Cách người Mỹ gốc Á gìn giữ truyền thống Tết Nguyên đán

KÔNG ANH/VTC NEWS,
Chia sẻ

Đối với những người Mỹ gốc Á, Tết Nguyên đán là một dịp vô cùng đáng mong đợi, được ví như dịp lễ Giáng sinh tại đây.

Bà Le Ly Hayslip rời Việt Nam đến San Diego (Mỹ) vào năm 1976 cùng chồng và hai con. Thời điểm ấy, dịp Tết nguyên đán gần như chưa được biết đến và không có ai ăn mừng ở Mỹ. Ngoài ra, khu vực này cũng có rất ít người Việt nên việc mua sắm đồ Tết cung rất khó khăn. Dù vậy, bà vẫn nỗ lực duy trì dịp Tết truyền thống của quê nhà. Nhiều thập kỷ trôi qua, San Diego giờ đã trở thành một trong những nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông nhất, khiến cho dịp Tết càng trở nên phổ biến hơn.

Không chỉ là một ngày lễ

Vào mùng 1/1 Âm lịch hàng năm, cộng đồng người Mỹ gốc Á, bao gồm cả gốc Trung Quốc và Việt Nam, Hàn Quốc, sẽ cùng nhau rung chuông mừng Tết Nguyên đán. Với việc ngày càng nhiều người gốc Á tới Mỹ sinh sống, học tập và làm việc, ngày Tết Nguyên đán ngày càng được biết đến và không chỉ còn là một sự kiện "yên ắng" như khi bà Hayslip mới tới Mỹ.

Ở các thành phố có nhiều người gốc Đông Nam Á, dịp Tết Nguyên đán được tổ chức với chợ hoa Tết, hoạt động diễu hành, tiệc chiêu đãi và bắn pháo hoa. Một số trường công lập tại đây đã cho học sinh nghỉ vào Tết Nguyên đán. Ở nhiều nơi khác tại Mỹ, ngày càng nhiều người biết đến và ăn mừng Tết Nguyên đán.

Chia sẻ về dịp Tết Nguyên đán ở Mỹ, cô Judy Leung (gốc Trung Quốc), một biên tập viên của trang blog ẩm thực Mỹ, cho biết trước đây người Trung Quốc không ăn mừng Tết Nguyên đán hoành tráng như bây giờ, phần lớn họ vẫn đi làm bình thường dịp này. Do đó, thời điểm ban đầu, họ thường kỷ niệm dịp lễ này bằng cách chuẩn bị các món ăn truyền thống. Bữa ăn ngày Tết của cộng đồng người Mỹ gốc Trung trước đây bao gồm thịt gà, hai con cá và thịt lợn, có thể ăn kèm với điểm tâm như một món tráng miệng.

Cách người Mỹ gốc Á gìn giữ truyền thống Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Tết Nguyên đán được tổ chức với sự kiện múa lân ở Mỹ. (Ảnh: CNN)

Giờ đây, khi Tết Nguyên đán bắt đầu được công nhận là dịp lễ chính thức ở một vài bang của Mỹ, cộng đồng người gố Á có nhiều thời gian chuẩn bị bữa cơm Tết hơn. Theo đó, Leung đã chia sẻ các công thức nấu ăn và truyền thống ẩm thực lễ hội trên blog gia đình để những người khác có ý tưởng chuẩn bị bữa cơm Tết của riêng họ. Đồng thời, cô cũng chia sẻ ý nghĩa về các món ăn trong mâm cơm ngày Tết. Trong đó, gà luộc nguyên con tượng trưng cho sự thịnh vượng, chả giò là sự giàu có, mì là sự trường thọ.

"Khi tôi lớn lên, việc duy trì những truyền thống cũ không chỉ khiến tôi cảm thấy gần gũi với cội nguồn của mình mà nó giống như một sự an ủi. Truyền thống này sưởi ấm và mang lại cho tôi cảm giác thân thuộc mạnh mẽ. Càng ngày tôi càng mong muốn thế hệ trẻ cũng có được những cảm xúc tương tự và tiếp tục duy trì những phong tục này", cô Leung cho hay.

Được truyền cảm hứng từ mẹ, Kaitlin, con gái út của cô Leung, nói rằng khi cô lớn lên, cô đã coi Tết Nguyên đán là một ưu tiên và dịp lễ quan trọng hàng đầu. Cô đã tiếp tục duy trì các phong tục, thói quen của gia đình châu Á trong dịp lễ như tránh cắt tóc vào đầu năm, trang trí nhà cửa và chọn các bộ trang phục màu đỏ để mặc vào Tết. Kaitlin chia sẻ thêm, cô cảm thấy tự hào khi treo đồ trang trí Tết Nguyên đán trên cửa nhà mình mỗi năm.

