Buồn vì tiêu chuẩn chọn vợ của người Việt quá cao
Mình phát hiện ra rằng tiêu chuẩn chọn vợ của người Việt cao quá. Và thực tế, mình không tài nào với tới được. 4 chữ “Công, dung, ngôn, hạnh” mà các gia đình Việt đặt ra để lựa con dâu nhìn thì ngắn ngủn nhưng đối với mình bất khả thi quá.
Tên mình là Jenny Trần, mình là Việt kiều Mỹ. Mình sống ở Mỹ được một thời gian, mới trở về Việt Nam sinh sống và làm việc.
Sống ở nước ngoài lâu năm, mình rất nhớ và yêu Việt Nam. Mình thích khí hậu nhiệt đới ở đây, thích cách sống tình cảm, trọng gia đình của người Việt. Mình mong muốn được làm dâu một gia đình thuần Việt để được sống trong tình thân đầm ấm ấy nhưng sao khó quá chừng.
Mình phát hiện ra tiêu chuẩn chọn vợ của người Việt chúng ta cao quá. Và thực tế, mình không tài nào với tới được. 4 chữ “Công, dung, ngôn, hạnh” mà các gia đình Việt đặt ra để lựa con dâu nhìn thì ngắn ngủn nhưng đối với mình thì bất khả thi quá.
Đầu tiên là chữ “Công”. Mình được mọi người giải thích người vợ tốt là phải biết giỏi việc nước, đảm việc nhà. Thật tình mình rất nể các chị phụ nữ vừa đi làm vừa chăm sóc gia đình tận tình, chu đáo.
Ảnh minh họa (Nguồn: Inmagine)
Như gia đình hàng xóm của mình. Chị vợ và anh chồng cùng đi làm đến 6 giờ mới tan sở. Chị vợ thì đi đón con, còn anh chồng thì đi chơi tennis. Chị ấy ở nhà dọn dẹp, cơm nước đầy đủ. Chồng về chỉ có việc tắm rồi vào bàn ăn. Ăn xong chị ấy thu bát đĩa, còn anh chồng ngồi xem ti vi.
Nghe chị ấy kể mà mình sốc quá. Sao lại có chuyện bất công như vậy. Vợ làm hết còn chồng chỉ chơi và hưởng thụ. Mình hỏi thì chị ấy nói: “Phụ nữ Việt là phải tề gia nội trợ, hi sinh cho chồng con. Nếu cứ khăng khăng đòi công bằng trong quan hệ vợ chồng thì đảm bảo sẽ ế, hoặc lấy chồng rồi cũng chóng tan vỡ hôn nhân”.
Chị ấy còn bảo như chị là còn nhàn chán rồi, chỉ phải chăm lo cho chồng con. Có những phụ nữ sống chung với mẹ chồng và đặc biệt là làm dâu trưởng thì còn vất vả nữa. Phải lotrông nom nhà thờ, lo công việc cho cả họ. Khi có lễ tết, cỗ bàn phải lo làm đồ ăn cho cả trăm người, có khi còn mấy bữa liền trải dài cả tuần.
Nghe chị nói vậy, mình hơi ngậm ngùi. Vậy là mình trượt một tiêu chuẩn rồi. Có lẽ do sống ở Mỹ lâu năm nên quan niệm của mình là phải rạch ròi, bình đẳng, công việc nhà phải chia đều. Hi sinh như vậy, chắc mình không làm được. Vả lại, sức khỏe mình yếu, đi làm 8 tiếng về là nằm lăn ra rồi. Phải lao động quần quật thêm 3, 4 tiếng nữa chắc mình ngã bệnh.
Mình cũng biết mình trượt tiêu chuẩn thứ hai - “Dung” khi đến chơi nhà một người bạn thân. Mẹ bạn ấy suốt ngày mắng mình là vừa thấp, vừa bé con thế này thì sau này "ê sắc ế", phải chịu khó ăn uống vào.
