Ngã ba Đồng Lộc là một địa chỉ đỏ, một dấu son chói lọi chẳng thể phai nhạt, không những của Hà Tĩnh mà còn của cả dân tộc. Nơi đây hàng vạn người đã dốc hết sức lực, trí tuệ, tuổi trẻ để thông đường cho xe ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Không thể tin được đây là trận địa khốc liệt hơn 40 năm trước.
Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay, những con đường bạt ngàn nắng gió, những đồng ruộng thơm mùi lúa thẳng cánh cò bay. Gió đại ngàn vẫn thổi, tiếng chuông ngân vang một góc trời. Nơi đó, 10 cô gái đã hy sinh cho công cuộc thống nhất đất nước. Về Đồng Lộc mùa này, khi cây sim lưng chừng đồi đã kết trái nhuộm một màu tím thiết tha. Mùi bồ kết ai đốt phảng phất làm ta bỗng liên tưởng tới suối tóc mười cô bay dài trong gió...
Khu tưởng niệm 10 nữ anh hùng.
Đến đây, chúng tôi được nghe lại câu chuyện xưa kia, câu chuyện về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Chiều hôm ấy, cái buổi chiều định mệnh 24/7/1968, đơn vị Thanh niên Xung phong đã mất đi 10 cô gái, 10 bông hoa đang nở ngát hương xuân thì giữa đại ngàn.
Chiến trường như hiện ra trước mắt dưới giọng kể của người hướng dẫn viên.
Những kỷ vật còn lại của 10 thiếu nữ thủa ấy.
Trong cái nắng gay gắt của mảnh đất Miền trung cằn cỗi, anh hướng dẫn viên trẻ Phan Công Lê giọng nói đậm chất Hà Tiĩnh có nước da ngăm đen, mặc trên người bộ áo xanh thanh niên xung phong đưa chúng tôi vào một căn phòng trong bảo tàng.
Căn phòng dành riêng cho 10 cô gái Thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. 10 cô gái đó là những chiến sĩ của tỉnh Hà Tĩnh do tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ huy. Tuổi đời các cô đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20. Người trẻ nhất tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc đôi mắt khép lại Hà mới tròn 17.
Những nữ anh hùng “mãi mãi tuổi 20”.
Từng người, từng người một, nén nhang run trên đôi tay. Hố bom nơi mười cô hy sinh nằm cạnh con đường, không đủ sâu nhưng mắt ai cũng ngấn lệ. Mười cô đã ngã xuống nơi đây, hiến mãi tuổi thanh xuân để đến hôm nay cho “Đất nước trọn niềm vui”.
Tấm bia khắc bài thơ: “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”.
Phía sau mộ của các cô gái có một tấm bia đá khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng. Trong bài thơ có câu :
“Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.
Từ ý tưởng của bài thơ, người ta đã trồng hai cây bồ kết. Tán cây tỏa bóng râm mát một vùng rộng của nghĩa trang. Và trên đài tưởng niệm lúc nào cũng có những trái bồ kết khô đen nhánh.
Trên mộ các chị là những vật dụng của người con gái.
“… Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim của chúng con...”
Hố bom_ nơi các nữ Thanh niên xung phong nằm xuống.
Giọng anh hướng dẫn nghèn nghẹn khi kể về sự lạc quan và quả cảm của các chị. Tên các chị được xướng lên giữa vi vút gió đồi thông. Cảm xúc về một thời máu và lửa ùa về trong từng chiếc lá, ngọn cỏ và chính hơi thở lỗi nhịp của chúng tôi.
Lời kể sao mà tha thiết quá, sao mà đi vào lòng người đến thế khiến cho chúng tôi dù đã nghe biết bao nhiêu lần câu chuyện về các chị, vẫn không ai có thể cầm được lòng, sống mũi cay cay. Hình ảnh một thời bom lửa tái hiện, tái hiện qua giọng kể của hướng dẫn viên, tái hiện qua những vết tích là những hố bom nằm chơi vơi nơi đồng thông lộng gió.
Hình ảnh 10 cô gái vẫn hiên ngang giữa trời...
Mảnh đất oằn mình trong đạn bom ngày nào giờ đây thật xanh tốt.
Đồng Lộc hôm nay khoác lên mình bộ mặt mới.
Tuyến đường vào Nam những năm đó, giờ đã thênh thang rộng mở. Cả một vùng Ngã ba Đồng Lộc đã xanh tươi. Từ cầu Sông Nghẽn đi lên vùng cung đường ngã ba là cả một vùng lúa Đại Lộc, Tiến Lộc, Thanh Lộc, Đồng Lộc… xanh mướt.
Nhưng chúng tôi biết để có được những cánh đồng trải đầy màu xanh của ngày hôm nay các chiến sĩ đã phải đánh đổi bằng màu đỏ của máu, bằng cả tuổi thanh xuân mà không hề hối tiếc. Tổ quốc mãi ghi công những người con gái Thanh niên xung phong!