Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không lạm dụng giấy khen vì dễ tác dụng ngược

Hà Linh,
Chia sẻ

Tại hội nghị giám đốc Sở GD&ĐT năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị việc đánh giá, khen thưởng học sinh phải đảm bảo thực chất, tránh lạm dụng giấy khen dẫn đến “tác dụng ngược”.

Những ngày tổng kết năm học, trên mạng xã hội lan truyền nhanh chóng bức ảnh cả lớp được giấy khen, riêng một học sinh ngồi bàn đầu buồn bã vì em không có. Bức ảnh nhận về nhiều lời bình luận, trong đó đa số ý kiến cho rằng, cả lớp được giấy khen là vô lý, giáo viên khen gần hết lớp học, trừ lại 1 bạn lại càng vô lý, vô cảm hơn.

Theo các phụ huynh, học sinh, thời trước đi học, mỗi lớp chỉ được khoảng 10-15% học sinh được khen thưởng danh hiệu “tiên tiến xuất sắc”. Do đó, trong mỗi lớp học chỉ có 5-7 bạn được phát phần thưởng, bằng khen của hiệu trưởng. Đa số học sinh còn lại trong lớp sẽ không có giấy khen, phần thưởng cũng sẽ không tủi thân vì “nhiều bạn cũng như mình” và lấy hình ảnh những bạn được khen thưởng làm động lực, mục tiêu phấn đấu.

Thực tế, hiện nay, ở nhiều trường tiểu học, việc khen thưởng đang rất tràn lan. Học sinh được tặng nhiều danh hiệu: “Học sinh tiêu biểu, xuất sắc”; “Học sinh hoàn thành tốt các môn học”, thậm chí có danh hiệu “Học sinh hoàn thành tốt môn Tiếng Việt” và “Học sinh hoàn thành tốt môn Toán” hay “Học sinh tích cực tham gia các hoạt động”…Do đó, chẳng có gì lạ, khi cả lớp 45-50 học sinh, em nào cũng có giấy khen.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không lạm dụng giấy khen vì dễ tác dụng ngược - Ảnh 1.

Năm 2016, đã có trường tặng giấy khen từng mặt cho học sinh.

Chị Trần Thị Thu Nga, có con học lớp 1, 1 trường tiểu học tại Hà Nội kể, tổng kết năm học, con chị đạt danh hiệu “Học sinh tiêu biểu, xuất sắc”. Để đạt danh hiệu này, theo quy định bài kiểm tra Toán, Tiếng Việt cuối năm phải đạt điểm 10. Ngoài ra, các môn học khác như: Âm nhạc, Thể Dục, Mỹ thuật…phải được đánh giá “Hoàn thành tốt”. Chưa kể, khi đủ các điều kiện trên, học sinh trong lớp bình bầu thêm 1 lần nữa để chọn ra khoảng 30% bạn đạt danh hiệu trên.

Vì thế, khi được thông báo mình sẽ được giấy khen con vui lắm. Tuy nhiên, ngoài danh hiệu đó, tại buổi tổng kết, lớp con cũng trao phần thưởng, giấy khen cho hơn tất cả các bạn khác, bạn giỏi Toán, bạn giỏi Tiếng Việt. “Vì thế, sau khi nhận thưởng về, con cứ thắc mắc, tại sao cả lớp đều được giấy khen hả mẹ”, chị Nga kể.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, các địa phương cần chú ý đến việc khen thưởng học sinh cuối năm học, việc đánh giá phải đảm bảo thực chất, vì sự tiến bộ của học sinh, tránh lạm dụng giấy khen dẫn đến “tác dụng ngược” trong việc khen thưởng. Đặc biệt, chuẩn bị cho tổng kết năm học 2019-2020 và bước vào năm học mới 2020-2021 - năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, các cơ sở giáo dục không tổ chức tựu trường trước ngày 1/9 và thống nhất toàn quốc tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học, thiếu sách giáo khoa cho năm học mới. Căn cứ vào thực tiễn, Bộ sẽ ban hành Chỉ thị năm học mới sát với tình hình của địa phương.

Chia sẻ