Cách mẹ đẻ giúp tôi mở lòng hơn với bố mẹ chồng
Khi đứa con đầu lòng của chúng tôi chào đời, tôi rất ốm yếu nhưng bố mẹ chồng chỉ đến thăm qua quýt rồi vội vã rời đi.
Điều tương tự cũng xảy ra sau khi đứa con thứ hai của chúng tôi chào đời vào năm ngoái. Bố mẹ chồng đã không nói chuyện với vợ chồng tôi trong nhiều ngày với lý do chúng tôi đã... gạt họ sang một bên.
Điều này làm tôi hoang mang, chồng tôi cũng vậy. Anh ấy đã nói chuyện với họ, và cuối cùng họ giải thích rằng họ nói thế vì quá giận. Mọi chuyện có vẻ dịu đi, nhưng vài tuần sau, bố mẹ chồng lại phàn nàn chúng tôi không đến thăm họ thường xuyên.
Họ không ngừng nói về việc muốn giúp đỡ chúng tôi nhưng luôn có lý do khiến họ không thể. Thực tế, tôi không mong đợi sự giúp đỡ của họ. Tôi sẽ rất vui nếu ông bà chỉ đến và tận hưởng thời gian để chơi cùng các cháu. Tôi có thành ý tốt nhưng không hiểu bố mẹ chồng thực sự muốn điều gì và không biết họ giận chúng tôi vì lý do gì.
Tôi chưa bao giờ mơ mình có thể yêu quý bố mẹ chồng như ruột thịt. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn phải chấp nhận chào đón bố mẹ chồng vì họ yêu thương chồng và con tôi, bất kể họ lạnh nhạt với tôi ra sao.
Tôi đem chuyện về kể với mẹ đẻ. Bà xoa dịu tôi bằng những lời nhẹ nhàng: “Việc con không thích bố mẹ chồng là điều hoàn toàn bình thường, đặc biệt nếu họ dường như không hiểu nhu cầu của con.
Mẹ nghĩ, điều quan trọng lúc này là con phải tìm ra cách để chấp nhận họ trong cuộc sống của con mà không đưa con đến nơi tuyệt vọng. Mẹ thấy vợ chồng con đang có cái nhìn khác về vị trí của họ trong cuộc sống. Nhưng thật tốt là con đã sớm nhận ra điều này.
Khi ở độ tuổi của con, mẹ cũng gặp nhiều khó khăn với bố mẹ chồng, mọi chuyện thậm chí còn tệ hơn khi một đứa trẻ được sinh ra. Có con nghĩa là con phải thương lượng lại mọi mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh niềm vui khi gia đình có thêm thành viên mới, mỗi người đều có cảm giác họ đang bị người khác giành mất vị trí quan trọng nhất.
Thật tuyệt vời khi con có được sự ủng hộ của chồng. Cả hai con cần phải quyết định điều gì có thể chấp nhận được với tư cách là một gia đình và điều gì là không. Đừng vội vã buông lời cay nghiệt hay hành động thiếu kiểm soát khiến tình hình tồi tệ hơn”.
Tôi không đủ bình tĩnh và kiên nhẫn để thấu hiểu những điều mẹ nói. Vì thế, tôi đáp lại mẹ với thái độ gắt gỏng: “Tóm lại con phải làm gì để có thể chiều lòng được tất cả mọi người hả mẹ? Chăm 2 đứa con là đủ khiến con cảm thấy mệt mỏi lắm rồi”.
Trái ngược với sự thiếu bình tĩnh của tôi, giọng mẹ vẫn bình thản, thái độ của bà giúp tôi tự nhìn ra sai lầm của mình: “Mẹ nghĩ, sẽ hữu ích nếu con kiểm soát được những gì con làm. Con có thể dễ dàng tránh gặp gỡ gia đình chồng nếu họ khiến con stress, nhưng điều đó cũng có thể khiến đối phương càng muốn con phải đến gặp họ.
Tốt hơn hết là con hãy ghi vào nhật ký một điều gì đó phù hợp với mình, hoặc mỗi khi đến thăm họ, con sẽ tự quyết định khi nào nên rời đi. Con cũng có thể sắp xếp để gặp gỡ họ ở một nơi nào đó để thay đổi không khí. Một cuộc đi dạo cuối tuần hoặc một chuyến đi đến công viên chẳng hạn. Điều này sẽ khiến họ không thể phàn nàn và trách móc con được. Để tránh căng thẳng, con không cần phải nghe điện thoại của họ mọi lúc, vì con đang bận mà.
Con không nhất thiết phải quá nhún nhường trước bố mẹ chồng, nhưng con cũng nên khéo léo làm tròn trách nhiệm để lòng mình được thanh thản. Việc họ nhìn ra điểm tốt ở con hay không là việc của họ. Việc của con là học cách chấp nhận mọi điều người khác nghĩ về mình”.