Cái chết của vợ chồng vị giáo sư nổi tiếng trong viện dưỡng lão gây tranh cãi: Sau cùng, điều cha mẹ cần là gì?
Đọc xong tin này, người ta không khỏi xót xa.
Mới đây, một đoạn video chia sẻ câu chuyện hai giáo sư đại học ở Thượng Hải (Trung Quốc) có 3 đứa con, hai gái và một trai nhưng cuối cùng phải chịu cảnh qua đời cô độc trong viện dưỡng lão thu hút sự chú ý. Được biết, họ đã dồn mọi sức lực, tiền bạc nuôi dạy con, cho con đi du học. Cứ tưởng những đứa con sau khi thành đạt sẽ về báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ.
Tuy nhiên, ba người con đã định cư ở nước ngoài và kết hôn, sinh con. Cha mẹ già phải vào viện dưỡng lão rồi qua đời cô độc. Điều đau buồn là không ai trong ba người muốn quay về gặp cha mẹ mình lần cuối. Họ giao toàn quyền lo tang lễ cho viện dưỡng lão. Yêu cầu họ đưa ra là: Tiền không thành vấn đề, chỉ cần chụp ảnh và gửi video là được.
Đọc xong tin này, người ta không khỏi xót xa. Cha mẹ đã vất vả nuôi ba đứa con đi du học. Tuy nhiên, vào giây phút cuối đời, ngay cả nguyện vọng nhìn thấy con cũng không thực hiện được.
Đọc những bình luận của cư dân mạng càng thấy buồn hơn. Đây không phải là trường hợp cá biệt.
- Có rất nhiều trường hợp như thế này. Ở tòa nhà cạnh nơi tôi ở có 1 bà lão, các con đều ở nước ngoài. Bà cụ đã chết trong nhà được vài ngày mới có người tìm thấy.
- Trong khu của tôi có một giáo sư, hai con gái 1 ở Mỹ và 1 ở Úc. Trong thời gian chân của ông ấy không được khỏe, tôi đã giúp chăm sóc. Ông lão ra đi, người đưa tiễn chỉ có bà cụ đã 82 tuổi.
Những cha mẹ này đã cống hiến cả đời cho việc học, mua nhà, lập gia đình cho con cái để rồi cuối cùng phải chịu cuộc sống khốn khổ khi về già. Đôi khi, khi bạn bước vào tuổi xế chiều, điều chờ đợi bạn thường không phải là hạnh phúc của một gia đình có con cháu quây quần mà là nỗi cô đơn và cảnh góa bụa bị lãng quên.
Đây có lẽ chính là nỗi tuyệt vọng sâu sắc nhất của con người: Chỉ đến khi về già nhiều người mới nhận ra rằng sự sống đã gần kết thúc nhưng đằng sau lại chẳng có ai cả.
Cha mẹ nỗ lực nâng con bay cao lên trời nhưng con cái chỉ theo đuổi tương lai của chính mình mà bỏ lại người yêu thương mình nhất. Cha mẹ dần dần khom lưng trong cô đơn, tóc bạc dần, già đi. Họ hy vọng con cái có thể về nhà hàng tuần, gọi điện cho bố mẹ và ăn bữa ăn mẹ nấu, nhưng điều này đã trở thành xa xỉ.
Những đứa con ở xa đã có gia đình và sự nghiệp, còn cha mẹ ở lại quê hương trở thành những người "nghèo" không nơi nương tựa. Họ chỉ có thể trải qua những ngày cuối đời trong cô đơn: Không có ai chăm sóc khi ốm đau, không có ai bên cạnh khi mệt mỏi, cũng không đợi được một cuộc điện thoại để nói nhớ con.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, theo thời gian, những quan niệm sẽ có chút thay đổi dần, nhất là văn hóa gia đình. Con cái không cần phải phụng dưỡng nếu cha mẹ có điều kiện tự lo. Tuy vậy, luồng ý kiến phản bác nhận định, dù có thay đổi đến đâu thì giá trị đạo đức vẫn là cốt lõi. Không có gì có thể biện minh cho việc con cái bỏ rơi cha mẹ mình.
Nhà cha mẹ luôn là nhà con cái, nhưng nhà con cái chưa hẳn luôn là nhà cha mẹ
Người ta nói rằng cha mẹ có một tình yêu vị tha lớn lao với con, một tình yêu không mong được đền đáp bất cứ điều gì. Đúng như một người cha từng viết trong thư gửi con trai: "Nuôi con không phải là lòng tốt mà là bản năng sinh học do máu mủ tạo ra. Vì vậy, cha mẹ đã không có lòng tốt với con nên con không cần phải báo đáp".
Dù vậy, đối với các bậc cha mẹ, hạnh phúc trong những năm tháng tuổi già không phải là họ tiết kiệm được bao nhiêu tiền hay có địa vị như thế nào, mà là có một đứa con bên cạnh. Đối với con cái, thật là một điều may mắn và hạnh phúc khi cha mẹ còn sống và chúng ta có thể phục vụ họ.
Đôi khi, những đứa trẻ càng ngoan thì càng tiến xa. Ngược lại, đứa trẻ không có tiềm năng lớn và tương đối tầm thường lại có thể phụng sự cha mẹ và nuôi dưỡng họ cho đến khi họ qua đời. Nhưng đối với một số bậc cha mẹ, họ vô cùng tự hào về đứa con ưu tú bay xa hơn là đứa con tầm thường phục vụ bên cạnh.
Nhiều người khi thành công, đi xa, quên mất cha mẹ đã bao dung, che mưa che gió, từ bập bẹ cho đến thi đại học, từ việc nổi loạn lúc còn nhỏ cho đến việc lập gia đình.
Khi lớn lên và cha mẹ già đi, chúng ta cũng phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ họ. Đồng hành và bảo vệ là cách tốt nhất để thể hiện sự biết ơn và là hình thức hiếu thảo cao nhất.
Trách nhiệm của con cái là giúp cha mẹ không cô đơn, bơ vơ lúc tuổi già. Nếu bạn đang đi xa, hãy gọi điện nhiều hơn để trò chuyện với họ; nếu có thể ở bên cạnh thì hãy tìm thêm thời gian để đồng hành cùng họ.
Với những người làm cha mẹ, hãy bao dung, đối xử tốt với con, làm gương hiếu thảo cho con, dạy con về lòng biết ơn. Con cháu sau này nếu hiếu thảo thì đó là phúc đức của bạn, còn nếu không hiếu thảo thì bạn khó có thể cưỡng cầu. Cách tốt nhất là hãy sớm lên kế hoạch "dưỡng già" ngay từ bây giờ, sẽ không bao giờ là quá muộn cả.