Mình thắc mắc hỏi tại sao như vậy thì bác nói nhỏ với mình: “Mẹ chồng Việt chọn con dâu qua tướng tá”. Phụ nữ phải có hông rộng, to vì như vậy mới mắn đẻ. Chứ tạng gầy gò ốm yếu người ta không ưa vì tướng khó sinh nở, không sinh con nối dõi cho nhà chồng được.
Cái này thì mình lại chịu rồi. Ở bên kia mình cũng ăn dữ lắm mà không hiểu sao người vẫn gầy đét. Tạng người của mình không béo được, lại nhỏ bé. Tiêu chuẩn thứ 2 mình không đạt được bởi kém may mắn bị trời ban một ngoại hình “không đẹp”.
Nhưng mình cũng tò mò quá mọi người ạ. Hông to thì liên quan gì tới sinh nở nhỉ? Sinh đẻ là một sự kết hợp giữa giống cái và đực. Con mèo hông nó tí ti mà nó vẫn đẻ ra đứa con bự đó thôi. Vả lại, bây giờ công nghệ hiện đại, có vấn đề gì thì bác sĩ đẻ mổ rất an toàn, nhanh chóng. Quan niệm “hông to mắn đẻ” này mình thấy kì cục quá!
Tiêu chuẩn thứ 3 - “Ngôn” theo mình đánh giá là khó nhất. Chữ “ngôn” này nghĩa là phải biết ăn nói khéo léo, lời nói phải làm cho người đối diện mát lòng mát dạ. Không được ăn nói tùy tiện, không được nghĩ gì nói đấy, trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần.
Mình thì không phải người khéo léo. Tính mình thẳng thắn, nghĩ gì nói đấy. Yêu thì mình nói yêu, ghét thì nói ghét. Bảo mình nghĩ một đằng, nói một nẻo, mình chịu không làm được. Những người có thể nói chuyện hòa hợp và vừa lòng tất cả mọi người, mình xin bái phục và gọi 1 tiếng “cao thủ”.
Tiêu chuẩn thứ 4 - “Hạnh” mình cũng không đạt nốt. Nghe mọi người bảo, hạnh tức là đức hạnh. Một người vợ đức hạnh, một người con dâu đức hạnh là phải luôn luôn ngoan ngoãn, vâng lời chồng và nhà chồng, phải biết vị tha, thương yêu.
Mình có thể làm được “thương yêu”, nhưng còn “vị tha” và “luôn vâng lời” thì chắc không làm được. Nếu chồng hay mẹ chồng làm sai, nói sai, phải góp ý cho họ biết để sửa đổi chứ. Tại sao lại phải nhất nhất nghe theo? Hình như ở Việt Nam, những lời góp ý ấy bị coi là “bật”, là láo xược. Thật khác với quan điểm sống của mình quá.
Ảnh minh họa (Nguồn: Inmagine)
Còn đức tính vị tha thì mình là người thù dai cực kì. Chồng mình mà có đi cặp bồ, lăng nhăng với người khác là mình li dị liền. Mình căm ghét những kẻ phản bội. Đọc những bài viết trên mạng thấy nhiều chị em ngậm bồ hòn làm ngọt khi chồng xí xớn với người phụ nữ khác, mình thấy nể sức chịu đựng của họ lắm.
Trước đây mình cứ nghĩ vợ chồng chỉ cần có tình yêu, đồng điệu về tâm hồn là được. Nhưng từ hồi về Việt Nam, mình phát hiện ra để thành một người vợ Việt không đơn giản như vậy được.
Mình thấy tất cả những người phụ nữ đang làm vợ, làm mẹ ở Việt Nam thật là vĩ đại, vừa khỏe, vừa khéo, vừa tốt tính, cao thượng, lại còn “mắn đẻ” nữa. Mình ngưỡng mộ lắm!
Cứ dõi theo những tiêu chuẩn này của người Việt thì chắc mình không đạt được ước mơ làm dâu gia đình thuần Việt rồi. Thật tình mình muốn lấy chồng Việt và định cư luôn ở Việt Nam. Ngặt nỗi, đúng là mình không đủ tiêu chuẩn nào.