Bức ảnh sinh viên sư phạm hôn nhau nơi công cộng gây tranh cãi
Mới đây bức ảnh ghi lại cảnh hai bạn trẻ mặc áo đồng phục của một trường Đại học Sư Phạm đang hôn nhau trong quán cà phê có đông người đã gây nên cuộc tranh luận quanh vấn đề đạo đức, tác phong nghề giáo.
Một người có nick name B.A. đã đăng tải bức ảnh với tiêu đề: Các giáo viên tương lai - Người dẫn dắt con của chúng ta. Trong ảnh là cảnh hai bạn trẻ mặc áo thể dục có in dòng chữ “ĐH Sư Phạm…” đang ngồi trong một góc quán có đông người xung quanh và vô tư hôn nhau.
Bức ảnh sau 13 giờ chia sẻ có đã nhận được 208.993 lượt xem và 1.212 lượt bình luận. Một số lớn bình luận đã tỏ ra thông cảm với đôi bạn trẻ, “trách” người đăng tải và những bình luận có vẻ khắt khe với lĩnh vực sư phạm. Hai luồng ý kiến trái chiều tạo nên cuộc tranh luận quanh vấn đề chuyện riêng tư và đạo đức nghề giáo.
Nick name Nguyễn. từng là sinh viên đại học sư phạm bày tỏ: “Theo quan điểm cá nhân, việc này quá chi là bình thường, thời ngoại nhập không còn khắt khe như thời cha chú của chúng ta nữa, việc hôn nhau cũng bình thường thôi, nước ngoài gặp nhau người ta hôn xã giao được cơ mà, và 2 người yêu nhau hôn nhau không được à! Với lại, cứ gắn cái mác sư phạm vào người là làm cái gì cũng bị tọc mạch. Bộ sư phạm không phải là người chắc! Đúng là sư phạm cũng phải làm gương cho học sinh nhưng cũng phải sống chứ! Không phải nói chứ thớt (người đăng ảnh – PV) tọc mạnh thật ! Chuyện riêng tư đem post lên rồi gắn mác sư phạm vào để phán xét! Hài”.
Một vài người dùng facebook đã so sánh "khập khiễng" việc hôn nhau nơi công và việc tiểu bậy nơi công cộng để đưa bày tỏ: tại sao không lên án, nhắc người tiểu bậy mà lại lên án người hôn nhau.
Nick name Trương. bày tỏ: “Buồn cười thật, sinh viên sư phạm thì không phải là người à? Chẳng lẽ sinh viên sư phạm không có quyền hôn nhau, hay mỗi lần hôn nhau phải kéo nhau vào chỗ kín đáo. Buồn cười hơn nữa là hôn nhau công khai thì bị lên án soi mói nào là không hợp thuần phong mĩ tục còn ra đường tiểu bậy thì thiên hạ cho đó là bình thường".
Nick name Nabi. cũng so sánh hành động của người giáo viên với hành động của những người trong lĩnh vực khác: “Ý kiến riêng thôi nhé. Giáo viên đâu phải là thần thánh. Họ cũng là người bình thường như những người khác thôi nhưng mọi người cứ áp đặt cho họ những cái chuẩn mực nhất định . Cũng là con người nhưng 1 nhân viên ngân hàng mặc quần đùi đi chợ là chuyện bình thường nhưng nếu là 1 giáo viên thì lại bị nghe tiếng bàn tán: Trời ơi giáo viên lại ăn mặc thế kia à? Hoặc giả dụ là tới quán bar thôi cũng bị nghĩ là ăn chơi, không đứng đắn, như vậy thì làm sao dạy được con người ta.... Đành rằng giáo viên phải làm gương nhưng họ chỉ dạy bạn trong mười mấy năm, xã hội mới chính là thứ tác động tới bạn cả đời. Hãy cho họ một cái nhìn cởi mở hơn”.
Trái với cách nghĩ "nên công bằng với giáo viên" là cách nhìn nghiêm khắc hơn.
Nick name Zack. bày tỏ ba ý kiến: "Ai chả biết Sinh viên sư phạm là con người. Ở đây là ở Việt Nam, làm cái gì cũng phải xem xét có phù hợp với thuần phong mỹ tục của người mình. Có ai cấm hôn nhau đâu, nhưng làm sao cho tế nhị chứ? Nếu bạn có con dạy bởi những thầy cô giáo như thế, hôn hít công khai ngoài đường, hỏi có an tâm giao bọn trẻ cho những người như vậy dạy dỗ không?... Người dạy dỗ thế hệ tương lai của đất nước không phải là kiểu dễ dãi như các thánh phán đâu… Nếu các bạn có những đứa con vào quán cà phê, chỗ công cộng, ngồi tự nhiên như vậy có suy nghĩ gì không ?..."
Nick name Benz. có ý kiến về điều được cho quyền riêng tư: “Ở Mĩ người ta thấy cảnh làm chuyện riêng tư ở nơi công cộng người ta cũng vẫn nói Get a room thôi bạn. Dù bạn có là sư phạm hay là sửa xe thì làm chuyện riêng tư ở nơi công cộng là không đúng rồi. Có thể bạn thấy bình thường nhưng những người xung quanh lại cảm thấy khó chịu. Vậy thôi”.
Ngoài những ý kiến tranh luận trên, phần đông ý kiến cho rằng: "Khi đang khoác trên mình chiếc áo đồng phục, huy hiệu, nón, bảng tên… đại diện cho cơ quan, tổ chức nào đó thì mỗi việc ta làm cần phải thận trọng tuyệt đối. Bởi khi đi đó không phải ta đang sống cho riêng bản thân mình, mà ta đại diện cho cả một tập thể, một ngành nghề!".