Bụng to chưa chắc đã béo: Cách phân biệt bụng to do mỡ thừa hay do bệnh gan
Tình trạng "béo bụng" do tích tụ dịch trong khoang bụng có thể liên quan đến bệnh gan, thậm chí là ung thư gan.
Bụng to có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe, không chỉ đơn giản là do béo bụng. Tình trạng tích tụ mỡ thừa ở bụng (Central Obesity) thường liên quan đến các bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường, cao huyết áp và mỡ máu. Tuy nhiên, nếu bụng to kèm theo cảm giác căng cứng, ấn vào thấy cứng và đàn hồi nhanh, cần cảnh giác với tình trạng "báng bụng" (Ascites - cổ trướng). Ascites là hiện tượng tích tụ dịch trong khoang bụng, khác với béo bụng thông thường.

Ảnh minh họa
Bác sĩ Jesada Bunyavongviroj, Phó Giám đốc Bệnh viện Maharat Nakhon Ratchasima (Thái Lan), cảnh báo tình trạng bụng to không chỉ do mỡ tích tụ mà có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng "báng bụng" (Ascites) do tích tụ dịch trong khoang bụng có thể liên quan đến bệnh gan, thậm chí là ung thư gan.
Dấu hiệu phân biệt béo bụng do mỡ thừa và cổ trướng
Để phân biệt béo bụng và cổ trướng, có thể dựa vào một số dấu hiệu:
Hãy thử sờ bụng: Nếu bụng mềm và có nhiều mỡ, nghĩa là bạn bị béo bụng. Nhưng nếu bạn ấn vào và thấy căng, cứng đàn hồi nhanh như có áp lực trong bụng thì nhiều khả năng là cổ trướng.

Ảnh minh họa
Nằm thẳng và quan sát bụng: Nếu bạn nằm xuống và thấy bụng lan sang một hoặc hai bên thì là béo phì. Nhưng nếu bạn nằm xuống mà bụng bạn nhô lên và giữ nguyên dạng thì có thể là do dịch trong bụng, liên quan đến cổ trướng.
Kiểm tra các triệu chứng khác: Những người béo phì với bụng to thường không có bất kỳ triệu chứng bất thường rõ ràng nào ngoài việc tăng cân và thay đổi hình dạng cơ thể. Nhưng nếu là cổ trướng thì thường có các triệu chứng mệt mỏi, tay chân sưng, khó thở, mắt vàng, bao gồm cả tăng cân nhanh bất thường.
Triệu chứng điển hình của cổ trướng
Tình trạng cổ trướng có thể báo hiệu nhiều bệnh lý nguy hiểm. Bác sĩ Jesada Bunyavongviroj liệt kê 6 nhóm triệu chứng điển hình của cổ trướng bao gồm:

Ảnh minh họa
Bụng to, chướng, đầy tức;
Vàng da, vàng mắt;
Khó thở, nằm ngửa thấy tức ngực, phải nằm gối cao;
Buồn nôn, chán ăn, ăn ít đã thấy no;
Mệt mỏi, tay chân sưng phù;
Tăng cân nhanh bất thường. Nếu đột nhiên tăng cân rất nhanh trong vòng vài tuần cho dù ăn ít và bụng vẫn to lên thì nguyên nhân có thể là do chất lỏng tích tụ trong khoang bụng - cổ trướng.
Nếu gặp những triệu chứng này, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác.
Cổ trướng không chỉ là bệnh về gan
Mặc dù bệnh gan là nguyên nhân phổ biến gây ra cổ trướng nhưng cũng có nhiều bệnh lý khác có thể dẫn đến tình trạng này. Một số bệnh lý bao gồm xơ gan do uống nhiều rượu bia hoặc viêm gan virus, ung thư gan, suy tim, suy thận và suy giáp.
Trong trường hợp cổ trướng do bệnh gan, bệnh nhân thường có biểu hiện vàng da, vàng mắt và xuất hiện các mao mạch nổi rõ. Nếu tình trạng nặng hơn, có thể dẫn đến nhiễm trùng khoang bụng, rất nguy hiểm.

Ảnh minh họa
Việc điều trị cổ trướng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do xơ gan, cần hạn chế muối, nước và sử dụng thuốc lợi tiểu. Nếu do ung thư, có thể phải hóa trị hoặc chọc hút dịch. Còn nếu do suy thận hoặc suy tim, cần điều trị bệnh lý nền.
Bệnh nhân cũng cần tự chăm sóc bằng cách giảm lượng muối, kiểm soát lượng nước uống, dùng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ và có thể phải chọc hút dịch nếu bụng quá căng. Trong trường hợp nặng, có thể phải ghép gan để điều trị lâu dài.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc phòng ngừa cổ trướng và chăm sóc sức khỏe gan rất quan trọng. Bác sĩ Jesada Bunyavongviroj khuyến nghị mọi người nên bỏ hoặc hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh, tiêm vắc xin phòng viêm gan virus và khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, những người uống nhiều rượu bia hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh gan cần chú ý hơn. Bổ sung vitamin E và Choline cũng có thể giúp giảm viêm, giảm mỡ tích tụ trong gan, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan.