Bỏ xe máy, cô gái Hà Nội ngày nào cũng đạp xe 10km đi làm, sau 1 năm thấy thay đổi bất ngờ

Mộc Miên,
Chia sẻ

Hoạt động bị mẹ cho là “điên rồ” đã giúp Phương Ly từ một người gầy gò, ốm yếu, bị gọi là “bộ xương di động” có màn lột xác ngoạn mục.

Chuyến du học khởi đầu cho những thay đổi không tưởng

"Mày đừng có mà điên! Rảnh quá không có việc gì làm à?", mẹ của Ly từng phản đối quyết liệt khi nghe cô nói muốn đạp xe đi làm. Phương Ly (25 tuổi), một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, hiểu vì sao mẹ cô phản ứng như vậy.

Từ nhỏ, cô đã khá yếu ớt, thường xuyên bị ốm vặt và bị coi là "bộ xương di động". Sức khoẻ của Ly chỉ khá lên khi cô đến Singapore đi du học. Ở đây mọi người chủ yếu đi lại bằng phương tiện công cộng. Mỗi ngày, Ly phải đi bộ khoảng 5km và thường mất 45 phút - 1 tiếng để di chuyển giữa nhà - trường - nơi làm thêm.

Lúc đầu, Ly cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, nhưng sau một thời gian, cô thấy mình ít ốm vặt hơn. "Có lẽ do phải vận động nhiều, tôi dần cảm thấy cơ thể khỏe hơn, thậm chí còn tăng thêm được 5kg - một giấc mơ đối với người khó tăng cân như tôi", Ly tâm sự.

Tuy vậy, khi trở về Việt Nam, do nhà cách công ty 10km, Ly thường đi làm bằng xe máy. "Mỗi ngày tôi ngồi 8 tiếng ở công ty, ít hoạt động. Ngồi nhiều khiến tôi cảm giác cơ thể ì trệ. Tôi bắt đầu bị ốm vặt trở lại, điều này khiến tôi stress".

Nhớ lại trải nghiệm hồi du học, cô gái trẻ quyết định đạp xe đi làm.

Lúc mới bắt đầu đạp xe, chân tay cô rã rời, mỏi nhừ. Tuy nhiên, sau 1 tháng, Ly cảm nhận rõ sức khoẻ mình đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Khi thời tiết thay đổi cô cũng không bị đau đầu hay mệt mỏi nữa.

Đến nay Ly đã kiên trì đạp xe được hơn 1 năm, cơ thể cô không còn gầy gò, ốm yếu mà trở nên "có da có thịt", săn chắc và khỏe khoắn hơn nhiều. Cô được gia đình và bạn bè nhận xét là có màn lột xác ngoạn mục. 

Khi được hỏi về thái độ của người xung quanh khi thấy cô kiên trì đạp xe liên tục hơn một năm, Ly nói: "Đến thời điểm hiện tại gia đình rất ủng hộ việc tôi đạp xe đi làm. Ngay cả mẹ - người phản đối gay gắt nhất giờ đây cũng vui vẻ tiếp nhận chuyện này. Nhưng điều tôi không ngờ tới là bản thân có thể lan tỏa lối sống xanh tới mọi người xung quanh. Bố mẹ tôi giờ cũng sắm thêm 2 chiếc xe đạp để đi hóng gió buổi tối, rèn luyện thân thể. Tôi cũng rủ thêm một nhóm bạn cùng nhau đạp xe đi chơi cùng nhau, sang phố cổ, Hồ Gươm, hôm nào khỏe thì sẽ đạp xe ra tận Hồ Tây".

Bỏ xe máy, cô gái Hà Nội ngày nào cũng đạp xe 10km đi làm, sau 1 năm thấy thay đổi bất ngờ - Ảnh 1.

Ly quyết định đạp xe đi làm để cải thiện sức khỏe. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Gặt hái lợi ích sức khỏe từ thói quen đạp xe

Một nghiên cứu trên 263.450 người được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh đã chỉ ra rằng thói quen đạp xe có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Glasgow, Anh đã yêu cầu những người tham gia trả lời câu hỏi về phương tiện sử dụng khi đi làm. Các nhà nghiên cứu phân họ thành 5 nhóm bao gồm: nhóm sử dụng ô tô đi làm; nhóm đạp xe đi làm, nhóm đi bộ đi làm, nhóm đi bộ kết hợp sử dụng ô tô bus đi làm, nhóm đạp xe kết hợp sử dụng ô tô bus đi làm và tiến hành theo dõi sức khỏe của họ trong 5 năm tiếp theo.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người đạp xe đi làm có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 41% so với những người sử dụng ô tô đi làm. Họ cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 46% và có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch thấp hơn 52%. Ngoài ra, những người đạp xe đi làm cũng có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn 45% và có nguy cơ tử vong vì ung thư thấp hơn 40%.

