Bức thư về "cái chết" nữ sĩ Quỳnh Dao gửi con trai và con dâu 7 năm trước bị đào lại

Đông,
Chia sẻ

Phụ huynh chiêm nghiệm ra nhiều điều về cách dạy con từ bức thư này.

Mới đây, thông tin nhà văn nổi tiếng Quỳnh Dao - tác giả của nhiều tác phẩm như Dòng Sông Ly Biệt, Hoàn Châu Cách Cách, Một Thoáng Mộng Mơ … qua đời nhận được sự quan tâm của dân tình. Nguyên nhân cái chết của bà được cho là tự tử.

Sau sự ra đi của bà, nhiều người phát hiện ra trước đó vào tháng 2/2017, Quỳnh Dao từng đăng tải một bức thư gửi con trai và con dâu cực viral trên mạng xã hội, trong đó đề cập đến chủ đề "cái chết" - chủ đề vốn được nhiều phụ huynh coi là "cấm kỵ" khi nói chuyện với con cái của họ.

Trong bức thư, nữ sĩ Quỳnh Dao cho biết mình đọc được một bài viết có tên là "Hẹn trước một lời từ biệt tuyệt vời của chính mình". Chính bài viết đã chạm đến cảm xúc của bà, từ đó khiến bà suy nghĩ nhiều về câu chuyện sau khi qua đời của mình theo hướng tích cực, bởi bà tin rằng cái chết cũng rất đẹp đẽ như sự sống vậy.

Nếu đến lúc phải rời đi, bà hy vọng đừng vì sự luyến tiếc của con cháu mà cố gắng giữ lại xác thân của mình để rồi phải chịu đựng nhiều đau khổ. Bà còn nhắc nhở con trai và con dâu đừng để bị những quan niệm về sinh tử làm rối trí.

"Cuộc sống là tình cờ, nhưng cái chết lại là tất yếu. Tại sao chúng ta lại vui mừng cho sự chào đời, nhưng lại buồn bã cho cái chết?", bà viết.

Xúc động bức thư nhà văn Quỳnh Dao gửi con trai và con dâu:

Nữ sĩ Quỳnh Dao từng có một bức thư gửi con trai và con dâu về chủ đề cái chết từ năm 2017.

Tạm dịch nội dung bức thư gửi con trai và con dâu của nữ sĩ Quỳnh Dao viết từ năm 2017:

"Hẹn trước một lời từ biệt tuyệt vời của chính mình.

Gửi Trung Duy và Tú Quỳnh mến yêu của mẹ:

Đây là lần đầu tiên mẹ viết những tâm tư của mình trên Facebook, nhưng đây là bức thư quan trọng nhất trong đời mẹ.

'Hẹn trước một lời từ biệt tuyệt vời của chính mình' là bài viết mẹ đọc được trên tạp chí Today, một bài viết mà mọi người nên đọc ít nhất một lần trong đời. Khi chắp bút viết bài này, mẹ mới biết rằng 'Luật quyền tự chủ của bệnh nhân' đã được thông qua, và sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 6/1/2019. Nói cách khác, từ nay về sau, bệnh nhân có thể tự quyết định cách chết của mình, không cần chờ bác sĩ và gia đình quyết định nữa. Đối với mẹ, đây thực sự là một tin vui tuyệt vời. Mặc dù mẹ mong muốn có thể thông qua luật về 'cái chết êm dịu', nhưng 'cái chết tự trọng' cũng tốt hơn là không, đối với những bệnh nhân không còn hy vọng, đây thực sự là một bước tiến lớn.

Bây giờ, mẹ muốn công khai những lời nhắn nhủ của mình trên mạng. Mặc dù Trung Duy đã nhiều lần nói rằng con hiểu rõ nguyện vọng của mẹ, đồng ý với quan điểm của mẹ, và sẽ làm theo mọi điều mẹ mong muốn. Nhưng mẹ lại sợ rằng đến lúc đó, tình yêu của các con dành cho mẹ quá lớn sẽ trở thành rào cản lớn nhất đối với cái chết tự nhiên của mẹ.

Hứa hẹn là dễ, nhưng thực hiện thì khó. Nếu như đến lúc đó, các con hối hận, không nỡ để mẹ rời xa thì phải làm sao? Mẹ nghĩ, các con rất thấu hiểu về nỗi sợ hãi của mẹ đối với ngày đó. Bây giờ mẹ đã công khai 'quyền lực' của mình, tất cả những người đọc được lá thư này đều là những nhân chứng, các con không thể vì không nỡ, không thể vì bất kỳ áp lực nào, mà cố níu giữ lại xác thân của mẹ, để mẹ trở thành người già nằm trên giường 'muốn sống không được, muốn chết cũng không xong'. Như vậy, các con mới thực sự là 'bất hiếu'!

[...]

Không có một người già nằm giường nào, mong muốn bị giam cầm trong xác thân vẫn còn đau đớn, vẫn còn hành hạ bản thân mình, và chờ đợi cái chết đến để giải thoát chính mình! Nhưng, họ không thể nói, không thể biểu đạt bất kỳ ý muốn nào của bản thân!

