Ca phẫu thuật lịch sử dài 31 giờ trả lại gương mặt xinh đẹp cho cô gái 21 tuổi
Cô gái 21 tuổi đã có được lại một gương mặt xinh đẹp nhờ vào ca phẫu thuật cấy ghép lịch sử kéo dài 31 giờ và trở thành người trẻ tuổi nhất ở Mỹ được cấy ghép mặt.
Khi đưa các ngón tay sờ trên khuôn mặt, Katie Stubblefield có thể cảm thấy những vết thương. Khả năng nhìn bị suy giảm rất nhiều do chấn thương, nhưng khi chạm vào khuôn mặt, cô cảm thấy những nỗ lực của các bác sĩ khi đã làm việc suốt ngày đêm để điều trị cho mình.
Cô có thể cảm thấy khuôn mặt bắt đầu sưng lên nhưng Katie có thể cảm nhận những chỗ sưng phù hay những bộ phận đã mất đi. Đó là trước khi Katie bước sang tuổi 21, trở thành người trẻ tuổi nhất ở Mỹ được cấy ghép mặt.
Ca phẫu thuật thử nghiệm dài 31 tiếng này được thực hiện năm 2017, với mục tiêu tái tạo cấu trúc gương mặt của Katie và các chức năng như nhai, thở và nuốt, những gì mất đi sau tổn thương nặng nề do ý định tự sát bằng súng khi còn niên thiếu.
Cô vừa xuất hiện trên trang bìa tạp chí National Geographic tháng 9, trong một bài báo có tựa đề "The Story of a Face" và trong bộ phim tài liệu "Katie Face" do National Geographic thực hiện.
Bây giờ, Katie hy vọng cuộc phẫu thuật lịch sử của mình sẽ giúp nâng cao nhận thức về những tác hại lâu dài của tự tử và giá trị quý giá của cuộc sống.
"Tôi không biết cấy ghép mặt là gì"
Khoảng thời gian trước khi có ý định tự tử, Katie phải đối mặt với rất nhiều nỗi đau trong cuộc sống. Cô phải trải qua phẫu thuật dạ dày và bị người yêu phản bội. Cùng lúc đó, mẹ của Katie - bà Alesia, đột ngột bị sa thải khỏi trường nơi Katie theo học vì đưa ra ý kiến về các quyết sách không hợp lý.
Ngày 25/3/2014, khi Katie tròn 18 tuổi, anh trai cô - Robert Stubblefield, nghe thấy tiếng súng và phát hiện ra Katie đã tự sát bằng cách bắn vào đầu trong phòng tắm.
Katie không hề nhớ chuyện gì đã xảy ra trong ngày bi thảm đó. Và cô cũng không có nhiều ký ức về giai đoạn đó, kể cả được nhập viện ở Oxford, Mississippi, chuyển đến viện ở Memphis, Tennessee...
Bố mẹ của Katie là Robb và Alesia lần đầu tiên nghe cụm từ "ghép mặt" khi con gái đang điều trị ở Memphis.
Lúc đó, họ mới hiểu rằng ghép mặt toàn bộ và một phần là các ca phẫu thuật liên quan đến việc thay thế tất cả hoặc một phần khuôn mặt của một người bằng mô được hiến tặng, bao gồm da, xương, dây thần kinh và mạch máu từ người hiến tặng đã qua đời.
Ca phẫu thuật của Katie bao gồm cấy da đầu, trán, mí mắt trên và dưới, mũi, má trên, hàm trên và nửa hàm dưới, răng trên, dây thần kinh mặt, cơ và da - gần như thay thế toàn bộ mô mặt của Katie.
Ở bên trái, Katie Stubblefield ở tuổi 17, tám tháng trước khi tự tử. Ở bên phải, Katie ở tuổi 22, một năm một tháng sau khi phẫu thuật.
Trước đó, năm 2009, một phụ nữ có tên là Connie Culp được thực hiện ca cấy ghép mặt sau khi bị một vết thương do đạn bắn vào đầu. Cuộc phẫu thuật cấy ghép 22 giờ tại Cleveland Clinic để có gương mặt mới vào năm 2009 ở Mỹ. Đó là cấy ghép khuôn mặt gần như toàn bộ
Ca ghép mặt hoàn toàn đầu tiên thành công được thực hiện ở bệnh viện Vall d'Hebron, Barcelona, Tây Ban Nha vào năm 2010.
"Katie là người thứ 39 trải qua cuộc phẫu thuật thử nghiệm này, và cũng là người bị tổn thương nặng nề nhất. Chúng tôi nghĩ rằng câu chuyện của cô ấy là một trong những câu chuyện quan trọng nhất mà chúng tôi sẽ làm trong năm nay.
Vì đó là một câu chuyện cảm động và đầy cảm hứng, là hành trình của con người đến từ sự đột phá của y học", bà Susan Goldberg, tổng biên tập tạp chí National Geographic cho biết.
Trước khi cấy ghép mặt cho Katie, các bác sĩ phẫu thuật của Cleveland Clinic đã sử dụng kỹ thuật in 3D để giúp tái tạo khoảng 90% hàm dưới.
Bác sĩ Brian Gastman, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Cleveland Clinic là người điều hành phẫu thuật của Katie và giám sát sự bình phục của cô.
Nhóm phẫu thuật đã sử dụng CT scan hàm của chị gái của Katie, Olivia McCay, để in 3D một mẫu mô hình cho việc tái thiết.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 31 tiếng bắt đầu vào ngày 4/7/2017 với sự tham gia của 11 bác sĩ phẫu thuật và một số chuyên gia khác. Ca phẫu thuật kết thúc vào ngày hôm sau.
"Giờ đây, tôi vẫn có thể sờ được khuôn mặt của mình và tôi cảm thấy rất tuyệt vời," Katie nói, dù vẫn còn có một số khó khăn trong việc nói rõ ràng.
Ngày 1/8, Katie đã được xuất viện. Cô được uống thuốc ức chế miễn dịch để giảm nguy cơ bị thải ghép, điều này xảy ra khi hệ miễn dịch của người nhận tấn công cơ quan hoặc mô cấy ghép. Cô sẽ tiếp tục uống thuốc trong suốt quãng đời còn lại.
Katie cũng tiếp tục được điều trị bằng phương pháp liệu pháp vật lý trị liệu, học nói và chữ nổi Braille.
"Cuộc sống thật quý giá, và cuộc sống thật đẹp", cô nói.
Ghép mặt được xem là quy trình y tế thử nghiệm, và không được các công ty bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên, Viện Y học tái tạo thuộc Bộ quốc phòng Mỹ đã trợ cấp một khoản để thực hiện phẫu thuật cho Katie.
Đội ngũ các y bác sĩ của Katie hy vọng rằng phẫu thuật của cô có thể mở ra một cánh cửa tiến tới lĩnh vực cấy ghép mặt.
Tương lai của Katie sẽ không còn đen tối như ngày cô bé tự sát. Katie dự định sẽ học đại học trực tuyến, sau đó theo đuổi nghề tư vấn và thuyết trình truyền cảm hứng. Cô đã có cơ hội thứ hai để sống đúng nghĩa.
* Theo CNN