Các chị, các mẹ chọn ngâm củ kiệu bán tại nhà, tưởng đơn giản nhưng vẫn là việc kiếm ra tiền cho mùa Tết lẫn ngày thường
Món ăn này được nhiều hộ gia đình tại miền Tây và miền Nam chọn làm để kinh doanh với mô hình nhỏ, nhưng nếu thức thời đây hoàn toàn là nguồn thu nhập không nhỏ vào các dịp lễ, Tết.
Củ kiệu ngâm giấm đường là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của nhiều gia đình Việt, đặc biệt là ở khu vực miền Tây và miền Nam.
Vào ngày Tết, củ kiệu có vị chua chua, ngọt ngọt, cùng vị nồng đặc trưng thường được dùng chung với các món ăn như trứng vịt bắc thảo, tôm khô hay giúp giảm đi sự ngấy và ngán từ thịt kho hột vịt, bánh tét vốn dĩ quá nhiều vào dịp Tết.
Vào ngày thường, nhiều gia đình cũng chọn củ kiệu để ăn kèm trong một số món kho, chiên, hoặc đơn giản hơn là rưới chút nước tương ngon, cắt vài lát ớt ăn kèm với cơm trắng nóng hổi là qua một bữa lười nấu.
Kể ra nghe cách ăn thì đơn giản, nhưng để làm ra một hũ củ kiệu ngâm thật ngon cũng lắm kỳ công vì khâu lựa kiệu, lột vỏ, phơi khô, nấu nướng giấm đường rồi ngâm từ 5 đến 7 ngày khiến nhiều gia đình chọn đi mua kiệu ngâm sẵn hơn là tự làm tại nhà. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn kiệu được chế biến dạng "công nghiệp" thì theo "kinh nghiệm" ăn kiệu "truyền đời" của những gia đình tại Sài Gòn và miền Tây thì có không nhỏ người cho rằng "thích mua kiệu ngâm của các chị, các mẹ làm tại nhà thì nó mới ra được cái vị quen thuộc của ngày xưa". Nên cũng chính vì thế đã tạo điều kiện không nhỏ cho các hộ gia đình nhỏ tự làm, tự bán món ăn này vào dịp Tết lẫn ngày bình thường.
Ngâm củ kiệu kiếm tiền triệu mỗi ngày vào mùa Tết
Nắm bắt được nhu cầu đó chị Thúy Hân (Cần Thơ) cứ mỗi dịp Tết đến cận kề chị lại bày bán củ kiệu. Chị chia sẻ: "Dựa vào nhu cầu của thị trường nên tôi chỉ bày bán vào dịp Tết chứ không làm quanh năm".
Chị Thúy Hân.
Chính vì là món ăn không thể thiếu vào mấy ngày Tết nên lúc nào cũng đắt khách. Cô Đào (Cần Thơ) cho biết: "Tết năm nào nhà cô cũng phải mua một hộp củ kiệu ngâm, sẵn về, phải có nó ăn thịt kho tàu, bánh chưng, bánh tét mới không bị ngán. Nhưng nếu bày ra muối ở nhà lại bừa bộn và lại cũng không ngon bằng ở quán".
Với người muối củ kiệu như chị Hân thì mùa vụ sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng và làm từ 15 tháng Chạp đến hết 29 tháng Chạp sẽ giao hết các đơn. Chính chị sẽ là người đi xem và chọn từng củ để đảm bảo chất lượng về chứ không nhập cố định mối nào cả. Nói về thị trường củ kiệu năm nay chị chia sẻ: "Năm nay giá củ kiệu tăng gần gấp đôi so với năm trước rồi, giá lên tới 70.000 - 80.000 đồng/kg. Vì vậy mà giá củ kiệu ngâm sẵn cũng tăng theo."
Giá thành của mỗi hộp củ kiệu ngâm sẵn chị Hân bán với giá 100.000 đồng/hộp, trọng lượng mỗi hũ sẽ khoảng 600gr, tính cả nước khoảng 800gr. "Mỗi ngày tùy vào lượng khách nói chung dao động từ 10kg cho đến 13kg củ kiệu", chị Hân cho biết.
