Bộ Y tế khuyến cáo phòng tay chân miệng mùa tựu trường
Chỉ riêng trong tháng 8, cả nước ghi nhận hơn 11.000 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó 6 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc đã giảm hơn 70%.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 76.000 ca mắc mới, trong đó 41 trẻ tử vong.
Tính trên cả nước, số ca mắc tay chân miệng đang giảm. Còn riêng tại TP HCM, bệnh lại tăng tốc. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho thấy, bệnh nhân tay chân miệng trong tháng 8 tăng hơn 86% so với tháng 7.
Đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, số ca mắc bệnh được tổng hợp tại các bệnh viện trong tháng 8 là 2.258, trong khi tháng 7 chỉ có 1.212 trường hợp. So với số lượng cộng dồn từ đầu năm đến nay 7.804 trường hợp, thì tháng 8 có số ca mắc bệnh được phát hiện nhiều nhất.
Đỉnh dịch tay chân miệng năm ngoái rơi vào giữa tháng 9. Ảnh: D.N.
Không có trường hợp tử vong. Căn cứ vào biểu đồ số ca mắc bệnh và một số ít ca biến chứng nặng do nhập viện muộn, các bác sĩ nhận định bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm và phụ huynh cần cảnh giác.
Đang là mùa tựu trường, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các địa phương đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, cố gắng giữ số mắc không tăng nhanh trong tháng 9. Năm ngoái, đỉnh dịch rơi vào giữa tháng 9.
Thống kê cho thấy chỉ 30-40% trẻ mắc bệnh là lây trong trường học. Trong khi đó tại cộng đồng, có nhiều người nhiễm virus không biểu hiện bệnh (cả người lớn và trẻ em). Vì thế, cho trẻ nghỉ học ở nhà không phải là biện pháp tối ưu để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Tùy từng thể bệnh mà có biểu hiện điển hình hay không. Trẻ có thể sốt cao liên tục 39, 40 độ C và không đáp ứng thuốc hạ sốt, nhưng có bé lại chỉ sốt nhẹ.
Đa phần trẻ sẽ trải qua 4 giai đoạn điển hình của bệnh gồm ủ bệnh, khởi phát (sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng... ), giai đoạn toàn phát (loét miệng, ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối...) và giai đoạn lui bệnh. Ngoài ra, dù đang sốt nhưng sờ chân, tay trẻ lại thấy lạnh.
Theo các chuyên gia, nếu trẻ sốt, xuất hiện nốt phỏng ở tay chân miệng thì các bà mẹ cũng chưa cần thiết đưa con nhập viện ngay mà cần theo dõi chặt chẽ. Bé dù sốt nhưng vẫn ăn, chơi ngoan thì không nên quá lo lắng, bởi như vậy trẻ có sức đề kháng, bệnh nhẹ sẽ tự khỏi.
Nếu bé sốt cao trên 39-40 độ C, nôn mửa, tiêu chảy, ngủ kém, ngủ hay giật mình, mệt, chậm chạp thì cha mẹ cần đưa đến bệnh viện ngay. Đó có thể là những dấu hiệu bệnh của bé diễn biến nặng.
Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột, không có văcxin, không có thuốc điều trị đặc hiệu, lây lan phức tạp, thời gian thải trừ dài. Tỷ lệ người lành mang trùng lớn, người lớn dễ lây bệnh cho trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi phải luôn đảm bảo vấn đề vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng.
Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn cho bé, sau khi đi vệ sinh, thay quần áo cho trẻ, sau khi trở về từ bệnh viện, đi đường về…