Cách lão hòa thượng xử sự khi bị người ta làm vỡ chiếc bình quý và bài học sâu sắc cho dân công sở
Ứng xử với đồng nghiệp luôn là một trong những vấn đề được chị em công sở nhất mực quan tâm. Có nên vì những bất hòa, mâu thuẫn nhất thời mà khiến mối quan hệ rạn nứt?
Nếu ai đó nói “sống chung với mẹ chồng” là một việc vô cùng gian nan vất vả thì hẳn người đó chưa từng trải qua cảm giác “sống chung với đồng nghiệp”, nhất là trong những môi trường nhiều thị phi và lắm điều tiếng như công sở.
Ứng xử với đồng nghiệp luôn là một trong những vấn đề được chị em công sở nhất mực quan tâm. Đó cũng là kỹ năng mà nhiều người phải trau dồi đều đặn hàng ngày nếu muốn thành công trong công việc cũng như được đông đảo chị em đồng nghiệp yêu mến, quý trọng.
Chung quy lại, mọi chuyện cũng chỉ xoay quanh khả năng đối nhân xử thế. Đối với những mối quan hệ xã giao thì có thể không quá chú ý; tuy nhiên, đối với những đồng nghiệp thân sơ thì lại khác.
Phải làm gì khi mà chính những người đồng nghiệp chúng ta yêu quý, trân trọng làm tổn thương hoặc gây ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của chúng ta? Câu chuyện về cách vị đại sư ứng xử khi bị người bạn làm vỡ bình trà quý chắc hẳn sẽ là câu trả lời xác đáng cho chị em công sở trong trường hợp này.
Xưa kia, trong một ngôi chùa, có vị hòa thượng rất đam mê và yêu thích bình cổ. Chỉ cần nghe thấy có người nói ở đâu đó có chiếc bình cổ đẹp là ông sẽ không quản ngại đường sá xa xôi để đến mua về thưởng thức. Trong những thứ mà ông sưu tập được có một chiếc ấm pha trà mà ông rất yêu thích.
Một hôm, có một người bạn rất lâu ngày đến chùa thăm hòa thượng. Vị hòa thượng trong lòng rất vui liền lấy chiếc ấm trà ra pha để tiếp đãi bạn. Người bạn của ông hết lời khen ngợi chiếc ấm trà và không ngừng cầm lên để bình luận, thưởng thức vẻ đẹp của nó. Thế rồi, thật không may, chiếc ấm trà từ trên tay của người bạn ấy rơi xuống đất vỡ tan.
Vị hòa thượng ngồi trên mặt đất nhặt những mảnh vỡ ấy lại và lấy ra một chiếc ấm khác rồi tiếp tục pha trà. Sau đó vị hòa thượng tiếp tục cười nói như chưa có chuyện gì xảy ra.
Trong chùa có một vị hòa thượng trẻ tuổi chứng kiến sự việc ấy, thấy khó hiểu liền hỏi đại sư: “Thưa thầy! Đây là chiếc ấm mà thầy yêu thích nhất, nhưng lại bị rơi vỡ mất. Chẳng lẽ, thầy không buồn, không thương tiếc hay sao ạ?”
Vị hòa thượng cười nói: “Sự việc đã xảy ra rồi, lưu luyến, tiếc nuối nào có ích gì? Chi bằng hãy nghĩ rằng một lúc nào đó có thể sẽ tìm được một chiếc tốt hơn, đẹp hơn”.
Chiếc bình quý bị vỡ có thể tượng trưng cho tình cảm của chúng ta dành cho những người đồng nghiệp bị rạn nứt bởi những mâu thuẫn, bất hòa. Cuộc sống là thế, có rất nhiều thời điểm, chúng ta luôn canh cánh trong lòng những sự tình, những chuyện đã xảy ra để rồi từ đó tự bản thân mình phải nghĩ suy, phiền não.
Tuy nhiên, trên hết, điều cần làm chính là cân nhắc về mối quan hệ giữa mình và đồng nghiệp trong quá khứ, ở hiện tại và tương lai. Tình cảm đó có đáng bị hủy hoại bởi những bất hòa nhỏ nhoi, vụn vặt hay không. Sự “trả đũa” sẽ chẳng mang đến những điều tốt đẹp. Có chăng, thứ khiến cuộc sống êm đềm hơn chính là sự bao dung, tha thứ và cảm thông. Chiếc bình đã vỡ rồi sẽ có một chiếc bình khác để thay thế, nhưng tình cảm đã rạn nứt thì rất khó có thể trở về lại như lúc ban đầu.