Cách bảo vệ sức khỏe khi thời tiết giao mùa

PV,
Chia sẻ

Thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa, từ hè sang thu. Thời tiết mùa thu được coi là dễ chịu nhất trong năm. Thế nhưng, nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm, thời tiết hanh khô khiến sức đề kháng suy giảm dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh. Vậy, làm thế nào để bảo vệ sức khoẻ khi thời tiết đang giao mùa như hiện nay?

Cách bảo vệ sức khỏe khi thời tiết giao mùa - Ảnh 1.

Thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba.

Nhiều bệnh dễ... tấn công

Theo các chuyên gia y tế, một số bệnh như: Sốt xuất huyết, cúm, viêm đường hô hấp, tay chân miệng... là những bệnh phổ biến khi thời tiết chuyển mùa hè sang thu.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã có hơn 70,5 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 64,8%, số tử vong giảm 32 trường hợp.

Tuy nhiên, trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở 15 tỉnh, thành phố: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố đã ghi nhận 2.594 ca mắc sốt xuất huyết tại 157 xã, phường, thị trấn (giảm hơn 2.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019). Thế nhưng, những tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng. Cụ thể, nếu trong tháng 8-2020 ghi nhận từ 60-100 ca mắc sốt xuất huyết/tuần thì đến tháng 9-2020, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng lên từ 300-400 ca/tuần, trong đó đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, thời tiết giao mùa có nắng hanh kèm theo mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Theo chu kỳ hằng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết thường gia tăng từ tháng 9 đến tháng 11.

Chính vì vậy, người dân không được chủ quan với dịch bệnh này. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, như: Sốt cao, đau nhức cơ khớp, phát ban, dạng nặng có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đang điều trị cho gần 20 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm của bệnh viện cho biết, đối với các thể bệnh nhẹ, sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà mà không cần nhập viện. Khi bị sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu, người bệnh sẽ có phản ứng sốt cao. Do đó, cần uống thuốc paracetamol hạ sốt kèm theo uống nước có pha bột điện giải oresol theo chỉ dẫn (từ 2 lít/ngày), uống nước hoa quả, sinh tố, bổ sung vitamin C, B1...

Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự ý truyền dịch tại nhà. "Bệnh sốt xuất huyết ngày thứ tư là thời điểm nguy hiểm. Vì vậy, với những bệnh nhân có chỉ định điều trị tại nhà thì đến ngày thứ tư của bệnh nên tái khám", bác sĩ Nguyễn Thái Minh lưu ý.

Ngoài bệnh sốt xuất huyết, thời điểm giao mùa như hiện nay là điều kiện lý tưởng gia tăng bệnh tay chân miệng. Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.311 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong. Riêng trong tuần (từ ngày 14-9 đến 20-9), thành phố ghi nhận 162 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 56 trường hợp so với tuần trước đó).

Bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải vi rút gây bệnh. Vi rút có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp. Đáng lo ngại là dịch bệnh này lây lan với tốc độ khủng khiếp. Trong lớp học có một trẻ bị mắc bệnh thì cả lớp đó có thể bị lây nhiễm.

Ngoài ra, thời tiết giao mùa cũng thường gặp những bệnh liên quan đến đường hô hấp, như: Cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính dễ tái phát như: Hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, số người đến khám và điều trị các bệnh hô hấp thường tăng cao vào thời điểm giao mùa. Đường hô hấp của con người mở, tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài nên mỗi thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ, môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp. Nếu người có sức đề kháng tốt sẽ vượt qua được quá trình thay đổi này và không mắc bệnh.

Cách bảo vệ sức khỏe khi thời tiết giao mùa - Ảnh 2.

Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện 6 biện pháp tự phòng, chống dịch bệnh, như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; tiêm phòng đầy đủ với những bệnh đã có vắc xin; tích cực vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy; tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng bệnh; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày; không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, không tự ý điều trị tại nhà mà cần đến cơ sở y tế hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Năng, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, mỗi ngày, các thành viên trong gia đình hãy dành thời gian tập thể dục và cố gắng duy trì đều đặn nếu có thể hoặc ít nhất 3-4 lần/tuần. Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh, từ đó sản sinh kháng thể chống lại vi rút gây bệnh.

Ngoài ra, chế độ ăn uống quyết định rất lớn tới sức khỏe con người. Mỗi bữa ăn cung cấp đầy đủ thành phần chính giúp cơ thể được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài.

Mặt khác, trong cơ thể, nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể. Do đó, mỗi người cần bổ sung thường xuyên và đều đặn với 2-3 lít nước/ngày để loại bỏ chất dư thừa cũng như các độc tố, từ đó hạn chế bệnh tật.

PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý với những người bị viêm phế quản mạn tính, khi thời tiết thay đổi, phản ứng của đường thở tăng lên khiến người bệnh dễ bị mắc bệnh hô hấp mới hoặc làm nặng thêm bệnh sẵn có. Đơn cử như ở bệnh nhân mắc bệnh hen, khi thay đổi thời tiết có thể làm bệnh hen phế quản bội nhiễm hoặc bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

"Với bất cứ triệu chứng nào ở đường hô hấp như: Sốt, ho, có đờm..., người dân cần đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân. Việc điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao cho người bệnh", PGS.TS Vũ Văn Giáp nhấn mạnh.

Chia sẻ