 - Ảnh 2.

Lợi ích của việc đạp xe đối với sức khỏe đã được nghiên cứu công nhận.

Một bản đánh giá dựa trên 300 nghiên cứu khác nhau cũng đã chỉ ra rằng đạp xe có tác động tích cực sức khỏe tim mạch. Đạp xe không chỉ giúp tăng mức cholesterol "tốt" HDL mà còn giúp giảm mức cholesterol "xấu" LDL và chất béo trung tính trong cơ thể, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc đau tim, đột quỵ.

Đạp xe cũng giúp giảm căng thẳng, lo lắng, đặc biệt có lợi cho sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, quá trình đạp xe giúp tăng lưu lượng máu đến não, giúp cải thiện chức năng não bộ hiệu quả.

Đạp xe - xu hướng sống xanh trên thế giới

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành giao thông vận tải chiếm khoảng 1/4 tổng lượng khí thải carbon toàn cầu và đã trở thành ngành phát thải carbon lớn thứ hai trên thế giới.

Số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Statista cũng cho thấy ngành giao thông vận tải toàn cầu là nguồn gây ô nhiễm lớn, tạo ra hơn 7 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm.

Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) nhận định việc sử dụng các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu diesel đã thải ra khí carbon dioxide (CO2 - một loại khí nhà kính) vào khí quyển. Sự tích tụ CO2 và các loại khí nhà kính khác như metan (CH4), oxit nitơ (N2O) và hydrofluorocarbons (HFC) khiến bầu khí quyển Trái đất ấm lên, gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

 - Ảnh 3.

Ngành giao thông vận tải toàn cầu tạo ra hơn 7 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm.

Để giảm thiểu khí thải từ phương tiện giao thông, việc thay thế phương tiện chạy bằng xăng dầu thành các phương tiện thân thiện với môi trường hơn như xe đạp là phương án hiệu quả.

Sử dụng xe đạp đã trở thành xu hướng sống xanh ở một số quốc gia như Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan,...

Tiêu biểu nhất phải kể đến Hà Lan - quốc gia được mệnh danh là "xứ sở của xe đạp". Tại đây, xe đạp là phương tiện di chuyển phổ biến cho cả quãng đường ngắn và dài. Hà Lan sở hữu khoảng 23 triệu chiếc xe đạp, số lượng xe đạp thậm chí còn nhiều hơn dân số ở quốc gia này. Cứ mỗi km vuông ở Hà Lan sẽ có khoảng 680 chiếc xe đạp.

Hà Lan đã phát triển văn hóa đạp xe, với khoảng 28% tổng số chuyến đi trong nước được thực hiện bằng xe đạp. Họ tin rằng đi xe đạp là một cách di chuyển dễ dàng và lành mạnh.

 - Ảnh 4.

Hà Lan được mệnh danh là "xứ sở của xe đạp".

Hà Lan cũng đã phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện nhiều chính sách khác nhau để khuyến khích người dân đạp xe. Nhiều thành phố ở Hà Lan đưa ra chương trình chia sẻ xe đạp, cho phép người dân và khách du lịch thuê xe đạp trong thời gian ngắn (Tin vui là mô hình này cũng đã có ở Việt Nam). Ngoài ra, chính phủ Hà Lan còn giảm thuế cho những người đạp xe đi làm.

Thậm chí, cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng từng được bắt gặp đang đạp xe đến văn phòng chính phủ.

 - Ảnh 5.

Cựu thủ tướng Hà Lan cũng đạp xe đến Văn phòng Chính phủ.

Sẽ thế nào nếu cả thế giới cùng nhau đạp xe?

Dĩ nhiên lợi ích từ thói quen đạp xe với môi trường cũng không phải là nói suông.

Một nghiên cứu của Đại học Nam Đan Mạch được công bố trên tạp chí Communications Earth and Environment đã chỉ ra rằng người Hà Lan đạp xe trung bình khoảng 2,6km/ngày. Nghiên cứu cho thấy nếu mô hình này được nhân rộng trên toàn thế giới, lượng khí thải carbon toàn cầu hàng năm sẽ giảm đi 686 triệu tấn.

Nghiên cứu cho biết con số khổng lồ này vượt quá lượng khí thải carbon trong năm 2016 của hầu hết các quốc gia, ví dụ như Vương quốc Anh (hơn 367 triệu tấn), Canada (hơn 675 triệu tấn), Ả Rập (khoảng 517 triệu tấn) và Úc (hơn 414 triệu tấn), theo số liệu của Worldometer năm 2016.

Như vậy, việc sử dụng xe đạp thay cho các phương tiện cá nhân chạy bằng xăng dầu không chỉ là cách giúp rèn luyện sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả mà còn là một trong những cách bảo vệ môi trường.

Chia sẻ