Các quốc gia trên thế giới cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà ra sao?

PV,
Chia sẻ

Nhiều quốc gia đã và đang áp dụng việc để người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ điều trị tại nhà, không phải nhập viện hay cách ly tập trung.

Hàn Quốc chuẩn bị cho bệnh nhân COVID -19 không triệu chứng điều trị tại nhà

Không giống như trong đợt lây nhiễm thứ 3 vào mùa đông năm 2020, khi Hàn Quốc thiếu giường điều trị tích cực cho bệnh nhân nặng, quốc gia này hiện lại đang đối mặt với tình trạng thiếu giường tại các trung tâm điều trị cho bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ lưu trú. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét kế hoạch điều trị tại nhà cho các bệnh nhân trẻ, không triệu chứng và sống một mình.

Để điều trị bệnh nhân không triệu chứng tại nhà, các nhân viên y tế Hàn Quốc sẽ phải liên tục theo dõi tình trạng bệnh nhân qua điện thoại. Trước đây, việc điều trị tại nhà ở Hàn Quốc mới được áp dụng chính thức cho trẻ em từ 12 tuổi trở xuống. 

Tuy nhiên, hiện Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu xem xét việc mở rộng diện điều trị tại nhà do hơn 75% giường bệnh tại các trung tâm điều trị nội trú ở khu vực thủ đô của Hàn Quốc đã được sử dụng. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ liên tục tăng, đặc biệt trong nhóm độ tuổi từ 20 - 30. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc cũng lưu ý chưa có kế hoạch mở rộng diện điều trị tại nhà ngay mà sẽ tăng thêm giường lưu trú tập trung cho bệnh nhân nhẹ tại các ký túc xá.

Các nước cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà ra sao?

Trên thế giới, phương pháp điều trị tại nhà đối với bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đã được nhiều nước áp dụng từ đầu dịch nhằm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Mỹ cho cách ly tại nhà đối với bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm có thể hồi phục ở nhà, hoặc nhóm không có triệu chứng. Những người này phải cách ly trong một phòng riêng biệt với các thành viên khác trong gia đình. Họ chỉ có thể tiếp xúc với người khác sau ít nhất 10 ngày tính từ lúc xuất hiện triệu chứng với điều kiện không bị sốt, không cần dùng thuốc trong vòng 24 giờ gần nhất và các triệu chứng khác đã được cải thiện.

Ngày 12/7 vừa qua, Bộ Y tế Campuchia đã chính thức cho phép các bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà. Những người này sẽ được yêu cầu ký vào một thỏa thuận, biên bản cho thấy, họ tự nguyện rời bệnh viện. Người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh, chăm sóc, xử lý chất thải… Chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm phân phối vật tư y tế, giám sát đội ngũ y tế.

 - Ảnh 1.

Nhiều nước đã áp dụng điều trị tại nhà cho các bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ. (Ảnh: Reuters)

WHO hướng dẫn về điều trị COVID-19 tại nhà

Việc tự điều trị COVID-19 tại nhà dù không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ có thể khiến nhiều người lo lắng khi không có sự theo dõi của bác sĩ. Để người bệnh có thể an tâm cách ly tại nhà và chăm sóc cho bản thân, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra hướng dẫn về cách theo dõi, phát hiện các triệu chứng cần báo với cơ sở y tế, cũng như cảnh báo về việc sử dụng thuốc.

Tiến sĩ Janet Diaz, chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết:

"Có một số điều quan trọng cần lưu tâm khi người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà.

1. Người bệnh cần phải được cách ly để không lây nhiễm virus sang cho người khác.

2. Người bệnh sẽ có thể bị sốt. Vì thế, khi bị sốt, có thể dùng các biện pháp điều trị triệu chứng hoặc dùng thuốc hạ sốt để giữ tinh thần thoải mái.

3. Ăn uống đủ chất, luôn uống đủ nước, duy trì thói quen ăn uống tốt.

Có một điều tôi muốn nhấn mạnh là SARS-CoV-2 là một loại virus. Vì vậy, nếu bạn mắc bệnh và đang điều trị tại nhà, chúng tôi không khuyến khích sử dụng kháng sinh vì các thuốc đó điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, còn COVID-19 là bệnh nhiễm virus nên nó sẽ không phản ứng với kháng sinh.

Việc tự điều trị COVID-19 tại nhà cần được thực hiện dưới sự giám sát lâm sàng, tức là quyết định bạn sẽ ở tại nhà hay nhập viện phải được chuyên gia y tế quyết định hoặc theo quy chuẩn quốc gia.

Tại nhà, bạn có thể sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu. Bạn sẽ có thể phát hiện sớm nguy cơ nếu độ bão hòa oxy trong máu bắt đầu giảm và nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế để có thể can thiệp, tìm ra lộ trình chăm sóc sức khỏe phù hợp. Nồng độ từ 94% đến 90% là bắt đầu có dấu hiệu có thể sẽ thấp đi. Bạn liên hệ với cơ quan y tế, miêu tả tình trạng của mình và nhờ họ tư vấn về các biện pháp cần phải làm tiếp theo.

Ngoài ra, có một số triệu chứng cảnh báo cần chú ý để báo với cơ sở y tế khi bạn ở nhà như thở gấp hoặc khó thở, đau ngực. Điều này có thể là do bạn đang bị viêm phổi và bệnh viêm phổi đang tiến triển. Một triệu chứng khác là những thay đổi về tinh thần ví dụ như bạn bị nhầm lẫn, suy nghĩ không rõ ràng, chóng mặt hoặc buồn ngủ hơn bình thường.

Còn đối với những người sống chung với bệnh nhân COVID-19 tại nhà, cần lưu ý thực hiện:

- Cả người bệnh và người chăm sóc đều phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay.

- Người chăm sóc bệnh nhân COVID19 điều trị tại nhà nên là người có sức khỏe tốt nhất trong gia đình.

- Khi đưa thức ăn, đồ dùng cho người mắc COVID-19, người chăm sóc cần đeo thêm cả găng tay, đồ bảo hộ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Các đồ bảo hộ cũng cần được bỏ đi ngay sau khi sử dụng một lần. Không tái sử dụng găng tay, khẩu trang sau khi gặp bệnh nhân COVID-19.

- Nhà cửa nên thông thoáng, mở cửa sổ. Cần thường xuyên lau dọn sạch các bề mặt thường được tiếp xúc nhiều bằng nước chứa 0,1% Natri hypochlorit (còn gọi là javen). Quần áo và khăn phải được giặt ở nước nóng từ 60 đến 90 độ.

- Người chăm sóc bệnh nhân cần dùng riêng các đồ dùng cá nhân như đũa, bát, ga giường.

Chia sẻ