Bữa trưa cuối cùng với mì tôm khô nhai vội
Đó là bữa trưa cuối cùng của vị chủ tịch huyện. Anh ra đi khi còn rất trẻ, để lại bao nỗi đớn đau, tiếc thương.
Hôm xảy ra trận lở đất kinh hoàng tại Trạm bảo vệ rừng 67 gần thủy điện Rào Trăng 3, gây nên cái chết của 13 cán bộ, chiến sĩ đi tiền trạm cứu hộ cứu nạn, anh Nguyễn Văn Bình vừa giữ cương vị chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế được 1 tháng 12 ngày.
Trước đó nữa chừng 1 tháng, anh được giao phụ trách UBND huyện Phong Điền. Quãng thời gian đó thật sự sóng gió đối với vị cán bộ mới 42 tuổi.
Sóng gió đầu tiên thử thách anh Bình là đợt bùng phát thứ hai dịch bệnh COVID-19. Phong Điền là địa bàn giáp ranh với tỉnh Quảng Trị - nơi có nhiều ca nhiễm bệnh. Giữa Phong Điền và các xã ở Quảng Trị có nhiều con đường nhỏ kết nối xóm làng hai tỉnh, cùng với ranh giới là sông Ô Lâu, việc qua lại rất khó kiểm soát.
Suốt thời gian đó, anh Bình cùng cán bộ huyện mất ăn mất ngủ. Một lần phóng viên (PV) tác nghiệp tại trạm kiểm soát dịch bệnh Phong Thu (huyện Phong Điền), tình cờ gặp, nom anh gầy xọm, tiều tụy, mắt thâm quầng.
“Bão” COVID-19 tạm qua, nhưng rồi bão số 5 đùng đùng kéo tới. Đây là nơi đầu tiên ở TT-Huế ghi nhận những thiệt hại nặng nề, với 2 người chết, nhiều người bị thương, 2.725 ngôi nhà bỗng chốc tan nát theo mưa lũ...
Áp lực công việc lúc này càng đè nặng lên vai. Anh Bình thiếu người “chia lửa” công việc tại UBND huyện, do cơ quan này chỉ còn mỗi một phó chủ tịch, trong khi, thiên tai, dịch bệnh dồn dập đặt ra vô số thứ cấp bách cần giải quyết.
Ngày 6/10, chúng tôi ra UBND huyện Phong Điền gặp anh Bình để nắm tình hình khắc phục hậu quả bão số 5 và các phương án ứng phó mưa lũ kéo dài đang cận kề. “Tôi đang rất lo anh à, bão gây thiệt hại nặng cho huyện nhà chưa khắc phục xong, bà con nông dân còn rất khó khăn, giờ lại sắp có mưa lũ lớn dài ngày”. Cuộc trao đổi diễn ra ngắn gọn.
Trưa 12/10, từ đầu dây bên kia, anh nói trong tiếng gió gào rít: “Vừa có một chị ở xã Phong An đi sinh con bị mất tích do lũ cuốn trôi, khả năng không sống sót, huyện đang cử lực lượng tìm kiếm đây anh ạ. Đau xót quá. Tôi giờ đang đi cứu trợ ở 3 xã vùng ngập sâu là Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương. Xong lụt lội, “eng tam” (cách nói anh em thân thiết) ta có dịp ngồi lại với nhau, anh nhé”. Đó là cuộc gọi cuối cùng giữa tôi và anh.
Hôm đó, Phong Điền mưa đen trời, gió vần vũ. Một thành viên tham gia đoàn cứu trợ lũ lụt cùng chủ tịch Bình nhớ lại:
“Mưa lớn, nước ngập rất sâu và hết sức nguy hiểm. Đoàn cứu trợ suýt gặp nạn khi tiếp cận thôn Tân Bình - xã Phong Bình. Nơi đây bị cô lập nhiều ngày, người dân thiếu lương thực. Trên đường di chuyển, chiếc thuyền chở đoàn cứu trợ gặp phải luồng nước xoáy, gió to nổi lên bất ngờ, nước tràn vào khoang suýt bị chìm.
Thoát được lần đó, không ngờ chỉ vài giờ sau, anh Bình lại gặp nạn tại Rào Trăng và không bao giờ trở về nữa”.
Người này còn kể, từ vùng lũ Phong Bình quay về, khi đi trên thuyền, anh Bình nhận được điện thoại của ai đó. Vẻ mặt anh lúc này rất căng thẳng. Không còn thời gian để ăn trưa, Bình lấy vội gói mì tôm sống trong túi áo đi mưa ra nhai tạm, rồi đến thẳng Văn phòng Huyện ủy Phong Điền để tham gia đoàn tiền trạm cứu hộ công nhân thủy điện Rào Trăng 3, do Quân khu 4 và UBND tỉnh TT-Huế tổ chức.
Đó là bữa ăn trưa cuối cùng của vị chủ tịch. Lúc đi Rào Trăng, chiếc áo anh mặc trên người cũng là đồ mượn lại của một cán bộ Huyện ủy Phong Điền, vì trước đó toàn thân anh ướt sũng.
Ước mơ dang dở
Cách đây vài năm, khi làm Bí thư Đảng ủy xã Phong An, trong một lần chuyện trò, anh trải lòng, bao năm công tác mà vẫn chưa có điều kiện sửa chữa được ngôi nhà cho bố mẹ, đó cũng là nơi vợ chồng, con cái anh hàng ngày sinh sống. Lúc đó, nhiều anh em, bạn hữu đặt vấn đề hỗ trợ vật liệu, công cán sửa chữa nhưng anh gạt phăng.
Anh Nguyễn Dũng, một hàng xóm của anh cho biết, ngôi nhà vị chủ tịch huyện sinh sống bao năm rồi vẫn vậy.
“Thương lắm anh ơi, khi về xã cứu trợ, anh Bình gặp một cụ già neo đơn, sức khỏe yếu. Mưa lũ chia cắt, người già đau yếu cần dinh dưỡng bồi bổ.
Trước khi đi, anh Bình cẩn thận dặn dò cán bộ xã: trong mưa lũ anh em mình ăn gì cũng được, nhưng phải nhớ nấu cho mệ (bà) chén cháo”, anh Trần Gia Công, Bí thư Tỉnh Đoàn TT-Huế, nghẹn ngào kể.