Cách làm thạch găng - món quà quê dân dã
Nếu chưa từng biết tới cách làm thạch găng, bạn nên gia nhập thêm món ngon mát lành này vào sổ tay nội trợ cho thực đơn ngày hè của bạn thêm phong phú nhé!
Với cách làm thạch găng kiểu truyền thống này bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: - 50g lá thạch găng rừng phơi khô: cần được nhặt sạch sẽ kĩ lưỡng vì nó thường lẫn với gai. Bạn đừng nhầm với lá sương sâm nhé dù lá sương sâm cũng vò ra thạch màu xanh. - 3,5 lít nước đun sôi để nguội và chiếc nồi miệng rộng đủ lớn để chứa từng đó nước - 150ml nước vôi trong (bạn tôi vôi sống vào nước lọc để lấy 50g vôi tôi, khuấy vôi tôi hòa đều vào nửa lít nước lọc, để qua đêm cho lắng các cặn vôi xuống, phần nước trong ở trên có thể soi gương in bóng được, hớt bỏ váng, lấy 200ml nước trong để dùng pha cùng thạch sau khi đã vò xong) - 100g đường vàng đun hơi sánh trong 200ml nước - Một chút tinh dầu chuối (nếu thích) và 1 túi vải để lọc thạch |
Rửa sạch lá găng, tráng qua nước lọc và để ráo nước. Khi vò thạch găng, bạn đổ nước vào nồi sao cho khi đặt chiếc rá trên miệng nồi thì đáy rá vừa chạm vào mặt nước. Vò thạch bằng cách nắm lá thạch sát vào rá cho lá mau nát. Vò chừng 7 phút như vậy bạn đổ nốt số nước còn lại vào và vò sát lá trong nước cho mau thôi hết chất thạch vào nước. Bạn vò đều tay và đều lá chừng 10' - 15' là được. | |
Vắt kiệt nước khỏi bã lá găng, nước lọt qua rá xuống nồi có rất nhiều bọt nhưng chẳng bao lâu bọt sẽ tan biến hết, khá nhiều lá vụn cũng lọt xuống theo. Nhiều người cho lá găng vào máy xay sinh tố xay cho mau vụn nhưng theo kinh nghiệm dân gian thì cách làm thạch găng thủ công vò tay vẫn được thạch ngon hơn. | |
Nếu bạn dùng nhiều lá hơn, thạch sẽ đông đặc hơn nhưng khi làm bạn phải vò nhanh tay hơn và rút ngắn thời gian lại, nếu không thạch sẽ đông khi chưa kịp lọc. Lọc nước thạch đã vò qua một túi vải, bạn cần làm nhanh tay. | |
Rót 150ml nước vôi trong vào nồi thạch đã lọc và khuấy đều rồi để lắng tự nhiên, chừng 1 tiếng sau là thạch đông dẻo ở nhiệt độ thường. Cất nồi thạch vào ngăn mát tủ lạnh, khi ăn sẽ không cần phải cho đá vụn, như thế thạch cũng đỡ nhạt. |
Khi ăn bạn dùng muôi/thìa to, nông và mỏng thành để múc thạch. Khi múc bạn hớt những miếng thạch to kéo dài, tránh múc vụn thạch ở từng góc nhỏ, như thế thạch sẽ đỡ chảy nước. Rót nước đường đủ ngọt để khuấy đều cùng thạch, không nên khuấy nhiều quá làm thạch chảy nước. |
Thạch găng rừng vốn là một thứ cây thân gỗ, lá nhỏ khá tròn, rất nhiều gai, mọc từng bụi khá hoang dã ở rừng. Ở nhiều vùng quê trung du phía Bắc, cây găng còn được trồng ven dậu ven vườn như một thứ hàng rào tự nhiên, tất nhiên không phải cây găng dại lá to vị đắng, cũng không phải cây sương sâm thân leo trồng phổ biến ở miền Nam. Vì vậy món thạch găng từ thứ lá rừng hoang dã này mang hương vị thanh nhã hết sức tự nhiên và đặc trưng không dễ gì lầm lẫn.
Thạch găng không có vị ngọt vì thế bạn phải chế thêm nước đường đun sánh ăn cùng. Nhiều người thích cho vài giọt dầu chuối thêm hương. Thạch khá dễ dàng tan biến trong mỗi miếng ăn của bạn, vì thế không lạ khi bạn thấy người sành thạch găng thường chỉ khuấy đều đường là nâng cốc uống một hơi dài tới hết. Cũng gọi là "thạch xanh" nhưng thạch găng lá rừng không mang màu xanh đục đậm chất diệp lục như thạch sương sâm, nó mang màu trong xanh lóng lánh trong từng miếng thạch và hương rừng rất cuốn hút.
Với nhiều người, thạch găng là món ngon trong kỷ niệm ấu thơ, vừa rẻ tiền tiện mua, vừa ngon ngọt thơm mát và đã khát ngày hè. Khá lâu, món thạch găng chân quê này không còn bày bán phổ biến, thay vào đó là các loại thạch với nguyên liệu mới chế theo công nghệ hiện đại. Một quãng thời gian "ngủ yên" đủ dài để giờ đây món quà quê dân dã này trở lại trong sự đón đợi hồ hởi của rất nhiều người tin yêu vào sự thanh sạch, mát lành, chân chất, giản dị và nhất là tràn đầy ký ức ấu thơ!
Thạch găng rất mát và lành ngay cả với phụ nữ mới sinh và trẻ nhỏ, nếu chưa từng biết tới cách làm thạch găng, bạn nên gia nhập thêm món ngon mát lành này vào sổ tay nội trợ cho thực đơn ngày hè của bạn thêm phong phú nhé!