Bỏ sự nghiệp theo vợ làm nội trợ

Theo Kiến thức,
Chia sẻ

Anh từng là thầy dạy khiêu vũ, giám đốc nhà văn hóa hào hoa một thời...

Hình ảnh một người đàn ông mỗi chiều lếch thếch mớ đồ ăn, tay dao tay thớt, rửa hàng đống bát đĩa đã trở nên quen thuộc với hàng xóm xung quanh của anh Lê Văn Sinh (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội). 

Mối tình "trai tài gái sắc"

Anh Sinh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Anh lớn lên nhờ sự bao bọc của người chú ruột. Tuổi thơ anh gắn liền với nỗi nhọc nhằn, vất vả của một đứa trẻ sớm phải lam lũ mưu sinh nơi vùng sông nước Tiền Giang. 

Nhưng cũng chính từ trong nỗi buồn sớm phải mất mát người thân, cái nghèo khổ đã tôi luyện cho anh ý chí, khát vọng phải vươn lên để thoát khỏi cuộc sống chân lấm tay bùn cực nhọc.

Ham thích và có khiếu về mỹ thuật, khiêu vũ, anh Sinh theo học ngành văn hóa, được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài rồi được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm văn hóa thể dục thể thao của tỉnh. 

Trẻ tuổi, có tài, ăn nói có duyên... chỉ bấy nhiêu thôi ở anh đã làm các cô học trò điêu đứng trong đó có Hoa, cô thiếu nữ Bắc kỳ. Còn thầy Sinh, cũng bị "sét đánh" trước vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo của cô gái này.

Bỏ sự nghiệp theo vợ làm nội trợ
Rửa bát đĩa, dọn dẹp nhà cửa là công việc thường ngày của anh

Cuộc tình của cặp trai tài gái sắc đẹp như mơ, làm bao người trầm trồ, nhưng biết tin, bố mẹ Hoa ra sức ngăn cản. "Có lẽ do tôi không còn bố mẹ, xuất thân từ một vùng quê quá nghèo, Hoa chỉ vào đây học đại học rồi về chứ không có ý định lập nghiệp trong này nên các cụ sợ con gái khổ, vất vả. Mà phản đối dữ lắm, còn định thuê người ép chở Hoa ra Hà Nội bằng được", anh Sinh cười nhắc lại chuyện xưa.

Nhưng không ngờ, cô con gái tưởng như yếu đuối lại bạo gan trước tình yêu mãnh liệt. Cô tuyên bố sẵn sàng chấp nhận khổ, vất vả mấy cũng chịu được miễn là được ở cạnh người mình yêu. Thế rồi, cô đã ở lại cùng anh, xây dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng.

Ông chồng nội trợ

Tuy dám "cãi" bố mẹ để bảo vệ tình yêu của mình, nhưng trong lòng Hoa luôn đau đáu nỗi niềm bố mẹ mỗi ngày một già yếu, con gái lấy chồng xa xứ biền biệt, không thể chăm nom, phụng dưỡng. 

Cô bàn với chồng, hay là cùng cô về Bắc theo ý nguyện của ông bà. Anh đã mất cha mẹ từ nhỏ, giờ có cơ hội có đầy đủ gia đình, lẽ nào lại từ bỏ. Vả lại Hà Nội là vùng đất kinh kỳ, lo gì không tìm được việc... Nghe có vẻ xuôi tai, anh Sinh đồng ý với vợ.

Và cuộc đời "tha hương" với chàng rể miền Nam bắt đầu từ đó. Nhưng về Hà Nội chật vật mãi anh Sinh không tìm được công việc như ý. Anh đành tạm bằng lòng với chân bảo vệ ở một nhà văn hóa phường, công việc chính là trông xe. 

Mỗi khi có lễ lạt hay tổ chức sự kiện, anh tham gia trang trí, vẽ phông bạt gọi là "kiếm thêm".

Ca làm của anh thường bắt đầu từ đầu giờ tối cho đến nửa buổi sáng, thời gian về nhà anh dành cho... ngủ và khi chiều đến anh trở thành một ông chồng nội trợ đảm đang.

Rửa bát đĩa, dọn dẹp nhà cửa là công việc thường ngày của anh. Đặc biệt, vốn quen với cuộc sống tự lập từ nhỏ và kinh nghiệm chế biến các món nhậu, anh Sinh có cả một danh sách dài các món ăn ngon. 

Khi được hỏi, anh không lấn cấn về chuyện "đàn ông rửa bát quét nhà" sao, anh cười giòn: "Việc nào cũng là việc, sao lại phải phân chia việc anh việc tôi, cùng sống trong một nhà cơ mà. Ai làm tốt cái gì thì làm thôi".

Cũng chính sự chăm chỉ, chân chất sống thật với mình như vậy, mà anh được bố mẹ vợ quý, coi như con đẻ. Đó cũng là điều níu chân anh ở lâu dài ở quê hương thứ hai này.

Cái khó khăn nhất đối với anh Sinh là sự dung hòa được văn hóa, lối sống giữa hai miền Nam, Bắc.

"Bố mẹ vợ tôi thương con cháu, tính các cụ cũng xuề xòa, nhưng mình không thể tự do như khi xưa được. Nhất là cái thói quen 'lai rai' cùng anh em bạn hữu đã ngấm vào mình, giờ hạn chế thì hơi khó chịu. Mình đành tự an ủi, đã xác định theo nhau rồi thì khó khăn khắc phục. Mình chỉ cố gắng hạn chế những lúc ăn nhậu quá đà làm ông bà phiền lòng", anh Sinh chia sẻ.
Chia sẻ