"Bóc trần" chiêu trò lừa đảo miếng dán hút mỡ giảm cân

Theo Kienthuc,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia thẩm mỹ, giảm cân bằng miếng dán hút mỡ không có cơ sở khoa học.

Sau sinh, vòng hai nhão xệ, quá khổ; ngồi nhiều vùng bụng dưới nhiều mỡ... Trước những "nỗi khổ ngại nói ra" này, một số chị em nghe theo quảng cáo đã tìm đến miếng dán hút mỡ những mong eo sẽ thon, gọn trở lại. Nhưng theo các chuyên gia thẩm mỹ, giảm cân bằng miếng dán hút mỡ không có cơ sở khoa học. 
 
Sau khi sinh con đầu lòng, vòng hai của chị Nguyễn Hồng Nhung (145/12 Nguyễn Văn Quá, quận 12, TPHCM) trở nên nhão xệ và quá khổ. Công việc bận bịu, chị Nhung đã tìm đến với cách giảm cân bằng miếng dán hút mỡ bụng. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, chị Nhung đã băn khoăn về tác dụng của sản phẩm này và muốn phóng viên tìm hiểu để có thông tin khách quan cho chị cũng như nhiều chị em có nhu cầu giảm cân. 
 
"Bóc trần" chiêu trò lừa đảo miếng dán hút mỡ giảm cân 1
Miếng dán hút mỡ giảm cân. 
 
Hút mỡ qua miếng dán 
 
Theo phản ánh của chị Nhung, chúng tôi được biết miếng dán hút mỡ này đang được quảng cáo trên một kênh truyền hình với những lời lẽ có cánh: Dán bụng - bụng ra mỡ, dán đùi - đùi ra mỡ, muốn giảm cân chỗ nào, dán chỗ đó.
 
Đốt cháy lớp mỡ, hiệu quả kép trong một lần, một phút máy rung 200 lần, chỉ cần 3 phút đốt cháy lượng mỡ thừa, 15 phút chứng kiến lượng mỡ thừa được hút ra tương đương với chạy bộ 3km, tập yoga 10 giờ liền, tập hít bụng 1.000 cái... Sau khi lượng mỡ được hút ra sẽ dính vào miếng hút mỡ và được vắt trực tiếp vào ly...". 
 
Trong vai người mua hàng, phóng viên đã tìm đến địa chỉ bán sản phẩm 201-203 Bến Bình Đông, quận 8, TPHCM và trực tiếp sử dụng máy và miếng dán nói trên. Khi đeo máy vào tay để máy chạy thử thì do máy rung nhiều nên làm cho tay co giật mạnh và tạo ra cảm giác ảo về độ rung. 
 
Nhân viên bán hàng tên Hạnh tư vấn: Miếng dán này là sản phẩm cao cấp dùng mọi lúc, mọi nơi. Nó được bán với giá 2.080.000đ. Muốn sử dụng sản phẩm này, chị em phải mua thêm một tuýp bùn hút mỡ 580.000đ. Bùn này có màu đen, khi đắp bùn lên chỗ cần hút mỡ và đặt miếng dán lên, mở nút của máy rồi chỉnh nhiệt độ tăng dần để máy phát ra xung điện tác động vào miếng dán và mỡ sẽ được hút ra. Khi đó, mỡ sẽ thấm qua lớp bùn và bùn chuyển sang màu vàng. 
 
Ngoài ra, miếng dán còn có màn hình tinh thể lỏng điều chỉnh nhiệt độ. Khi nhiệt độ càng nóng thì mỡ chảy ra trên miếng dán càng nhiều. 
 
Khi phóng viên thắc mắc về lớp bùn đắp lên da, nhân viên cho biết: Không tiết lộ được vì đó là bí mật công nghệ. 
 
"Bóc trần" chiêu trò lừa đảo miếng dán hút mỡ giảm cân 2
Phóng viên dán miếng dán hút mỡ vào tay và thử nghiệm. 
 
Không có cơ sở khoa học 
 
Khi phóng viên đề nghị tư vấn về cách giảm cân bằng miếng dán nói trên, TS.BS Đỗ Quang Hùng, Phó trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết: Miếng dán này chỉ là những lời quảng cáo trên trời, không có gì chứng minh cơ sở khoa học nhưng không hiểu vì sao vẫn có người vẫn tin, bỏ cả đống tiền ra mua về dùng. 
 
Trong vòng một tháng giảm 20 cân theo quảng cáo là điều không bao giờ có trừ khi người đó "tịnh" và không ăn uống gì. Nhưng nếu muốn "tịnh" phải tập luyện chứ không phải muốn nhịn cho gầy ốm là nhịn ngay vì cơ thể đói là phải được ăn để đủ năng lượng.
 
Thêm một chuyện cần cảnh báo nữa là tế bào mỡ không thể nào hút ra theo lỗ chân lông mà đó là mồ hôi. Khi dán miếng được dán vào, vùng bụng đó bị nóng nên nó sẽ làm mất nước ở vùng da đó. Còn chuyện vắt mỡ trực tiếp vào ly chỉ là "chiêu" quảng cáo gây ấn tượng nhằm thu hút người mua, chứ đó hoàn toàn không có thật. 
 
Chuyên gia thẩm mỹ Nguyễn Hồng Loan, Thẩm mỹ viện Hồng Loan phân tích thêm: Nếu một người giảm đột ngột 20 cân trong vòng một tháng thì dễ dẫn đến nguy cơ đột tử. Hơn nữa, không có chuyện hút mỡ trực tiếp từ những dụng cụ đơn giản chỉ bằng một chiếc máy xung điện và miếng dán kèm theo bùn hút mỡ.
 

Hút mỡ bụng rồi mà vẫn tăng 3kg. Là vì sao?
"Bóc trần" chiêu trò lừa đảo miếng dán hút mỡ giảm cân 3
Chia sẻ