Xúc động bức thư nhà văn Quỳnh Dao gửi con trai và con dâu:

Nữ sĩ Quỳnh Dao có cái nhìn sâu sắc về sự sống và cái chết.

Mẹ đã 79 tuổi, sang năm sẽ là 80 tuổi! Cuộc đời dài dằng dặc này, mẹ không vì chiến tranh, nghèo đói, tai nạn, thiên tai nhân họa, bệnh tật... và những lý do khác mà ra đi sớm. Sống đến tuổi này, đã là ân huệ từ ơn trên. Vì vậy, từ bây giờ, mẹ sẽ nhìn cái chết một cách lạc quan. Những lời nhắn nhủ của mẹ như sau:

Một, dù mẹ mắc bệnh gì nặng, không làm đại phẫu, để mẹ chết nhanh là quan trọng nhất! Khi mẹ còn có thể quyết định, hãy để mẹ làm chủ, nếu như mẹ không thể làm chủ, hãy làm theo lời nhắn nhủ của mẹ !

Hai, không đưa mẹ vào 'phòng chăm sóc đặc biệt'.

Ba, trong bất kỳ trường hợp nào, không được đặt 'ống thông dạ dày'. Vì nếu mẹ mất đi khả năng nuốt, đồng nghĩa với việc mẹ cũng mất đi niềm vui ăn uống, mẹ không muốn sống như vậy!

Bốn, tương tự như điều trên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không được đặt vào người mẹ các loại ống duy trì sự sống khác nhau. Ống tiểu, ống thở, và các ống khác mà mẹ không biết tên cũng không được!

Năm, mẹ đã ghi chú lại, những 'biện pháp cấp cứu' cuối cùng, như cắt khí quản, sốc điện, ECMO... tất cả những thứ này, mẹ đều không cần! Giúp mẹ chết mà không đau đớn, so với làm mọi cách để mẹ sống trong đau khổ, ý nghĩa hơn nhiều! Đừng để bị những hiểu lầm về 'sinh tử' làm cho bản thân cảm thấy lạc lõng!

Mẹ đã từng nói: 'Khi sống, mong ước như tia lửa, cháy mãi cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Khi chết, mong ước như bông tuyết, nhẹ nhàng rơi xuống, hóa thành cát bụi!'

Mẹ viết lá thư này, là với tâm trạng lạc quan. Mẹ sẽ cố gắng bảo vệ bản thân, sống tốt, như tia lửa cháy sáng, mặc dù lửa sẽ càng ngày càng nhỏ khi về già, nhưng mẹ vẫn sẽ cháy đến khi tắt hẳn. Về mong ước khi chết như bông tuyết, mẹ e rằng cần có sự giúp đỡ của các con mới có thể thực hiện được, thời gian bông tuyết tồn tại từ trên trời rơi xuống là rất ngắn ngủi, không thể trôi nổi hàng năm trời. Hãy giúp m đạt được mong ước của mình!

Điều đáng tiếc nhất trong cuộc sống là không thể chọn được sinh, cũng không thể chọn được giờ tử. Rất nhiều phong tục và quan niệm về sinh tử không thể phá vỡ đã trói buộc chúng ta, thời đại đang không ngừng tiến bộ, đã đến lúc phải thay đổi quan niệm này.

Sinh là ngẫu nhiên, tử là tất yếu.

Nói đến 'sinh tử', mẹ muốn nói với các con rằng, trong cuộc sống, có bất kỳ biến cố nào xảy ra, chỉ có 'cái chết' là điều mà mỗi người đều phải đối mặt, cũng là điều chắc chắn sẽ đến. Trái lại, 'cuộc sống' đến với thế gian, đều là 'ngẫu nhiên'. Nghĩ lại đi, dù là ai, nếu như cha mẹ các con không gặp nhau, hoặc không yêu nhau vào một ngày, một giờ, một phút cụ thể nào đó, thì cái tôi độc nhất của con sẽ không được sinh ra. Huống chi trước khi con thành hình thành hài, có hàng tỷ tinh trùng đang đua nhau chạy đến gặp trứng, nếu con bị những đối thì khác loại trừ, thì 'con' cũng không phải là con ngày nay.

Vì vậy, mẹ thường nói 'sinh là ngẫu nhiên', không chỉ một lần ngẫu nhiên, mà là rất nhiều sự ngẫu nhiên tạo nên. Cái chết thì lại là điều đã định khi con chào đời. Vậy thì, tại sao chúng ta phải vui mừng cho 'cuộc sống' mà lại buồn bã cho 'cái chết'? Chúng ta có thể dùng cách tiếp cận tích cực để đối mặt với cái chết không?