Làm nhanh phép tính với giá nguyên liệu như trên thì có thể tính hòm hòm công việc “thời vụ” này của chị Hân cũng lãi hơn 1 triệu đồng/ngày. Mà chị bán từ rằm tháng Chạp đến 29 Tết thì số tiền chị thu về cũng không nhỏ, bằng hoặc hơn cả 1 tháng lương của dân văn phòng.
Do cũng đã làm nhiều năm liền nên chị Hân cũng có lượng khách ổn định: "Chủ yếu là những khách quen cũ đặt hàng tiếp hoặc giới thiệu tiếp cho bạn bè rồi đặt hàng chung, thường giao hàng trong nội ô quận Ninh Kiều thì nhiều".
Đúng dịp Tết là thời cơ để cho mọi người có thể kiếm thêm thu nhập. Cũng về một phần đây là một dịp lễ lớn nhất năm, mọi người sẵn sàng chi tiêu mạnh tay hơn bình thường để một cái Tết đầy đủ, ấm no, sung túc.
Bí quyết ngâm củ kiệu mỗi nhà đều có công thức riêng
Do vẫn phải làm công việc chính nhưng chị Hân vẫn sắp xếp thời gian vô cùng hợp lí cho cho biết: "Dịp đông khách nhất là 20 tháng chạp đến 27 tháng chạp, những ngày đó khách mua để làm quà biếu Tết, thường thì làm kiệu vào giờ nghỉ trưa và giao hàng vào khung giờ 17h đến 21h để không bị ảnh hưởng vào công việc chính".
Để đảm bảo chất lượng luôn ngon chị Hân chủ yếu làm bán theo đơn chứ không làm sẵn. Bí quyết làm củ kiệu được mẹ chồng truyền lại: "Muốn củ kiệu ngon thì phải mua đúng kiệu Huế, bởi củ kiệu thơm, vừa vặn, làm rất giòn".
Củ kiệu ở miền Tây cũng khác hẳn những nơi khác, chị cho biết: "Thường thì mua về ngâm muối 3 bữa, rồi xả hết mặn, sau đó mới lặt, lặt xong thì ngâm lại với nước lạnh. Sau 1 ngày trong khi ngâm phải để ngoài nắng canh 2-3 tiếng xả nước một lần, sau đó vớt lên cho ráo đem phơi nắng một ngày, rồi đem vào gia vị tùy theo khách đặt ngọt nhiều hay ít. Đặc biệt trước khi cho đường vào thì kiệu phải rửa qua bằng giấm tự nuôi như vậy kiệu vừa được sạch bụi bẩn và trắng, giòn. Ngâm kiệu với đường cát trắng rồi đem phơi nắng tầm 3 bữa cho tan đường, rồi mới dô hủ, khi dô hủ xong lượng nước đường quá ít không ngập kiệu sẽ bị không ngon. Cho nên có thắng thêm nước đường phèn để vào cho ngập kiệu sẽ được ngọt thanh. Cách làm này quá cầu ký 10 ngày mới thành phẩm nên mỗi nhà sẽ có một cách làm riêng biệt không ai giống ai."
Muốn kinh doanh kiệu thì cần những điều gì?
- Những người phù hợp với công việc này: Chị em nội trợ, dân văn phòng có thời gian và sự kiên nhẫn.
- Cách làm kiệu: Đơn giản nhưng cần sự cẩn thận, có thể dễ dàng học được từ trên mạng hoặc các mẹ/các bà có kinh nghiệm.
- Cách bán: Tại nhà, online, muốn mô hình lớn hơn có thể tìm các sạp tại chợ hoặc các quán ăn cần lấy số lượng lớn.
- Vốn bỏ ra: Không nhiều - trung bình dưới 10 triệu đồng vì nguyên liệu đơn giản và không đắt tiền, nhưng cần lưu ý kiểm soát số lượng đầu ra để hạn chế bị hư hỏng trong quá trình bảo quản.
- Nhu cầu: Là mặt hàng bán chạy vào các dịp Tết. Vào ngày bình thường vẫn bán được nhưng cần đa dạng thêm mặt hàng nếu có thể.