Cả thế giới mê mải với phim mà lầm tưởng rằng Càn Long yêu nhất Ngụy Anh Lạc, lịch sử đã chứng minh thực tế khác hoàn toàn

Min,
Chia sẻ

Nếu ở Diên Hi công lược, Ngụy Anh Lạc và Càn Long có một kết thúc tốt đẹp viên mãn trong tình yêu đẹp hơn ngôn tình thì sự thật lịch sử dường như mối quan hệ giữa hai người họ chỉ là tình nghĩa và trách nhiệm.

Thời gian gần đây, bộ phim Diên Hi công lược về đề tài cung đấu trong cung tần nhà Thanh đời vua Càn Long đã làm mưa làm gió ở Việt Nam. Nhân vật chính trong phim là cặp đôi Càn Long Đế và Ngụy Anh Lạc, sau này được phong là Lệnh Ý hoàng quý phi và được truy phong Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu. Ngoài màn đấu đá chốn thâm cung thì người xem không khỏi ấn tượng với chuyện ngôn tình của hai nhân vật chính. Ai cũng đã cho rằng, chắc hẳn tình yêu mà Càn Long dành cho Lệnh phi cũng sẽ dào dạt như trong phim nhưng sự thật lịch sử lại không phải như vậy.

Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu xuất thân từ Bao Y phủ, là tầng lớp nô bộc phục vụ hoàng thất Mãn Châu. Mặc dù đến đời Ung Chính gia tộc Ngụy thị đã đạt đến hàng giai cấp tầm trung đẳng trong nhóm quan lại Bao y nhưng ngay từ đầu nàng Ngụy thị không được lấy thân phận tú nữ tham gia ứng tuyển phi tần.

Cả thế giới đều đã lầm khi nghĩ Càn Long yêu nhất Ngụy Anh Lạc, lịch sử đã chứng minh thực tế khác hoàn toàn - Ảnh 1.

Càn Long và Ngụy Anh Lạc - Ảnh trong phim Diên Hi công lược

Lệnh phi từng là "học trò" của Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu (Phú Sát hoàng hậu)

Theo những ngự chế thơ của Càn Long Đế đề cập, Ngụy thị chịu sự giáo dục của Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu. Sự giáo dục ở đây bao gồm các lễ giáo, phép tắc trong cung. Có thể thấy tuy là thân phận cung nữ, nhưng Ngụy thị cũng có gia thế nhất định trong các nữ tử Bao y. Do vậy, có lẽ Ngụy thị không thể nào theo hầu một phi tần cấp thấp hoặc làm công việc hèn mọn, nên có thể là thân cận do đích thân Hiếu Hiền hoàng hậu chỉ bảo.

Nếu trong Diên Hi công lược, nàng Ngụy Anh Lạc mục tiêu vào cung là để trả thù cho chị mình, từ chối tất cả "trai đẹp" để hướng đến kế hoạch đã đề ra nhưng rồi lại sa vào lưới tình của hai người đàn ông tuấn tú là Phó Hằng và Càn Long thì trong lịch sự lại ngược lại.

Ngụy thị tiến cung với mục đích hầu cận hoàng thất như bao người khác. Cũng không có mối tình day dứt nào với Đại học sĩ Phó Hằng, mà sau này trong mỗi lần sắc phong cũng chính ông là người thay vua ban chỉ cho Ngụy thị.

Cả thế giới đều đã lầm khi nghĩ Càn Long yêu nhất Ngụy Anh Lạc, lịch sử đã chứng minh thực tế khác hoàn toàn - Ảnh 2.

Phó Hằng và Ngụy Anh Lạc - Ảnh trong phim Diên Hi công lược

Không loại trừ khả năng Càn Long có phần sủng ái Ngụy thị là do cái bóng của Phú Sát hoàng hậu. Người mà ông từng yêu thương đến đau đớn quay cuồng khi bà mất đi nay lại như được "tái sinh" trong cô gái Ngụy thị.

Càn Long sủng ái Ngụy thị nhưng lại có một loạt hành động phân biệt đối xử rất kì quặc

Bỏ chỉ dụ tế cáo Thái Miếu theo quy định khi sắc phong Quý phi

Theo sử sách ghi chép, năm Càn Long thứ 10 (1745), Ngụy thị trở thành Quý nhân. Càn Long Đế đại phong hậu cung, trong đó Ngụy Quý nhân được phong Tần, thuộc hàng Chính tứ phẩm trong hệ thống hậu cung.

Năm thứ 14 (1748), đại phong hậu cung, trong đó Lệnh tần Ngụy thị được phong làm Lệnh phi. Cũng trong dịp này, Nhàn phi Na Lạp thị trở thành Hoàng quý phi thống lĩnh hậu cung, về sau chính là Kế hoàng hậu.

Năm thứ 22 (1757), Lệnh phi hạ sinh Hoàng thập tứ tử Vĩnh Lộ. Tuy nhiên không rõ nguyên nhân mà hoàng tử qua đời khi mới được 3 tuổi. Ngay sau đó hơn 1 năm, Lệnh phi lại tiếp tục sinh Hoàng cửu nữ, tức Hòa Thạc Hòa Khác công chúa. Có thể thấy đây là giai đoạn sinh nở liên tục nhất của bà.

