Cách phân biệt mực tươi và mực từng cấp đông
Làm thế nào để phân biệt mực tươi và mực được rã đông là băn khoăn của nhiều người nội trợ khi chưa sành sỏi trong việc chọn thực phẩm.
Chất lượng mực tươi và mực từng được cấp đông khác nhau một trời một vực, tuy nhiên nếu không sành sỏi, khi đi chợ, bạn rất dễ bị nhầm lẫn. Ở những địa phương không gần biển, rất nhiều người không biết làm thế nào để phân biệt mực tươi và mực đông lạnh được rã đông.
Làm thế nào để phân biệt mực tươi và mực đông lạnh?
Việc phân biệt được mực tươi và mực đông lạnh là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và hương vị của bữa ăn. Bạn cần có bí quyết để chọn được những con mực tươi ngon, chất lượng nhất.
Quan sát màu sắc của mực
Khi mua mực, hãy để ý phần thân của nó để phân biệt mực tươi và mực đông lạnh. Mực tươi sẽ có phần thân sáng bóng, các đốm trên lưng phần lớn màu đen và nâu. Khi sờ tay vào thân mực, bạn sẽ cảm giác phần thịt mực săn chắc và có độ đàn hồi cao. Sau khi bạn ấn tay vào, thân mực sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu và không để lại vết lõm.
Với mực đã ướp đá lâu ngày, phần thân có màu trắng đục, các đốm trên lưng cũng sẽ chuyển sang màu hồng nhạt, thậm chí còn có màu đỏ.
Ngoài ra, nếu như mực có dấu hiệu bong tróc da thì không nên mua vì đã bị ướp đá lâu ngày.
Quan sát mắt mực
Đặc điểm của mắt mực rất dễ xác định, đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt mực tươi và mực đông lạnh lâu ngày.
Với mực tươi, mắt sẽ trong veo, không bị lồi ra ngoài, có thể nhìn thấy rõ con ngươi, không bị chuyển màu vàng hay chảy dịch. Còn mực ướp đá, không còn tươi thì phần mắt sẽ đục hơn, đôi khi có dịch chảy ra.
Kiểm tra phần râu mực
Để phân biệt chất lượng của mực, hãy kiểm tra râu xem chúng đang ở tình trạng nào. Nếu phần đầu và các xúc tu dính chặt vào nhau một cách chắc chắn nghĩa là mực vẫn còn tươi. Ngược lại, mực không tươi thì các phần trên thường mềm nhũn và dễ tách rời. Mực bị ngâm trong thời gian quá lâu thì 2 phần xúc tu sẽ bị đứt.
Trong trường hợp không có điều kiện mua được mực tươi nguyên, bạn có thể lựa chọn loại mực được cấp đông khi còn sống để giữ được chất lượng gần như ban đầu.
Có thể nhận biết mực được cấp đông khi đang còn sống thông qua các đặc điểm như: Mắt màu xanh, thân màu xanh nước biển, gần như trong suốt. Khi xào, mực cấp đông khi còn sống không ra nước hoặc ra nước không đáng kể, thịt ngọt, thơm và chắc, râu mực còn gắn chặt với đầu.
Mực đông lạnh khi đã chết thường có màng mắt màu đục, thịt nhũn và ít ngọt hơn.
Một số cơ sở kinh doanh "phù phép" những con mực đã chết thành mực tươi ngon bằng hóa chất, hay ngâm nước để tăng trọng lượng. Những loại mực này có thể nhận biết dễ dàng sau khi chế biến, nếu mực ra nhiều nước thì đó là mực đã bị ngâm nước để tăng trọng lượng.