Các bé không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn bè, đừng vội trách con ích kỷ, có thể do cha mẹ quá nôn nóng
Những đứa trẻ trong độ tuổi 3 - 6 nhiều lúc sẽ ngang bướng, không thích chia sẻ đồ ăn, đồ chơi với mọi người. Cha mẹ đừng vội vàng trách con ích kỷ kẻo gây ảnh hưởng tâm lý tới các bé.
Chia sẻ là một trong những điều cha mẹ nên dạy cho con để trẻ biết về lòng tốt và sự hào phóng. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ em 3 - 6 tuổi thường không thích phải nhường đồ chơi cho bạn bè dù được bố mẹ liên tục nhắc nhở, nhiều lần dạy dỗ. Thậm chí, trong một sân chơi chung giữa những đứa trẻ, cảnh tượng tranh nhau đồ thường xuyên diễn ra.
Trên thực tế, trẻ em ở độ tuổi này khá nhạy cảm vì đang phát triển tâm lý. Các bé ngày càng trở ý thức rõ ràng về khái niệm sở hữu "của tôi". Việc chúng không (muốn) chia sẻ với người khác là điều khá bình thường.
Cha mẹ đừng cố bắt con phải nhường đồ chơi cho bạn khi con không muốn, cũng đừng đánh giá con ích kỷ, điều đó có thể khiến trẻ chịu ấm ức, không hài lòng. Hãy tìm ra phương pháp tiếp cận hiệu quả hơn:
1. Con cần được cha mẹ thấu hiểu hơn là chỉ trích và buộc tội
Nếu con không muốn chia sẻ đồ chơi, đồ ăn... cho mọi người, cha mẹ không nên quá lo lắng, cũng không nên buông lời chỉ trích, trách mắng, điều đó là không công bằng với con.
Bởi lẽ, một đứa trẻ được giáo dục tốt thế nào cũng nhiều lúc nổi hứng "sở hữu" và không muốn ai động đến ngoại trừ chính mình. Hoặc cũng có thể trẻ rất thích món đồ đó và không muốn phải chia sẻ.
Dù vì lý do gì, cha mẹ cũng cần nhận định cảm xúc của con, có thể bằng một câu hỏi: "Con thích món đồ chơi ấy nên không muốn chia sẻ với bạn đúng không?". Cha mẹ cần phải đứng ở lập trường của con để hiểu và cảm nhận. Cách này sẽ khiến trẻ bình tĩnh vì nhận thấy bản thân được tôn trọng. Con sẽ phối hợp với cha mẹ và dễ dàng chấp nhận việc chia sẻ hơn.
2. Bắt buộc chia sẻ chỉ phản tác dụng
"Việc ép buộc các bé chia sẻ với nhau không dạy cho trẻ những bài học mong muốn" - Tiến sĩ Laura Markham, tác giả của cuốn sách "Phụ huynh an lòng, anh chị em hòa thuận" cho biết.
Và việc cha mẹ ép trả phải nhường đồ chơi, chia sẻ đồ ăn cho bạn bè, người xung quanh khi trẻ không thích sẽ khiến các bé bị ức chế tâm lý. Không ít đứa nhỏ cảm thấy rằng mình chẳng có chút quyền quyết định nào, tất cả phụ thuộc vào mong muốn của bố mẹ.
Không chỉ thế, sự áp đặt này còn có thể khiến trẻ hành động cực đoan. Ví dụ trẻ có 2 con búp bê rất xinh. Khi có bạn tới nhà, mẹ ra sức thuyết phục thậm chí ép buộc con cho bạn mượn 1 con búp bê để cùng chơi. Bé không muốn và đã phá hủy món đồ chứ không chịu chia sẻ. Lý do chỉ là trẻ muốn bảo vệ quyền sở hữu của mình. Không đánh giá hành vi đó là hỗn hay không, nhưng cha mẹ nên hiểu "cứng quá tất gãy", đừng can thiệp quá nhiều và để trẻ tự quyết định.
3. Chờ thời gian và hướng dẫn hợp lý cho con trẻ
Thời điểm hợp lý là một yếu tố quan trọng trong việc dạy con cách sẻ chia, bao dung. Ví dụ, khi con đang bướng đừng cố gắng thuyết phục, ép buộc mà phản tác dụng. Cha mẹ cần tôn trọng con cái và nắm bắt sự nhạy cảm của từng giai đoạn, để từ đó đưa ra cách dạy thích hợp.
Và nếu con đã dần có những hành động chia sẻ, bao dung, cha mẹ hãy kịp thời động viên, cổ vũ thì hiệu quả sẽ càng tăng lên. Hãy khuyến khích trẻ tích cực thể hiện tình yêu thương và chia sẻ với những người trẻ yêu thương, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người cần giúp đỡ.
Nguồn Sina