Bộ Y tế: Các địa phương tốt nhất không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tốt nhất không tổ chức bắn pháo hoa, nếu tổ chức bắn pháo hoa phải đảm bảo tuân thủ quy định 5K, không tập trung đông người xung quanh khu vực bắn pháo hoa...
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc bắn pháo hoa và các biện pháp phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra biến chủng Omicron đang lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; Bộ Y tế đề nghị các địa phương tốt nhất không tổ chức bắn pháo hoa, nếu tổ chức bắn pháo hoa phải đảm bảo tuân thủ quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế và khoảng cách), không tập trung đông người xung quanh khu vực bắn pháo hoa.
Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bảo đảm tiếp tục thực hiện hiệu quả thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19.
Các địa phương căn cứ diễn biến tình hình dịch thực hiện đánh giá cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, hoạt động vui chơi, lễ hội lớn, nghi lễ tôn giáo có tập trung đông người tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.045.290 ca mắc COVID-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.725 ca nhiễm).
Bộ Y tế cho biết, trung bình 7 ngày qua, cả nước ghi nhận hơn 11.000 ca mắc/ngày trong cộng đồng và khoảng 200 ca tử vong/ngày. Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp giám sát phòng chống dịch, nhất là thực hiện nghiêm công tác giám sát tại các điểm nhập cảnh để kịp thời phát hiện các trường hợp nhiễm biến chủng mới Omicron; đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng và tổ chức tiêm vét vaccine phòng COVID-19, đảm bảo thuốc và oxy y tế, chăm sóc, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 sớm, ngay tại cơ sở.