn lớp thường - "trường chọn" mà con mình học nhàn nhã hẳn. Cả hai vợ chồng đều thoải mái, con không áp lực quá nhiều trong học tập, thoải mái ăn chơi.

"Nhờ chọn trường kiểu này mà con tôi nhàn nhã, thoải mái ăn chơi": Quan điểm của phụ huynh TPHCM thổi bùng tranh cãi- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tranh luận

Quan điểm của phụ huynh nói trên nhận về không ít sự đồng tình. Một số cho rằng ở môi trường lớp chọn của "trường thường", con vẫn được ưu tiên học với các thầy cô giỏi, chương trình học cũng nhiều phần nâng cao để nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng của học sinh "đem chuông đi đánh xứ người" trong các kỳ thi học sinh giỏi. Như vậy, con không cần phải chạy theo cuộc đua vào trường điểm nhưng vẫn được học cùng bạn bè giỏi, thầy cô giỏi, vẫn có cơ hội thi thố tài năng.

Dù vậy, cũng có quan điểm, rằng lớp chọn trong "trường thường" hay lớp thường trong "trường chọn" thì bản chất con vẫn phải ganh đua. Vì lớp chọn tập trung hầu hết là học sinh giỏi và xuất sắc của khối nên phong trào học tập sẽ luôn căng như sợi dây đàn, buộc học sinh phải nỗ lực và phấn đấu liên tục. Bất kỳ một sự lơ là, lêu lổng nào cũng sẽ nhanh chóng bị tụt lùi so với các bạn cùng lớp.

Họ cho rằng, mây tầng nào thì sẽ gió tầng đó. Nếu ở trường chọn mà học lớp thường thì vào được trường đều là những tinh tú, nơi đó học nhiều hơn chơi tránh xa được nhiều thứ độc hại, đường tương tai tươi sáng hơn.

Một luồng ý kiến còn nhận định, dù học trường nào mà giáo viên có tâm, có tầm thì con mình sẽ tốt. Ở "trường thường" thì giáo viên cũng thường chứ không được tuyển chọn gắt gao nên cho dù lớp chọn thì vẫn là giáo viên thường dạy. "Trường chọn" thì toàn là giáo viên giỏi chuyên môn nên lớp thường vẫn được thầy cô giỏi dạy. Dù vậy, nhiều người phản bác, cho rằng ở đâu cũng có thầy cô chất lượng. Không thể dùng tên tuổi của một ngôi trường để đánh giá chuyên môn thầy cô, để dìm hoặc nâng một môi trường giáo dục khác.

Ý kiến được đồng tình nhiều nhất chính là: Học trường điểm cũng được, trường thường cũng xong, chỉ cần vui vẻ tới lớp, chịu khó học hành thì con vẫn có cơ hội toả sáng.

"Vấn đề nằm ở con cả thôi. Tiểu học con ở bước gọi là làm quen dần môi trường học mới, con biết chữ, biết làm Toán, đi học vui vẻ là được. Còn lớn hơn, nếu con có khả năng học tập (trừ phi cố gắng lắm nhưng chỉ tới đó) thì con cũng cần đặt ra cho mình mục tiêu trong học tập và phấn đấu để đạt được nó. Con cần kiên trì, cần nỗ lực. Có nỗ lực, có kiến thức, thành công thì cuộc đời sẽ dễ dàng với con hơn", một người bình luận.

Trên thực tế, không thể phủ nhận, một môi trường học tốt là nền tảng để con phát huy tài năng. Tuy nhiên, không ít phụ huynh thường chỉ quan tâm đến việc con vào được trường chuyên lớp chọn mà không màng để ý tới việc con có thực sự thích hợp học trong môi trường này hay không. Nhiều học sinh phải luyện thi, vào trường học quá nặng nhưng nhiều phụ huynh vẫn bằng mọi giá muốn con chen chân vào với hy vọng con được học thầy cô giỏi, bạn giỏi để vào trường đại học danh giá, hay cao hơn là săn học bổng.

Nếu con có trình độ chỉ ở mức khá mà bị ép vào một môi trường không phù hợp năng lực, chúng sẽ tự ti, chán nản và gây ra những hệ lụy nguy hiểm. Chẳng hạn, ở tuổi vị thành niên, trẻ luôn đi tìm niềm tự hào, nếu không tìm được niềm tự hào trong học tập, chúng sẽ tìm ở những thứ khác, chẳng hạn xăm hình, chơi game, thách thức giáo viên hay trong tình yêu để trở nên nổi bật.

Chuyên gia khuyên rằng cha mẹ nên cho con thoải mái lựa chọn môi trường học tập. Nếu con có năng lực vừa phải, chạy đua vào trường chuyên lớp chọn có thể gây ức chế tâm lý, căng thẳng.

Chia sẻ