BS Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu, cảnh báo 2 biến chứng gây tử vong
Bạch hầu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân tử vong sau 7-10 ngày mắc bệnh.
- Bệnh bạch hầu lây truyền cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra.
- Bác sĩ cảnh báo 2 biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong của bệnh bạch hầu.
- Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả là tiêm vắc xin.
Theo Luật Phòng bệnh truyền nhiễm, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có tỷ lệ tử vong từ 5-10%. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Đường lây truyền bệnh bạch hầu
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đặc trưng lâm sàng của bệnh là xuất hiện giả mạc ở vị trí nhiễm trùng.
Bệnh bạch hầu thường mắc ở trẻ 1-10 tuổi do trẻ không còn kháng thể từ người mẹ truyền sang.
Ngoài ra, người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh do tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp khiến miễn dịch suy giảm.
Bệnh bạch hầu có thể lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc với giọt bắn chứa vi khuẩn gây bệnh của người bệnh hoặc lây truyền gián tiếp khi cầm, nắm các đồ dùng, vật dụng dính chất bài tiết của người nhiễm bệnh bạch hầu.
Dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu
TS.BS Lâm cho hay, triệu chứng lâm sàng của bệnh sẽ phụ thuộc vào tình trạng viêm tại chỗ, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân và mức độ lan tràn độc tố trong máu. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ gây ra các biểu hiện khác nhau, ví dụ như:
- Bạch hầu mũi: Bệnh có biểu hiện giống viêm đương hô hấp như chảy nước mũi, lúc đầu chất dịch trong suốt nhưng dần chuyển sang nhầy quánh, đôi khi có máu và có thể bốc mùi hôi. Bệnh nhân xuất hiện màng trắng trong hốc mũi.
- Bạch hầu họng – Amiđan: Bệnh nhân có biểu hiện chán ăn, bất an, sốt nhẹ, viêm họng. Trong vòng 1- 2 ngày kể từ khi mắc bệnh, bệnh sẽ tạo ra giả mạc. Giả mạc ban đầu mỏng, màu trắng ngà, lan dần từ amidan đến vòm họng, thanh - khí quản.... Bệnh nhân có thể bị sưng các hạch vùng cổ. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có triệu chứng xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá và tiểu ra máu. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài ngày, sau đó bệnh nhân sẽ bị nhiễm độc nặng và có nguy cơ tử vong.
- Bạch hầu thanh quản: Bệnh nhân có triệu chứng thở dữ dội, có tiếng rít thanh quản, khàn giọng. Người bệnh xuất hiện tình trạng khó thở đột ngột do giả mạc gây bít tắc đường thở. Tình trạng này kéo dài có thể gây suy hô hấp và tăng nguy cơ tử vong.
TS.BS Lâm khuyến cáo: "Bệnh bạch hầu có thể gây ra suy hô hấp và tuần hoàn, bệnh nhân có thể bị liệt, thay đổi giọng nói, dễ bị sặc khi ăn uống, khó nuốt, lú lẫn, hôn mê và có thể tử vong trong vòng 7- 10 ngày kể từ khi mắc bệnh. Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ phục hồi chậm, có thể gặp biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên".
2 biến chứng nguy hiểm khi mắc bệnh bạch hầu
Theo TS.BS Lâm, 2 biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu là: Biến chứng tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc lan rộng và biến chứng viêm cơ tim do nhiễm độc.
Đối với trường hợp bệnh nhân điều trị muộn bệnh bạch hầu, giả mạc phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh quản, khí quản và phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.
Biến chứng thứ 2 là viêm cơ tim do nhiễm độc. Bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu có nguy cơ cao gặp biến chứng viêm cơ tim, đặc biệt là khi các tổn thương tại chỗ lan rộng hoặc khi trì hoãn chỉ định kháng độc tố.
Tỷ lệ viêm cơ tim ở bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là 10-25%. Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim ở bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là 50-60%.
"Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc muộn hơn, từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, đòi hỏi sự chăm sóc, theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực", TS.BS Lâm lưu ý.
Ngoài 2 biến chứng kể trên, bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu có thể gặp các biến chứng thần kinh muộn như: liệu khẩu, liệt vận động, liệt phần mềm của lưỡi, liệt cơ vận nhãn, liệt tứ chi (hiếm gặp)…
Phòng ngừa bệnh bạch hầu
TS. BS Lâm khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu là tiêm vắc xin phòng bệnh.
Người tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu cần tiêm một liều giải độc tố bạch hầu và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.