Cách kiếm tiền và chi tiêu để xây được nhà tặng bố mẹ khi còn trẻ

HUYỀN TRANG/ THIẾT KẾ: MAI LINH,
Chia sẻ

Để có món quà báo hiếu xịn sò như vậy, họ đều phải có kế hoạch chi tiêu cụ thể và tiết kiệm.

Có ngày làm việc 16 tiếng, tiết kiệm 70% thu nhập 

Nhân vật này là Thụy Ân (28 tuổi, Đà Nẵng), là một hướng dẫn viên du lịch. Cô đã chi 1,3 tỷ đồng để xây 1 căn nhà 2 tầng ngay trong đợt dịch vì mong muốn bố mẹ mùa mưa không còn lo dột ướt. Được biết toàn bộ chi phí xây nhà do Ân chi trả, không cần phải vay nợ ngân hàng hay bất kỳ nguồn nào khác. 

Thụy Ân và căn nhà

Đương nhiên để làm được điều này, Thụy Ân đã có thời gian dài làm việc và tiết kiệm chi tiêu. Cô cho biết bản thân có thói quen để dành 70% số tiền kiếm được để tiết kiệm. Số tiền còn lại dành cho việc chi tiêu các vấn đề lặt vặt cũng như phụ giúp thêm sinh hoạt phí cho gia đình.

"Nói là tiết kiệm nhiều vậy nhưng mình vẫn có khoản tiền dành riêng để 'tự thưởng' cho bản thân. Mình rất thích đi du lịch để được biết thêm nhiều điều mới mẻ, vì vậy mình đặt ra mục tiêu mỗi năm trích ra một khoản để đi nước ngoài. Với mình đó như là phần thưởng, cũng là quãng thời gian mình tận hưởng sau những ngày làm việc có khi hơn 16 tiếng đồng hồ miệt mài cũng như để bản thân được trau dồi thêm nhiều điều mới mẻ về những nơi mình đã đến. Mình nghĩ phải có những khoảng thời gian 'xả hơi', tích luỹ mới có ý nghĩa" - Thụy Ân cho biết.

Nội thất bên trong căn nhà đơn giản nhưng rất xinh xắn

Thắt chặt chi tiêu, không sắm sửa cho bản thân để gửi tiền về cho mẹ

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong cấp 3, Hạnh Đào (25 tuổi, Hải Dương) đã đi làm. Từ lúc đó cô đã quyết tâm phải xây được nhà cho mẹ. Đến đầu năm 2019 - 22 tuổi, sau một thời gian làm việc ở Nhật Bản, Hạnh bắt đầu thực hiện mong muốn này với 200 triệu đồng trong tay. 

Hạnh Đào và căn nhà 2 tầng khang trang 

Tuy nhiên 200 triệu không đủ để xây một căn nhà 2 tầng khang trang được, Hạnh đã phải vay thêm 1,4 tỷ trong suốt gần 2 năm xây nhà. Cuối năm 2020, căn nhà mới được hoàn thiện và đến tháng 8/2022, cô đã trả gần hết nợ, chỉ còn khoảng vài trăm triệu. 

Kết quả này là cả một thời gian dài dành dụm, chắt bóp chi tiêu của Hạnh Đào. Trong thời gian đầu ở Nhật Bản, mỗi tháng cô chỉ dành đúng 3 triệu cho các chi phí sinh hoạt: "Chắc ai cũng biết mức chi tiêu ở Nhật đắt đỏ như thế nào. Nhưng thực sự mình đã cố gắng thắt chặt toàn bộ chi tiêu dành cho bản thân. Thay vì sắm sửa mua đồ cho mình thì mình gửi hết tiền về cho mẹ".

Khu vực bếp và phòng ngủ

"Có quãng thời gian suốt hơn 3 năm trời, sáng nào cũng dậy từ 3 rưỡi, 4 rưỡi sáng rồi đạp xe 40 phút tới công ty vì nhà xa. Sau đó trở về nhà vào lúc 9 - 10 giờ đêm. Nắng mưa hay bão tuyết cũng vậy. Cũng có những hôm ăn uống xong là 12 giờ đêm mới được đi ngủ" - Hạnh kể thêm.

Luôn tiết kiệm 1 nửa thu nhập rồi đem đi đầu tư

Sau 15 năm sinh sống và làm việc ở Hà Nội, cuối năm 2019 - đầu năm 2020, Hoa Phạm (35 tuổi, kinh doanh tự do) quyết định rời thành thị, về quê xây nhà để có thêm thời gian gần gũi và chăm sóc mẹ. Là mẹ đơn thân, quyết định và quá trình xây nhà của Hoa không mấy dễ dàng. 

Hoa Phạm cùng với mẹ và căn nhà

Về chi phí cô cho biết: "Để xây được căn nhà đầu tiên này, mình đã tích lũy hơn 15 năm trời từ khi còn làm việc trên thành phố. Ở thành phố, thu nhập chính của mình chỉ ở mức trung bình, 15 - 20 triệu/tháng. Nhưng đều đặn, mình luôn dành 1/2 tổng thu nhập để thuê nhà và dành chi phí cho những khoản thật cần thiết trong cuộc sống. 1/2 số còn lại, mình dành hết để tiết kiệm. Cứ thế ròng rã nhiều năm trời, mình cũng tích góp được chút vốn".

