Ca phẫu thuật phức tạp cứu cô gái mắc bệnh tim có phủ tạng nằm ngược
Bệnh viện Tim Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân Trần Thị Minh (đã đổi tên, 26 tuổi, ở Thanh Hóa). Đây là một bệnh cảnh đặc biệt, đồng thời đây cũng là ca phẫu thuật ccTGA đầu tiên được tiến hành tại bệnh viện này.
TS.BS Nguyễn Sinh Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - cho hay nữ bệnh nhân này phát hiện bệnh tim bẩm sinh từ lúc 3 tuổi, từng đi khám ở nhiều nơi nhưng không thể phẫu thuật.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tim bẩm sinh thể rất nặng – đảo gốc động mạch có sửa chữa kèm theo hẹp nặng van động mạch phổi. Ở bệnh nhân này, nhĩ phải nối với thất trái đi lên động mạch phổi, còn nhĩ trái nối với thất phải và đi lên động mạch chủ. Ngoài ra, bệnh nhân có lỗ thông liên thất rất lớn. Đặc biệt, cô còn bị ngược phủ tạng, tức là gan nằm bên trái còn dạ dày nằm bên phải.
Bệnh viện Tim Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân Trần Thị Minh (đã đổi tên, 26 tuổi, ở Thanh Hóa) (Ảnh: Tùng Anh).
"Bệnh nhân này có cái khó là bị ngược vị tạng, trong quá trình phẫu thuật bác sĩ phải đứng bên trái bệnh nhân, tất cả tổn thương phải làm ở bên trái nên khả năng thao tác rất khó khăn, bác sĩ phải tưởng tượng thật tốt thì mới sửa chữa cho ca mổ thành công được", TS Hiền nói.
Trong ca mổ, các bác sĩ phải vá lỗ thông liên thất, chuyển vị cả tầng nhĩ và tầng thất, cắt cả động mạch chủ, động mạch phổi, động mạch vành; đồng thời đảo lại tầng nhĩ và dùng một ống mạch nhân tạo.
Sau phẫu thuật, tình trạng nữ bệnh nhân sức khỏe tốt hơn rất nhiều, trái tim đã ổn định.
TS.BS Nguyễn Sinh Hiền cho biết, phương pháp Double Switch phẫu thuật cho bệnh nhân ccTGA đã được tiến hành ở những nước có nền phẫu thuật tim phát triển, áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị tổn thương hoán vị đại động mạch có sửa chữa, là những tổn thương rất phức tạp.
Ở Việt Nam, hiện tại, những ca phẫu thuật như thế này vẫn chưa nhiều. Đây cũng là ca phẫu thuật ccTGA đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Tim Hà Nội.