Bộ Y tế yêu cầu điều tra các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine COVID-19

TN,
Chia sẻ

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công điện gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng và tỉnh Gia Lai về việc điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng vaccine COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu điều tra các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ y tế tuyến đầu. Ảnh: TN.

Theo đó, ngày 11/3, Bộ Y tế nhận được một số thông tin về các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng và tỉnh Gia Lai.

Cục Y tế dự phòng đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai xác minh thông tin, tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng để đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoại động theo quy định.

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, tính đến cuối giờ chiều ngày 12/3/2021, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 5.248 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.

Báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng cho thấy, riêng trong ngày 12/3/2021, Dự án Tiêm chủng mở rộng ghi nhận 1 trường hợp phản ứng chẩn đoán phản vệ độ 2 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng). Trường hợp này xuất hiện triệu chứng 30 phút sau tiêm vaccine, đã được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng quy định, hiện tại đã ổn định.

Trước đó, chiều 12/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Y tế cũng cho biết, cả nước đã ghi nhận 5 trường hợp phản vệ độ 2 (2 trường hợp đã hồi phục và ra viện, 3 trường hợp đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi), 2 trường hợp tiêu chảy và 1 trường hợp kẹt huyết áp sau tiêm vaccine COVID-19. Các tuyến cũng đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết các trường hợp này là phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy…

Để đảm bảo xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm chủng, các điểm tiêm chủng đều được trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Các đội cấp cứu lưu động thường xuyên túc trực để hỗ trợ các điểm tiêm trong trường hợp cần thiết.

Chia sẻ