Cá voi sát thủ tấn công, cả nhà trôi dạt 6 tuần trên biển
Câu chuyện gia đình Robertson bị cá voi sát thủ tấn công khi đang trên du thuyền ngoài khơi Carribe năm 1970 và phải tự tìm cách sinh tồn suốt 38 ngày lênh đênh trên biển vừa được đăng trên tờ DailyMail
Ông Douglas hiện đang sống tại London
Douglas Robertson mới chỉ 18 tuổi khi tai nạn xảy ra. Vào 15.6.1972, cha ông là Dougal Robertson, lúc đó 47 tuổi, đang lái thuyền Lucette từ Panama tới quần đảo Galapogos thì bị một bầy cá voi sát thủ tấn công và đánh đắm thuyền.
Cả gia đình đã vật lộn trên chiếc bè bơm hơi thô sơ cùng những công cụ lặt vặt và sống sót được hơn 6 tuần trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.
Từng là đại tá hải quân, ông Dougal là người duy nhất có kinh nghiệm trên biển. Một năm rưỡi trước đó, ông bán nhà và đất đai của gia đình tại Anh và bắt đầu phiêu lưu cùng vợ là Lyn, con gái Anne, con trai Douglas (18 tuổi), và cặp song sinh Neil, Sandy lúc đó 10 tuổi.
Douglas Robertson (ngoài cùng bên trái)
Gia đình ra khơi từ Falmouth, Cornwall năm 1971 trên chiếc thuyền buồn 13m, chu du khắp khu vực Carribe khoảng 17 tháng. Khi đang ở gần Bahamas, thuyền Lucette bị một bầy cá voi sát thủ tấn công. Douglas mô tả lại: "Tiếng uỳnh uỳnh liên tiếp húc vào tàu, và có cảm tưởng như phần thân đã bị nứt vì có tiếng gỗ vỡ vụn, giống như thân cây gãy làm đôi. Tôi quay lại đằng sau và thấy ba con cá voi"
Địa điểm bị nạn.
Douglas đã rất sợ hãi vì nghĩ rằng cá voi sát thủ sẽ ăn thịt họ. Nhưng trên thực tế đám cá voi không hứng thú với con người.
Chỉ vài phút sau, tàu Lucette đã chìm. Bà Lyn vẫn đang mặc đồ ngủ, cùng các con vội vã trèo lên chiếc xuồng ba lá. Do không ở gần tuyến hàng hải, nên họ gần như không có hy vọng được tìm thấy và cứu sống. Dù ông Dougal quả quyết như vậy, Douglas gợi ý tất cả nên kiên nhẫn và chờ mưa xuống để có nước uống.
Lúc đó, cả nhà chỉ có sáu quả chanh, 12 quả cam, hộp bánh quy, một túi hành tây và nửa cân kẹo đường. Nguy hiểm hơn là chỉ có đủ nước cho 10 ngày. Sau đó, họ đã phải uống máu rùa biển.
"Đó là điều bắt buộc phải làm nếu không muốn chết khát, dù máu rùa có mùi vị khiến người ta buồn nôn. Giết một con rùa biển bằng tay không vô cùng khó khi móng vuốt chúng sắc như dao cạo, nhưng bản năng sinh tồn sẽ giải quyết điều đó. Chúng tôi đã xử lý 13 con tất cả, cắt tĩnh mạch và đựng máu vào cốc. Dù vị nó hơi ngái và còn mặn, nhưng ít ra còn có cơ hội sống", Douglas mô tả.
Gia đình Robertson khi còn ở Anh
Sau đó, họ ăn những con rùa và trứng của chúng nếu có. Đôi khi, họ bắt được cá mập và "vớ bẫm" với kho thức ăn chúng mới nuốt vào bụng.
Chiếc thuyền hơi bị xì khí sau 17 ngày, và họ phải chuyển sang một xuồng khác nhỏ hơn, dài chỉ 2 mét. Không ai biết họ gặp nạn, và cá mập bắt đầu lởn vởn quanh xuồng chờ mồi. Ông Dougal đã liên tiếp dùng tay không tấn công những con cá mập để đuổi chúng đi.
Sau 38 ngày, gia đình được một tàu đánh cá Nhật cứu ở cách bờ 500km.
Bà Lyn từng là y tá nên cũng giúp ích khá nhiều. Biết được công dụng chữa lành của dầu rùa, bà cất trữ và bôi vào những vết lở loét do tiếp xúc với nước biển lâu ngày, do trên thuyền chỉ có một chỗ ráo nước.
Quan trọng nhất là nước uống. Nếu uống thứ nước hỗn hợp của máu rùa, nước mưa và chất lỏng nội tạng đọng ở đáy xuồng, họ sẽ bị ngộ độc. Nhưng nếu đưa vào qua đường hậu môn, hệ thống tiêu hóa sẽ không bị ảnh hưởng. Bà Lyn đã giúp cả nhà không bị mất nước bằng cách dùng ống chế tạo từ thang nhôm đưa hỗn hợp dung dịch đó vào cơ thể qua đường hậu môn.
Gia đình Robertson và thuyền viên Nhật
Trước khi mất vào năm 1992 vì ung thư, ông Dougal từng viết sách về chuyến phiêu lưu của gia đình và đã được chuyển thể thành phim. Ông dùng lợi nhuận kiếm được mua một con tàu khác, chuyển tới sống ở Địa Trung Hải sau khi ly hôn. Còn Douglas đã tham gia hải quân, sau này làm kế toán và sống tại London.