Bức ảnh 5 cụ ông cùng ngắm nhìn cụ bà đi qua, gợi nhớ về "Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi"
Ai cũng có một bầu trời những kỉ niệm và chỉ chờ một khoảnh khắc thôi là tất cả đều có thể ùa về làm xao xuyến con tim.
Hà Nội những ngày đón không khí lạnh ùa về như thay một màu áo mới, cảnh vật bỗng bình yên, con người cũng như chậm lại và gần sát nhau hơn.
Trong cái thời tiết này, có lẽ chẳng có gì thích hơn là việc tụm năm tụm ba, quây quần bên một nồi lẩu nóng đang sôi sùng sục, bốc khói nghi ngút; hay ngồi nhâm nhi củ khoai, bắp ngô nướng bên bếp than hồng rực rồi tám chuyện với bạn bè. Mà đôi khi, niềm vui cũng chẳng cần gì nhiều, chỉ cần được sát lại bên nhau nói đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, rồi chuyện mình chuyện ta… cũng đã đủ quên đi cái tiết trời đông lạnh.
Hình ảnh 5 cụ ông trong bộ đồ mùa đông ấm áp, ngồi trên chiếc ghế đá dài cạnh Hồ Gươm cùng hướng ánh mắt về phía một cụ bà đang đi bộ phía trước sao mà dễ thương thế! Với đàn ông, dù khi còn trẻ hay đã về già thì có lẽ, với họ, phụ nữ luôn có sức hút kỳ diệu và mãnh liệt.
Kỉ niệm xưa ùa về cùng bức ảnh "cô gái năm ấy chúng tôi cùng theo đuổi".
Bức ảnh gợi cho ta liên tưởng đến bộ phim “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi”. Có lẽ vì thế mà người chụp đã lấy luôn tên bộ phim để gọi tên bức ảnh của mình.
Nhìn bức ảnh, ta nhớ về hình bóng của một chàng trai hay cô gái nào đó mà một thời ta đã từng sống chết theo đuổi, mất ăn mất ngủ chỉ vì đêm ngày nhớ nhung. Thời của tuổi trẻ, cháy bỏng trong tình yêu đôi lứa, hay tình yêu đơn phương, yêu mãi một người mà không dám nói, để rồi, cả ta và người đều hối hận vì đã lỡ mất cơ hội được ở bên nhau nếu khi ấy dũng cảm thổ lộ.
Và Giang Trịnh, tác giả chụp bức ảnh này cũng là chàng trai chẳng nằm ngoài số đó, cũng vấn vương đôi chút về hình bóng xưa năm ấy.
Chàng trai 8X chia sẻ, anh chụp bức hình này vào một buổi sáng ngày Hà Nội chìm trong cái lạnh của mùa đông. Và đây chỉ là khoảnh khắc tình cờ anh bắt gặp khi đi qua Hồ Gươm.
Anh nói: “Sáng cuối tuần, vào thứ 7 là các cụ sẽ ngồi ở ghế
đá đó để chuyện trò”. Theo Giang Trịnh, các cụ ông này là một hội khá thân
thiết với nhau, sáng thứ 7 nào đi qua anh cũng gặp.
5 cụ ông trong tấm hình "Cô gái năm ấy chúng tôi cùng theo đuổi".
Kể lại khoảnh khắc bấm máy, Giang Trịnh cho hay: “Lúc đầu mình chụp các cụ nói chuyện, sau đó thì thấy cụ bà đi từ phía xa, nên mình lùi lại và chờ thời điểm thích hợp. Đúng lúc cụ bà đi qua thì mình bấm máy”.
Nhìn lại tấm hình, Giang Trịnh cũng không thể lý giải nổi vì sao ánh mắt của các cụ ông trong bức ảnh đều hướng về một hướng là cụ bà một cách rất tự nhiên, dù mỗi cụ lại có một sắc thái biểu cảm riêng.
Không chỉ riêng bức ảnh này được nhiều người tấm tắc khen,
chàng trai Giang Trịnh còn có khá nhiều bức ảnh khác cũng chụp về Hà Nội được
nhiều người yêu thích, mặc dù nghề chính của anh là ngân hàng.
Xa xa bên bờ Hồ, có 2 người ôm nhau thật ấm áp và hạnh phúc. Ảnh của Giang Trịnh.
Giang Trịnh chia sẻ, nhiếp ảnh là sở thích của anh. Không
phải đề cao về khả năng của mình nhưng anh chàng tự thừa nhận, mới đầu khi chụp ảnh, anh thấy mình chụp ảnh có vẻ đẹp và sau đó thì anh chụp nhiều hơn; đồng thời, tìm
tòi về cách chụp ảnh trên web, hỏi kinh nghiệm của mọi người. Cũng từ chụp ảnh,
chàng trai trẻ tìm thấy niềm vui cho mình khi được ngắm nhìn cảnh vật đa diện
hơn qua lăng kính và các góc chụp.
“Khi chụp ảnh, mình giải tỏa được những căng thẳng sau công
việc. Mình cũng không rõ từ bao giờ thì nó trở thành sở thích và giúp mình cân
bằng lại cuộc sống”, anh tâm sự.
Sống ở Hà Nội 20 năm, có lẽ vì thế mà anh dành nhiều tình
cảm và sự ưu ái cho mảnh đất Thủ đô này. Trong số những bức ảnh anh chụp trong
gần 10 năm qua, có đến 30 ngàn bức ảnh về Hà Nội và con người Hà Nội.
Với anh, Hà Nội thật thân thuộc, đẹp đẽ, thôi thúc anh khai
thác, khám phá tất cả những vẻ đẹp của Hà Nội theo một cách giản dị, đời thường
như những gì vốn xảy ra hàng ngày để mọi người cùng thưởng thức.
Nếu là người thường xuyên theo dõi các bức ảnh của chàng
trai 8X này, chắc hẳn ai cũng nhận ra, gu chụp ảnh của anh có hai mảng đối lập
nhau, hoặc là ảnh vui tươi, hoặc là ảnh gợi nỗi buồn man mác.
Chia sẻ thêm về điều này, Giang Trịnh cho hay: “Mình chủ yếu dùng ánh sáng tự nhiên và chụp những khoảnh khắc có thật chứ không phải được sắp đặt hay chỉnh sửa”. Với anh, bức ảnh vui hay buồn cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bức ảnh vui thường có màu của nắng, kết hợp với hành động của con người để tạo sự sống động. Còn bức ảnh buồn thì phụ thuộc nhiều bởi tâm trạng của người chụp, hoàn cảnh chụp và cả góc chụp.
Hà Nội trong một ngày nắng vàng rực rỡ...
... còn đây là Hà Nội một ngày mưa, cũng thật lung linh và huyền ảo.
Đường Kim Mã trong màn đêm nhưng vẫn rực rỡ ánh điện, đẹp chẳng khác gì ở trời Âu.