Sau năm thứ Càn Long 24 (1759), Lệnh phi bất ngờ bị sảy thai trong lần mang thai thứ 3, hoàng đế ra chỉ dụ Lệnh phi Ngụy thị được thăng làm Lệnh Quý phi.

Theo truyền thống của Càn Long Đế, khi ông sắc phong Quý phi thì sẽ ra chỉ dụ tế cáo Thái miếu (như đã làm với Nhàn Quý phi, Thuần Quý phi, Gia Quý phi), nhưng đến khi ra chỉ dụ sắc phong Lệnh phi làm Quý phi thì miễn không cử hành. Ngược lại, vào năm Càn Long thứ 33 (1768), Khánh Quý phi được sắc phong, Càn Long Đế vẫn ra chỉ dụ tế cáo Thái miếu.

Câu hỏi đặt ra là nếu yêu thương Lệnh phi hết lòng thì tại sao Càn Long không làm lễ trang trọng như quy định để toàn hậu cung biết đến sự quan tâm của hoàng đế dành cho phi tử của mình? Chính vì vậy, khả năng do qua nhiều lần mang thai nhưng chỉ còn lại cửu công chúa nên Càn Long vì thương tình mà sắc phong cho Ngụy thị, và đã là miễn cưỡng thì không nên gây ồn ào.

Bỏ thông lệ sắc phong hoàng hậu, vì thế Lệnh phi vẫn nằm trong hoàn cảnh "có miếng mà không có tiếng"

Năm Càn Long thứ 30 (1765), Lệnh phi được theo hầu Càn Long Đế và Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị đi tuần du phía nam sông Dương Tử. Đi theo còn có Khánh phi Lục thị, Dung tần Hòa Trác thị, Vĩnh thường tại Uông thị và Ninh thường tại.

Tháng 2 năm đó, cả đoàn Nam tuần đi đến Hàng Châu, sang ngày 18 thì Kế Hoàng hậu Na Lạp thị đột ngột xảy ra chuyện, muốn cắt tóc nguyện đi tu. Đế - Hậu gặp chuyện, đoàn Nam tuần cũng bị đình chỉ mà trở về Bắc Kinh ngay. Ngay sau đó, hoàng đế ra chỉ dụ tấn phong Lệnh quý phi làm Hoàng quý phi. Lúc bấy giờ Càn Long Đế mới sai quan tế cáo Thái miếu, Phụng Tiên điện.

Từ khi Phú Sát hoàng hậu chết sớm, Kế hậu thất sủng, Ngụy thị ở vị thế Hoàng quý phi, là phi tần có tước vị cao nhất, đứng đầu hậu cung hơn 10 năm trời, và đồng thời là Hoàng quý phi tại vị cuối cùng dưới thời Càn Long. Tuy nhiên, theo thông lệ thường thấy của Kế hoàng hậu, Hiếu Hòa Duệ hoàng hậu, Hiếu Toàn Thành hoàng hậu, thì đáng lẽ sau 3 năm mãn tang, Ngụy thị có thể trở thành Hoàng hậu, nhưng đến cuối đời cũng chỉ ở danh vị Hoàng quý phi.

Cả thế giới đều đã lầm khi nghĩ Càn Long yêu nhất Ngụy Anh Lạc, lịch sử đã chứng minh thực tế khác hoàn toàn - Ảnh 3.

Ảnh trong phim Diên Hi công lược

Lúc đầu phong Ngụy thị làm quý phi thì Càn Long không cho tế cáo Thái miếu nhưng khi một hoàng hậu đã mất, hoàng hậu thứ 2 có hành vi quái đản rồi bị đầy vào lãnh cung, hoàng đế mới sắc phong lần nữa cho Lệnh phi và tiến hành "thủ tục". Phải chăng lần này là bắt buộc? Thời vua chúa, hậu cung là nơi nổi tiếng lắm mưu nhiều kế, không thể một ngày không có người đứng đầu. Chính vì vậy có thể nói, hoàng hậu là vị trí không thể thiếu nơi hậu cung. Ngay tại thời điểm đấy, tuyên bố với toàn thiên hạ sự "bổ nhiệm" mới của Càn Long dành cho Lệnh phi đâu xuất phát từ tình yêu hay sủng ái, tất cả chỉ là tính toán có mục đích. Thế cho nên Hoàng quý phi được cấp phát quyền hành như một hoàng hậu nhưng vẫn không được hoàng đế công nhận là mẫu nghi thiên hạ.

Đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới được con đẻ phong chức danh Hoàng hậu nhưng cũng không được nhận những ân huệ trọn vẹn như luật lệ

Năm Càn Long thứ 60 (1795), Càn Long tuyên bố Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm là Hoàng thái tử. Lệnh Ý hoàng quý phi, do là mẹ ruột của Thái tử, truy phong Hoàng hậu, thụy hiệu Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu.