Từ số vốn này, Hoa bắt đầu đầu tư bằng cách mua các căn hộ nhỏ có giá tốt sau đó bán lại để lấy lời. 

Căn nhà xịn xò, đầy đủ tiện nghi

Được biết tổng chi phí để hoàn thiện căn nhà của Hoa rơi vào khoảng 5,5 tỷ đồng. Ban đầu, cô có vay một ít của người thân, nhưng đã hoàn trả không lâu sau đó. "Mình nghĩ cần cân đối trong khả năng tài chính để việc mua - xây nhà không trở thành gánh nặng quá áp lực, tránh trường hợp xây nhà xong lại phải còng lưng trả nợ suốt đời" - Hoa chia sẻ kinh nghiệm.

Làm 4 công việc cùng lúc, trích 80% thu nhập để trả nợ ngân hàng

Câu chuyện vay tiền ngân hàng sửa nhà cho mẹ của Lê Chấn Phong (22 tuổi, Tây Ninh) cũng từng khiến nhiều người phải nể phục. 

Chấn Phong từng theo học tại ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) nhưng đến năm thứ 2 thì nghỉ học để đi làm vì gia đình gặp khó khăn tài chính. Cậu bạn bắt đầu từ việc kinh doanh quần áo và mở được 1 shop riêng. Tuy nhiên sau dịch Covid-19, cửa hàng buộc phải dừng hoạt động. Trong vòng 1 năm sau đó, Phong quay lại TP.HCM để làm việc cho phòng tập gym. 

Chấn Phong và căn nhà sau khi sửa

Đến đầu năm 2022, cậu bạn quyết định về Tây Ninh. Thời gian mới về, Phong làm 4 việc một lúc: kinh doanh thời trang cùng bạn, dạy gia sư tiếng Anh, bán hàng cho shop ghế mát xa và làm quản lý lễ tân. Ngần ấy thời gian làm việc, Phong tiết kiệm được gần 100 triệu và quyết định vay thêm ngân hàng 300 triệu để sửa nhà cho mẹ. Sau 3 tháng tự lên ý tưởng và 2 tháng thi công, căn nhà đã được hoàn thiện vào tháng 6/2022. 

Hiện tại Phong vẫn đang làm việc chăm chỉ để trả nợ ngân hàng hàng tháng: "Mình ước chừng để ra 80% trả nợ ngân hàng. Vì sống chung với mẹ và chị nên mình không phải lo ăn uống hay tiền thuê nhà. 20% còn lại mình dùng cho chi tiêu cho cá nhân như tiền xăng xe, cafe…".

Người trẻ kiếm tiền và chi tiêu thế nào để có nhà mới tặng bố mẹ? - Ảnh 8.
Người trẻ kiếm tiền và chi tiêu thế nào để có nhà mới tặng bố mẹ? - Ảnh 9.
Người trẻ kiếm tiền và chi tiêu thế nào để có nhà mới tặng bố mẹ? - Ảnh 10.

Những hình ảnh trước và sau khi căn nhà được sửa

Kiếm tiền từ năm lớp 10, rút kinh nghiệm từ những thất bại trong kinh doanh

Cuối năm 2021, Lê Trường Anh (25 tuổi, Hà Nội) quyết định xuống tiền, mua một căn hộ trả thẳng để tặng mẹ. Từ thời điểm lên thiết kế đến hoàn thiện thi công cần thêm 8 tháng nữa mới có thể dọn vào ở.

Người trẻ kiếm tiền và chi tiêu thế nào để có nhà mới tặng bố mẹ? - Ảnh 11.

Trường Anh và mẹ

Để có tài chính vững vàng như hiện tại, Trường Anh bắt đầu kiếm tiền từ năm lớp 10. Anh chàng đã trải qua rất nhiều ngành nghề, từ đi làm thuê cho đến tự làm chủ, làm sản phẩm thương hiệu của riêng mình nhưng chưa thành công, may mắn là hòa vốn. Đến năm thứ 2 đại học, Trường Anh góp vốn đầu tư kinh doanh và có nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên vì còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên chàng trai lại thêm 1 lần thất bại. 

Sự việc khiến Trường Anh không khỏi hoài nghi về bản thân nhưng trong suốt quá trình này, luôn có mẹ ở bên, động viên và an ủi nên anh chàng đã nhanh chóng lấy lại tinh thần. "Mình bắt đầu ngồi lại, bình tĩnh phân tích những quyết định trong đầu tư và kinh doanh, xem rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu. Với tinh thần không ngừng trau dồi kiến thức, tự rút bài học, mình quay trở lại việc kiếm tiền với tâm thế ổn định hơn. Nắm bắt được những cơ hội mới, mình áp dụng những kỹ năng được chuẩn bị kỹ càng trước đó và đạt được những thành công nhất định" - Trường Anh tâm sự.

Căn nhà có phong cách tối giản

Ảnh: NVCC

Chia sẻ