Tết Nguyên đán ở phương Tây không chỉ là một dịp lễ thông thường của cộng đồng người gốc Á. Bà Hayslip chia sẻ, khi người Mỹ gốc Á hòa nhập vào văn hóa phương Tây và trở nên gánh nặng với cuộc sống bận rộn, việc đón Tết Nguyên đán thường chỉ đơn giản là thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn. Nhưng mặc dù truyền thống của thế hệ tiếp theo có thể khác với những gì bà trải qua khi lớn lên ở Việt Nam, dịp lễ này vẫn đang được tiếp nối theo những cách mới.

Cũng giống như Tết của Hayslip là để tưởng nhớ tổ tiên, con trai bà - Thomas, coi đây là thời điểm để tưởng nhớ và trân trọng quê hương của mình. Anh đã cùng gia đình tiếp tục duy trì truyền thống đóng Tết Nguyên đán tại nhà riêng ở Los Angeles theo cách riêng.

Anh đón Tết bằng cách thắp hương và cầu nguyện. Anh không coi mình là Phật tử, nhưng anh nói rằng các nghi thức này giúp điều chỉnh lại và kết nối lại với tâm thức của mình.

Anh cũng mời bạn bè, nhiều người trong số họ không phải là người Việt Nam hay người châu Á, đón Tết theo các cách họ thấy có ý nghĩa. Sau buổi lễ, anh và vợ Sandy - một người Hoa gốc Việt, tổ chức một bữa tiệc lớn tại nhà riêng, mâm cơm Tết bao gồm cả các món ăn Việt Nam và Trung Quốc.

“Tất cả chúng ta đều tìm kiếm một vài dịp để gặp nhau, cùng ngồi lại và nhớ về những thứ đã trải quả, để cùng trò chuyện với bạn bè và ăn những món ăn ngon. May mắn thay, Tết đã mang đến cho chúng tôi một dịp đặc biệt như vậy" , anh Thomas nói.

Truyền thống được tiếp nối

Trong một nỗ lực duy trì và truyền tải văn hoá gốc Á tại Mỹ, tổ chức Pearl River Mart đã được thành lập ở Manhattan (New York). Theo đó, khi cô Joanne Kwong tiếp quản tổ chức này châu Á vào năm 2016, các hoạt động duy trì văn hoá gốc Á càng được mở rộng. Dưới sự dẫn dắt của cô Kwong, Pearl River Mart hiện hướng đến việc bảo tồn truyền thống và kiến thức văn hóa – bao gồm cả việc giúp mọi người đón Tết Nguyên đán.

"Nhiều người trong chúng tôi không sống với ông bà nữa. Với mỗi thế hệ, những truyền thống, những tín ngưỡng cũng như những món ăn truyền thống sẽ dần phai mờ" , cô chia sẻ.

Dù vậy, Tết Nguyên đán vẫn là một thứ gì đó đặc biệt với người Mỹ gốc Á. Với cô Kwong, đây là dịp một dịp để mọi người đoàn kết. Theo đó, Pearl River Mart đã tổ chức các buổi biểu diễn múa lân ở New York trong 15 ngày Tết Nguyên đán, cùng với các cuộc triển lãm đang của nghệ sĩ người Mỹ gốc Hoa Warren King.

Cách người Mỹ gốc Á gìn giữ truyền thống Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Một sự kiện đón Tết ở China Town tại New York (Mỹ) năm 2018. (Ảnh:CNN)

Ở một số nơi khác, nhiều cửa hàng đã và đang bán quà Tết, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn và biết về dịp lễ đặt biệt này. Các mặt hàng được bán dịp Tết có thể bao gồm hộp đựng đồ trang sức hình 12 con giáp, phong bao lì xì màu đỏ và bùa may mắn, hoặc các mứt, kẹo để các gia đình đón khách nhân dịp Tết.

Trên blog Pearl River Mart, cô Kwong đã chia sẻ những thông tin về dịp lễ này, cùng các công thức nấu ăn gia đình như món 10 món chay mà mẹ chồng cô làm vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Thông qua những nỗ lực như vậy, Kwong hy vọng Pearl River Mart có thể đóng vai trò là nguồn tài nguyên thông tin cho các thế hệ người Mỹ gốc Á trẻ tuổi hiểu và tham gia đón Tết Nguyên đán.

“Ở một thành phố như New York và một quốc gia như Mỹ, việc tham gia vào dịp lễ được nửa kia bán cầu ăn mừng là một biểu hiện của tình đoàn kết và tình láng giềng” , cô nói.

Sự giao thoa văn hóa này đã được họa sĩ minh họa Aram Kim đưa vào cuốn sách trẻ em “Ngày mai là ngày đầu năm mới: Seollal, Lễ mừng Tết Nguyên đán của người Hàn Quố c”. Hiện nay, dù nhiều người đã biết đến Tết Nguyên đán, nhưng bà Kim mong muốn cuốn sách của bà sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về dịp lễ này, thay vì coi đó chỉ là dịp lễ chủ yếu ở Trung Quốc.

Bà chia sẻ: "Có nhiều nền văn hóa khác nhau đón Tết Nguyên đán theo những cách khác nhau. Không phải lúc nào cũng có một câu chuyện hay một cách để ăn mừng nó".

Nguồn: CNN

Chia sẻ