Theo ân điển của một Hoàng hậu được truy phong, Thần vị của bà nên có ở Thái miếu, và cử hành nghi lễ tế cáo đất trời, nhưng cuối cùng thần vị của Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu chỉ được để ở điện Phụng Tiên, chứ không được đưa vào Thái miếu. Sự việc này ghi lại trong Thanh Cao Tông thực lục: "Càn Long năm thứ sáu mươi, Thái thường tự tấu vào tháng 12 này, Hiếu Nghi hoàng hậu thần bài nên theo lệ nên tế cáo trời đất, Thái miếu. Trước một ngày cần bẩm báo phủ Tông Nhân để chọn Thân vương tế cáo. Nhưng Hoàng thượng hạ chỉ không cần cử hành". Rõ ràng, các đại thần quan viên đều đề nghị nên tế cáo Thái Miếu, vì đó là quyền lợi của một Hoàng hậu được truy phong, nhưng Càn Long Đế lại đình chỉ không làm.

Từ sự việc này có thể thấy, chẳng vì tình yêu nào cả mà Càn Long truy phong cho Hoàng quý phi cũng là do ông chọn con trai bà là Vĩnh Diễm lên làm thái tử và một người phụ nữ hiền lương, đức hạnh như bà khiến ông trân trọng. Sự truy phong như một lòng biết ơn đối với người vợ quá cố của mình.

Cả thế giới đều đã lầm khi nghĩ Càn Long yêu nhất Ngụy Anh Lạc, lịch sử đã chứng minh thực tế khác hoàn toàn - Ảnh 4.

Tạo hình Lệnh phi trong Hoàn Châu Cách Cách

Sự thật về việc chọn Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm truyền ngôi không hề liên quan đến sự sủng ái mà Càn Long dành cho Lệnh quý phi

Càn Long có tất cả 17 người con trai, Gia Khánh hoàng đế Vĩnh Diễm là con trai thứ 15. Theo nguyên tắc thừa kế hoàng vị "lập trưởng lập đích", Vĩnh Diễm sẽ đứng ở vị trí gần cuối và hầu như không có cơ hội để đăng cơ. Chính vì vậy, sự sắc phong của Càn Long đã dấy lên nghi ngờ do ông quá sủng ái Lệnh Hoàng quý phi nhưng xét về mặt thực tế có thể thấy: Con trưởng Vĩnh Liễn và các hoàng tử khác phần lớn đều chết trẻ. Ngay đến vị hoàng tử mà Càn Long vô cùng sủng ái là ngũ a ca Vĩnh Kỳ vài năm sau cũng chết trẻ. Chính vì thế, phạm vi lựa chọn của Càn Long ngày càng ít đi.

Còn lại thập nhị a ca Vĩnh Vũ và thập ngũ a ca Vĩnh Diễm. Hoàng tử Vĩnh Vũ thông minh, tài trí hơn người, làm việc gì cũng rất có chính kiến. Hoàng tử Vĩnh Diễm tính cách hướng nội, trầm lặng, lại hiền lành dễ sai, dễ bảo. Ai nhìn vào cũng nghĩ ngôi vị Thái tử trao cho Thập nhị a ca sẽ hợp lý hơn cả nhưng Càn Long lại có suy nghĩ khác.

Bản chất vua Càn Long là người yêu quyền lực hơn cả sinh mệnh. Cho nên việc ông chọn người kế vị phải là người biết tuân thủ mọi mệnh lệnh và phải ủng hộ quyền lực của ông một cách tuyệt đối. Vĩnh Diễm bản tính trung hậu thật thà, cẩn thận, coi trọng nhân hiếu nên luôn nghe theo và phục tùng Càn Long vô điều kiện. Nhiều sử gia cho rằng đây chính là một nguyên nhân quan trọng để Vĩnh Diễm trở thành hoàng đế Gia Khánh. Chính vì vậy, sau khi truyền ngôi, Càn Long vẫn tham gia việc quốc gia đại sự và con trai gần như "hữu danh vô thực".

Mặc dù cả cuộc đời sinh hạ cho Càn Long tới 6 người con nhưng Lệnh phi cuối đời vẫn cô đơn. 4 hoàng tử người thì chết yểu, người thì không có truy phong. Còn hai công chúa: thất công chúa vì mối hữu hòa với Mông Cổ mà bị vua cha ép gả cho Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể, sau cùng làm dâu xứ người được 4 tháng cũng chết trẻ, cửu công chúa do hoàng hậu sinh ra nhưng cũng chỉ có danh phận là Hòa thạc công chúa.

Nếu ở Diên Hi công lược, Lệnh phi và Càn Long có một kết thúc tốt đẹp viên mãn trong tình yêu đẹp hơn ngôn tình thì sự thật lịch sử dường như mối quan hệ giữa hai người họ chỉ là tình nghĩa và trách nhiệm. Thế mới biết, thực tế không phải lúc nào cũng đẹp được như trong phim.

(Nguồn: Wikipedia, Sina)

Chia sẻ