Các vụ giết người man rợ: Vô cảm trước nỗi đau tận cùng của người thân!
Những nhát dao của kẻ sát nhân không chỉ cướp đi sinh mạng của người khác mà còn là nhát dao “chí mạng” đối với chính người thân của hung thủ. Họ sẽ sống tiếp tục như thế nào khi mang nặng mặc cảm là người thân của kẻ giết người máu lạnh?
Chỉ trong buổi tối hôm qua, liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều người, bắt nguồn từ những mâu thuẫn về tình ái, tiền bạc, trong đó có vụ nam thanh niên 19 tuổi ở Bắc Ninh giết người yêu cũ và bạn trai của cô này một cách man rợ hay vụ cô gái trên bị giết trên giường ngủ ở Hải Phòng khiến nhiều người bàng hoàng, phẫn nộ.
Đây chỉ là số ít những vụ giết người man rợ trong rất nhiều vụ án mạng xảy ra trong thời gian vừa qua. Cách đây không lâu là vụ giết người tình dã man trên phố Hàng Bài (Hà Nội) rồi tự sát không thành, hay vụ chặt đứt lìa 2 tay vợ vì ghen tuông ở xã Tam An, Long Thành (Đồng Nai)…
Những vụ án liên tiếp xảy ra vừa qua khiến dư luận phẫn nộ, lo lắng, bất an trước sự lạnh lùng, vô cảm của con người.
Bất an vì những kẻ máu lạnh, sẵn sàng ra tay tàn bạo vì mâu thuẫn tình ái, đôi khi chỉ là những mâu thuẫn nhỏ như xúc phạm nhau trên mạng, nghi ngờ ghen tuông… Đối tượng hành động chỉ để thỏa mãn cơn tức giận nhất thời của bản thân, thỏa mãn khí chất "yêng hùng" mà không hề nghĩ đến cha mẹ, người thân.
Ngay như vụ hung thủ 19 tuổi giết người đêm qua ở Bắc Ninh, không chỉ “ngáo” mạng xã hội mà đối tượng còn bất chấp cả nỗi đau tận cùng của người thân. Trước khi ra tay, đối tượng còn lên mạng xã hội viết những lời “tuyệt mệnh” gửi mẹ, anh trai và em gái… Thoạt nghe thì có vẻ như “quan tâm” đến người thân, nhưng hoàn toàn ngược lại. Những nhát dao của đối tượng không chỉ cướp đi sinh mạng của người khác mà còn là nhát dao “chí mạng” đối với chính người thân của hung thủ. Họ sẽ sống tiếp tục như thế nào khi mang nặng mặc cảm có người con, người anh là kẻ giết người máu lạnh?
Bất an vì xã hội ngày càng vô cảm. Ngay trong lúc hung thủ giết người dã man thì nhiều người tụ tập đứng xem, thậm chí quay clip để đưa lên mạng câu like và comment mà không có động thái hỗ trợ hay gọi lực lượng chức năng đến giải cứu.
Chưa bao giờ, người ta lại vô cảm, thản nhiên trước sự nguy hiểm, nỗi đau của đồng loại đến như vậy. Họ thản nhiên quay clip, đăng những clip kinh hoàng đó lên mạng Facebook, Tik Tok, Youtube, Twitter… ngay lập tức để tìm kiếm like, share, bình luận trên mạng xã hội. Và trong cả ngàn bình luận, có rất nhiều bình phẩm vô cảm, phản cảm, thậm chí vô văn hóa về nạn nhân và vụ việc.
Mạng xã hội phát triển đem đến nhiều tiện ích nhưng có nhiều mặt trái với đầy rẫy những thông tin, clip cướp, hiếp, giết mỗi ngày, khiến cho nhiều người dễ trở thành nạn nhân, nhất là giới trẻ-những người đang trong độ tuổi thích thể hiện bản thân và chưa phân biệt được giá trị thật-ảo của vô vàn thông tin trên mạng.
Nguy hiểm nhất là nhiều người đã học theo mà không ý thức được những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Điển hình nhất là cách đây không lâu, những nhân vật như Khá bảnh, Huấn hoa hồng… lại là “thần tượng” của nhiều người trẻ trên mạng xã hội với các hành động lệch chuẩn, trái pháp luật như đốt xe máy, đánh bạc, cho vay nặng lãi…
Vì sao người ta lại càng ngày trở nên vô cảm, lạnh lùng đến như vậy? Một phần có lẽ do sự mất lòng tin vào nhiều giá trị tưởng chừng là bất biến. Người ta trở nên e dè, ngại ngần khi phải làm việc tốt bởi có rất nhiều trường hợp làm ơn mắc oán, dễ thấy nhất là trong việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông.
Mới đây trường hợp chị Vân Anh, trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh khi giúp đưa một phụ nữ bị tai nạn giao thông vào bệnh viện, nhưng lại bị người nhà của người phụ nữ này tố chị chính là người gây ra tai nạn. Nhiều người đem nạn nhân bị tai nạn giao thông vào viện cấp cứu đã bị người nhà đánh trọng thương, thậm chí tử vong vì cho rằng họ là kẻ gây tai nạn.
Đến cả thiếu tá công an ở Hà Nội cũng không tự tin mình có thể an toàn khi đưa một phụ nữ gặp tai nạn trên đường đến viện. Anh đã phải nhờ người dân quay giúp video để "chứng minh mình không phải là người gây ra tai nạn giao thông".
Vô cảm vì nhiều giá trị đạo đức trong xã hội bị đảo lộn. Có những người, thậm chí có vị trí, chức vụ cao trong xã hội, mới hôm qua còn rao giảng đạo đức, thì hôm sau vướng vòng lao lý vì tham ô, tham nhũng, vi phạm đạo đức nghiêm trọng… Còn những người dám đấu tranh cho lẽ phải, công bằng thì nhiều khi bị coi là kẻ không bình thường, bị dồn ép và cô lập.
Bệnh vô cảm thật đáng sợ, nó khiến con người ta thờ ơ trước nỗi đau của người khác, là con đường dẫn đến tội ác. Căn bệnh vô cảm đã đến lúc báo động, nếu không có giải pháp sẽ gây ra nhiều hệ lụy còn đau lòng và nguy hại hơn rất nhiều.
Vì thế, cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Trước hết là từ chính mỗi cá nhân trong cộng đồng biết đấu tranh với cái xấu, cái ác, không thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Nhưng để khuyến khích mọi người làm việc hay, điều thiện, thì niềm tin trong xã hội cũng cần được củng cố và tăng cường bằng sự vào cuộc của các ban ngành chức năng, của pháp luật một cách kịp thời và nghiêm minh.
Có như vậy điều nhân, việc thiện mới được lan tỏa, cái ác mới không có cơ hội sinh sôi, nảy nở./.