Bỉ mở triển lãm những trang phục của nạn nhân hiếp dâm để chứng minh việc ăn mặc thế nào không hề là nguyên nhân khiến phụ nữ bị cưỡng bức
"Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?" - Câu hỏi như nhát dao đâm vào trái tim vốn đã tan nát của những nạn nhân bị hiếp dâm.
https://www.facebook.com/tamnhinvietads/photos/a.812433812149807/2559410704118767/?type=3&theaterChúng ta đang sống trong thời đại mà các chiến dịch chống quấy rối phụ nữ đã được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ nguyên định kiến rằng, việc bị xâm hại hay không còn do cách ăn mặc của phụ nữ.
Quả thật, những nạn nhân bị xâm hại tình dục vốn đã phải trải qua nhiều đau đớn, tủi nhục, sang chấn về cả thể xác lẫn tinh thần - nhưng xã hội vẫn đưa ra những câu hỏi đại loại như: Cô ăn mặc ra sao? Uống bao nhiêu rượu?...
Để đòi lại sự công bằng và nâng cao nhận thức đúng đắn về vấn nạn xâm hại tình dục, buổi triển lãm có tên "Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?" đã được tổ chức ở quận Molenbeek tại Brussels, Bỉ. Không cần nhiều lời, những gì được trưng bày đã chứng minh: Phụ nữ luôn có khả năng trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục, bất kể trang phục họ đang mặc là gì đi nữa.
Trên thực tế, trong xã hội vẫn tồn tại sự kì thị ngớ ngẩn, đổ lỗi cho nạn nhân và trang phục mà họ mặc trên người.
Tại buổi triển lãm "Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?" trưng bày 18 bộ trang phục từ các nạn nhân sống sót sau các vụ cưỡng bức - từ áo váy có phần mát mẻ cho đến những bộ cánh kín mít từ đầu đến chân.
Liesbeth Kennes, thành viên của BTC cho hay: "Khi tới đây, bạn sẽ thấy ngay những thứ này là quần áo bình thường mà phụ nữ mặc hàng ngày. Thậm chí, còn có cả áo phông trẻ em, in những từ ngữ mang tính trẻ em".
Theo cô Kennes, tư tưởng kì thị hay đổ lỗi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục vẫn còn rất phổ biến. Thậm chí, họ còn bị tra vấn như thể phải chịu một phần trách nhiệm cho tai họa ập đến với bản thân.
"Một chiếc váy hè. Nhiều tháng sau, mẹ tôi đứng trước tủ quần áo và phàn nàn về việc tôi không mặc váy nữa. Khi đó tôi mới 6 tuổi"
"Tôi mặc quân phục và đem theo một khẩu súng. Quá đủ để ngăn cản bất cứ thứ gì"
"Một bộ đồ bơi. Chúng tôi đã chèo thuyền trên sông và có một ngày vui vẻ. Thế rồi chúng ập vào lều trong khi tôi đang thay quần áo"
"Hôm đó tôi mặc sari (trang phục truyền thống Ấn Độ). Hầu như hôm nào tôi cũng mặc vì nó thoải mái, nó khiến tôi nhớ về quê hương, gia đình và nguồn gốc của bản thân. Nhưng giờ nó khiến tôi nhớ đến hắn ta"
"Đằng sau những con số khủng khiếp về nạn xâm hại tình dục là những con người bằng xương bằng thịt. Họ có thể là phụ nữ, trẻ em và đàn ông. Chúng ta không nên ép nạn nhân phải tường trình chi tiết lại nhiều lần về những gì mà họ đã trải qua".
Kennes nhấn mạnh rằng, thay vì cáo buộc các nạn nhân ăn mặc hở hang, đong đưa hoặc đi đêm về hôm một mình - hãy lên án và trừng phạt những kẻ đã gây ra đau khổ cho họ.
Chiêm ngưỡng thêm một số hình ảnh tại triển lãm "Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?"
Phụ nữ, đàn ông hay trẻ em có thể mặc thứ gì mà họ thích - Nhưng không ai có quyền được chạm vào họ hết!
Dù kín mít hay có chút mát mẻ, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục
"Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?" - Câu hỏi đó không khác gì nhát dao đâm vào trái tim vốn đã tan nát của những nạn nhân bị hiếp dâm.
Và việc ăn mặc thế nào không hề là nguyên nhân khiến phụ nữ bị cưỡng bức, hãy chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân!
Tham khảo Refinery29