"Bỏ tiền vào xô, lấy đồ ở chậu", cách các tiểu thương tại một khu chợ ở Hà Nội chung tay phòng chống dịch COVID-19
Đang thời gian phải đóng cửa để phòng dịch Covid-19, các tiểu thương tại khu chợ tạm 7,2ha Vĩnh Phúc đã nghĩ ra cách để đồ ăn vào chậu sau đó người mua bỏ tiền vào chiếc xô bên cạnh để hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người.
Ngày 11/5, UBND TP Hà Nội đã ban hành công văn số 1408/UBND-KGVX yêu cầu chính quyền các quận, huyện, thị xã giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Với mục tiêu chung là góp sức phòng, chống dịch Covid-19, hầu hết các tiểu thương và người dân sinh sống gần khu chợ tạm 7,2ha Vĩnh Phúc đều đồng thuận chấp hành lệnh tạm đình chỉ hoạt động. Theo đó, các quầy hàng từ dãy nhà A cho đến dãy nhà K tiểu thương đều nghiêm chỉnh chấp hành.
Các kiot không thuộc khuôn viên của chợ thì vẫn diễn ra các hoạt động buôn bán bình thường. Tuy nhiên, các chủ kiot này vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc phòng chống dịch. Nước sát khuẩn, khẩu trang là vật dụng không thể thiếu ở mỗi cửa hàng và người dân.
Sau chỉ thỉ của TP, các tiểu thương "đắp chiếu" quầy hàng để cùng chung tay phòng dịch.
Khách mua hàng và giao dịch đều đứng xa cách 2m và ngoài hàng rào, sau khi hàng hóa được chuẩn bị xong thì được chủ cửa hàng mang ra cho khách để tránh không tập trung đông người trong lúc mua bán. Nhiều tiểu thương mang xô chậu đặt trước khu vực hàng rào barie để người mua bỏ tiền vào xô sau đó lấy đồ ở chiếc chậu bên cạnh để hạn chế tiếp xúc.
Cô Nguyễn Thị Diệp (59 tuổi, trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết dù chợ tạm 7,2ha tạm thời đóng cửa sau khi thành phố yêu cầu giải tỏa các điểm chợ cóc, chợ tạm để phòng, chống dịch người dân nói chung và gia đình cô Diệp rất là đồng tình ủng hộ.
"Đây không phải lần đầu những người dân như chúng tôi đối mặt với việc chợ đóng cửa. Cũng như mọi lần, tôi và người dân ở đây rất ủng hộ việc làm này của chính quyền trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
Mong sao dịch bệnh sớm qua nhanh để cuộc sống người dân được trở lại bình thường", bà Diệp cho biết.
Tại chợ 7,2ha bà Diệp và những người dân khác muốn mua gì phải đứng bên ngoài hàng rào barie gọi với vào trong sau đó tiểu thương mang đồ ra đặt vào chiếc chậu nhỏ, người mua thì bỏ tiền vào chiếc xô bên cạnh. Trải nghiệm đi chợ trong mùa Covid, bà Diệp nói vui rằng như đang được trở lại đi chợ thời bao cấp ngày xưa.
"Tuy mình không được tận tay lựa chọn đồ đạc nhưng chung tay vì cả nước chống dịch chúng tôi vẫn cảm thấy vui vẻ. Chính ra đi chợ kiểu này chúng tôi như được trở lại với đi chợ của thời bao cấp.
Tôi nghĩ cuộc sống những ngày này phần nào đó đưa chúng tôi trở lại với cuộc sống của ngày xưa để mình thấy rằng thời kì đó khó khăn, vất vả mình vẫn vượt qua được thì dịch Covid-19 lần này đất nước mình sẽ vượt qua được hết chỉ cần mọi người dân cùng chung tay đoàn kết ủng hộ", bà Diệp chia sẻ.
Cửa hàng đậu phụ của vợ chồng bà Đinh Thị Hằng (49 tuổi) trong khu chợ 7,2ha những ngày này luôn tấp nập người mua. Để hạn chế tiếp xúc với mọi người, người phụ nữ này kê hai chiếc thùng rồi đặt một bên là chậu đựng đồ cho khách, người mua sau khi nhận đồ sẽ bỏ tiền vào chiếc xô nhỏ bên cạnh.
Chia sẻ về việc làm này, bà Hằng cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng như khuyến cáo của TP, gia đình bà nghĩ ra cách làm vậy để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe của mọi người khi hạn chế tiếp xúc với nhau.
"Vợ chồng tôi thuê mặt bằng dưới này để buôn bán nên cứ có dịch là hai ông bà lại cùng tâm trạng lo lắng không biết việc buôn bán phải dừng lại lúc nào. Cũng tự bảo nhau bây giờ khó khăn thì mọi người cùng khó khăn nên mình phải tìm cách khắc phục.
Mỗi tháng phải chi hơn 10 triệu đồng để thuê kiot, nay dịch covid lượng khách mua giảm. Tuy việc kinh doanh bị ảnh hưởng nhưng gia đình tôi vẫn hoàn toàn ủng hộ chủ trương chống dịch của thành phố, và mong sớm kiểm soát dịch để chợ hoạt động bình thường", bà Hằng cho biết.
Ngoài để biển bán đậu mang về, gia đình bà Hằng đặt thêm xô và chậu bên ngoài hàng rào để làm nơi để đồ cho khách. Khách mua xong sẽ bỏ tiền vào xô.
Theo lời bà Hằng, kiot của gia đình người phụ nữ này không thuộc khuôn viên cấm bán của chợ nên để duy trì hoạt động mua bán an toàn trong mùa dịch cũng như tuân thủ khuyến cáo của TP gia đình bà luôn luôn tuân thủ quy trình 5K.
Hai vợ chồng bà Hằng lúc nào cũng mang khẩu trang khi buôn bán, luôn sát trùng không gian xung quanh và đặc biệt là cách xa 2m trong lúc bán hàng cho khách.
"Khi được tạo điều kiện buôn bán, vợ chồng tôi rất là chú ý đến việc tuân thủ quy định cũng như khuyến cáo của cấp trên để vừa bảo vệ sức khỏe cho chính mình vừa bảo vệ cho mọi người. Chiếc khẩu trang dường như là vật bất ly thân không thể thiếu, lúc nào chúng tôi cũng phải đeo nó và hạn chế nói chuyện với mọi người vì rất lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
Ở phía ngoài kia tôi để một chiếc chậu để bỏ những đồ người dân họ mua, bên cạnh là chiếc xô nhỏ để mọi người bỏ tiền vào trong đó. Tuy nó không được thoải mái như những ngày thường nhưng mọi người ở đây cũng hiểu và ủng hộ", bà Hằng chia sẻ.