Bộ Y tế: Không phải cứ uống bia vào là thải độc được rượu
Thông tin về 3 trường hợp bệnh nhân ở Quảng Trị nhập viện nghi do ngộ độc rượu, sau đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống bệnh nhân này bằng cách truyền gần 5 lít bia vào dạ dày kết hợp lọc máu, nhiều người hiểu lầm uống bia để giải độc.
Trước sự việc trên, chiều ngày 11/1, Bộ Y tế đã có buổi họp báo cung cấp thông tin chính thống đến người dân.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã thông tin cụ thể danh tính 3 bệnh nhân cùng dự liên hoan vào chiều ngày 23/12/2018 và cùng uống chung một loại rượu. Triệu chứng ban đầu của các bệnh nhân buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi sau đó kích thích, hôn mê, rối loạn hô hấp, suy hô hấp, thở yếu suy tuần hoàn, nhìn mờ...
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế
Trả lời chuyên môn về nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng khi dùng rượu, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh việc điều trị ngộ độc rượu bằng cách nào chỉ có thể tiến hành ở trong bệnh viện và dưới sự thực hiện của bác sĩ có chuyên môn, tuân thủ theo phác đồ điều trị, có sự giám sát thường xuyên.
Người dân không được tự dùng bia giải độc rượu trong cộng đồng vì không thể xác định được đúng tình trạng ngộ độc của cơ thể là do chất gì (methanol hay ethanol), khi đó sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Ths. Nguyễn Trung Nguyên: Chúng ta đang nói hai chất và hai loại ngộ độc methanol và ngộ độc rượu thông thường (có thể gây ngộ độc nếu uống nhiều hay gây xơ gan). Cồn công nghiệp methanol là 1 chất dùng trong công nghiệp và không dùng trong cơ thể con người, độc tính mạnh có thể gây mù, tổn thương não.
"So với tổng thể bệnh nhân ngộ độc chung, ngộ độc methanol ít hơn. Ngộ độc ethanol là uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nếu uống quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Trong phác đồ chẩn đoán điều trị, không được uống thêm rượu, bia chữa cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu, kể cả các chất có cồn khác.", Ths Nguyên chia sẻ.
Ths. Nguyễn Trung Nguyên
Theo Ths Nguyên, hiện nay, có 3 biện pháp để cấp cứu ngộ độc cồn Methanol. Đầu tiên là phương pháp cấp cứu hồi sức, ổn định tình trạng bệnh nhân.
Biện pháp giải độc thứ hai là dùng thuốc giải độc. Trong đó, có 3 thuốc giải độc là truyền tĩnh mạch nhưng thuốc này khá đắt, tốn vài nghìn USD một lần. Dạng thứ hai là truyền Ethanol y tế dạng tĩnh mạch, phương pháp này là tốt nhất và chúng ta đang cố gắng nhập về cho thuận tiện.
Một giải pháp khác để cứu chữa bệnh nhân kịp thời là bác sĩ sử dụng Ethanol dạng uống (là loại rượu thông thường, rượu an toàn, bia), với liều lượng, cách dùng hợp lí. Các y bác sĩ phải giám sát và lựa chọn phù hợp để giảm thiểu tác hại của methanol, giảm thải hậu quả cho bệnh nhân.
"Việc chẩn đoán bệnh nhân có bị ngộ độc Ethanol hay không là chuyên khoa của bác sĩ, người dân khi phát hiện người nhà có biểu hiện nên đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc. Tuyệt đối không tự ý dùng, áp dụng, bắt chước bất kỳ một trường hợp ngộ độc rượu nào", Bs Trung Nguyên nhấn mạnh.
Bs Trung Nguyên cho hay, trong 3 biện pháp để cấp cứu ngộ độc cồn Methanol thì phương pháp lọc máu được coi là tuyệt đối nhất. "Chúng tôi ghi nhận công sức, cố gắng của bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị", BS Nguyên chia sẻ.
Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng rượu bia
Theo hướng dẫn, xử trí, điều trị ngộ độc của Bộ Y tế năm 2015 nêu rõ ethanol và fomepizole giúp ngăn cản methanol chuyển hóa thành các chất độc. Methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi truyền mà không đủ lượng hai chất trên và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục bị chuyển hóa và gây độc.
Các bác sĩ khuyến cáo tốt hơn hết nên hạn chế sử dụng bia rượu, không dùng đồ uống không có nguồn gốc rõ ràng. Nếu người uống bia rượu bị say lâu, hoặc say rồi tỉnh sau đó hôn mê, mờ mắt, cần đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ cũng cho rằng cần phân biệt giữa ngộ độc rượu ethanol và cồn công nghiệp methanol. Rượu dùng để uống là rượu ethanol nấu từ ngũ cốc. Uống rượu ethanol tùy mức độ có thể bị say, kích động lời nói và hành động, nhức đầu choáng váng, đi đứng loạng choạng, buồn ngủ, nôn ói, hôn mê...
Rượu bị pha với cồn công nghiệp methanol sẽ gây ngộ độc. Các biểu hiện ngộ độc methanol thường gặp là mệt, khó chịu, nôn ói, nhìn mờ, nhìn đôi, hôn mê dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Với người lớn liều 8 g methanol (1 ml dung dịch 100%) đã gây ngộ độc dẫn đến mù. Liều 10 g methanol (30 ml dung dịch 40%), nạn nhân có thể tử vong.
Trẻ em bị ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg sẽ mù mắt và 0,5 ml/kg đủ để dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Sử dụng rượu, bia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia.
2. Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia (có Ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.
3. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu bia giả vì các loại rượu này có thể chưa Methanol.