Tất nhiên, nếu chết yểu, chết non, chết vì thảm họa, tai nạn, chiến tranh, bệnh tật... những yếu tố này khiến mọi người không sống được đến tuổi già, thì đó thực sự là bi kịch. Nếu sống đến tuổi già, việc tiến đến cái chết là điều 'đương nhiên', chỉ là, quá trình chết già thường dài và đau đớn, quan điểm 'có cứu thì phải cứu' của người thân cũng là nguyên nhân chính kéo dài sự đau khổ trong cuộc sống của họ.

Các con yêu quý của mẹ, Trung Duy và Tú Quỳnh, lá thư này không nói về người khác, chỉ nói về mẹ - người mẹ luôn yêu các con vô bờ bến, xin các con hãy dùng cách tiếp cận tích cực để đối diện với cái chết mà mẹ chắc chắn sẽ phải đối mặt.

Khi thời gian điểm, các con không cần phải buồn bã, mừng cho mẹ đi!

Cuối cùng mẹ cũng đã hoàn thành hành trình gian khổ trên cõi đời này!

Thoát khỏi những đau khổ!".

Học được gì từ bức thư này?

Sau khi đọc xong lá thư, nhiều người nhận ra, chúng ta dường như chẳng bao giờ được giáo dục về cách đối mặt với cái chết hay cách nói lời tạm biệt tốt đẹp với người thân đã khuất.

Ở Mỹ, "giáo dục về cái chết" được coi là một khóa học độc lập. Hiện nay, nó thậm chí trở nên phổ biến ở các trường học từ mầm non đến trung học trên toàn quốc. Trong quá trình giáo dục trẻ em từ nhỏ để hình thành các quan điểm về khoa học, xin đừng bỏ qua "giáo dục về cái chết" - một phần quan trọng.

"Em nắm tay anh ấy, cười với anh ấy một nụ cười, anh ấy cười lại với em, sau một lúc, anh ấy nhắm mắt lại, trông như là đã ngủ, cô giáo nói anh ấy đã ra đi, sẽ không bao giờ trở lại... Ba nói em là một chàng trai dũng cảm", đây là nhật ký của một cậu bé sau khi tham gia "lớp học cảm xúc về cái chết".

Họ chấp nhận rằng người thân của mình đang đứng ở giữa ranh giới sinh tử, gửi lời chúc phúc đến họ, rồi nở nụ cười tiễn biệt người đó rời khỏi thế gian.

Vậy thì, chúng ta nên nói với trẻ nhỏ thế nào về cái chết?

Bức thư về

Ảnh minh họa

1. Giai đoạn sơ sinh đến 4 tuổi: Giải thích bằng phép ẩn dụ

Đối với trẻ nhỏ trong độ tuổi từ sơ sinh đến 4 tuổi, chúng không hề có khái niệm về "cái chết".

Ở giai đoạn này, chúng ta có thể sử dụng một số phương pháp ẩn dụ để giải thích về "cái chết", ví dụ như có thể so sánh với món đồ chơi yêu thích của trẻ: Đồ chơi bị hỏng và không thể phục hồi, nghĩa là nó đã "chết". Điều này giúp trẻ em có được sự hiểu biết cơ bản về điều này.

2. Giai đoạn mẫu giáo: Giáo dục về cái chết có thể cải thiện khả năng nhận thức về nguy hiểm

Đối với trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi, chúng đã có khả năng nhận thức xã hội nhất định. Điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm là "giáo dục về sự sống". Nói với trẻ rằng cái chết là một việc rất nguy hiểm và từ đó nuôi dưỡng ý thức an toàn cho trẻ.

Ở giai đoạn này, mục tiêu chính của "giáo dục về sự sống" là an toàn, cần phải nói với trẻ rằng những thứ nguy hiểm không được chạm vào, và phải giải thích rõ ràng về mọi mối nguy hiểm tiềm ẩn.

3. Trẻ em đã đi học tiểu học: Giáo dục chúng cách nhìn nhận vấn đề một cách khoa học

Trẻ em khi đã đi học tiểu học, chúng cũng có cảm xúc buồn bã như người lớn, biết suy nghĩ và đưa ra phán đoán về những ý niệm về cái chết.

Lúc này, cha mẹ nên đối mặt với những câu hỏi được đặt ra bởi con cái, để chúng có thể nhìn nhận sự việc này bằng con mắt khoa học.

Có thể đưa chúng đến viện bảo tàng tự nhiên xem con người làm thế nào để ra đời, lớn lên, già đi, chết đi. Cha mẹ cần nói với chúng một cách bình tĩnh, chúng sẽ không sợ hãi mà thay vào đó sẽ chấp nhận một cách vui vẻ.

Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ, khi bày tỏ ý kiến về cái chết với con cái, đừng bao giờ làm chúng sợ hãi, đừng để chúng phát triển nỗi sợ hãi quá mức về điều này.

Là cha mẹ, chúng ta luôn mong rằng những điều xấu không bao giờ xảy ra với con cái, nhưng thực tế mong muốn không phải lúc nào cũng có thể trở thành sự thật. "Giáo dục về cái chết" có thể giúp trẻ em chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đối diện với sự biệt ly - điều mà ai cũng bắt buộc phải trải qua.

Theo Sohu

Chia sẻ