Bố ruột 17 năm liệt gường và gia cảnh ít biết về Lý Nhã Kỳ
"Ngày xưa, khi còn sống, ba luôn nói nếu mai này qua đời, ba muốn được về nghĩa trang này để có thể gặp đồng đội đã từng sát cánh, từng cùng ba vượt qua sinh tử…", Lý Nhã kỳ thổ lộ.
Với Lý Nhã Kỳ, ba là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống, tinh thần cô. Nhân kỷ niệm ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam, Lý Nhã Kỳ đã có chuyến đi tới nghĩa trang rừng Sác, nơi yên nghỉ của những người chiến sĩ rừng Sác - đồng đội của ba ngã xuống năm xưa.
Từ những xúc động trong lần tới nghĩa trang rừng Sác, Lý Nhã Kỳ quyết định trải lòng về các kỷ niệm với cha cô. Đây là lần đầu tiên cô tâm sự về gia đình, sau cơn bão thị phi đổ xuống với chức danh Đại sứ du lịch. Cũng vì những thị phi đó, Lý Nhã Kỳ đã muốn dừng lại công việc này.
Lý Nhã Kỳ tâm sự:
“Từ khi còn nhỏ, ba đã là thần tượng, là anh hùng trong mắt tôi. Ông thường kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa ông gầy, không đủ cân nặng so với tiêu chuẩn thành đặc công rừng Sác, ông liền nghĩ cách bỏ thêm đá vào người cho đủ cân. Ngày ấy, ai được chọn lựa là đặc công rừng Sác là vinh dự lớn lao lắm, luôn sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc với lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”…
Bao nhiêu gian khổ, khó nhọc, đối diện với cửa tử đều là những tháng năm khắc ghi trong lòng ba tôi và trong cả trái tim cô con gái cưng, là tôi. Ba vẫn kể, cuộc đời người đặc công rừng Sác đơn giản lắm, chỉ có mỗi chiếc quần đùi đi chiến đấu vì thường xuyên phải di chuyển dưới dòng nước để làm nhiệm vụ.
Ấy thế mà bao nguy hiểm, bom đạn, cái chết vẫn chẳng hề làm nao núng bất kỳ người lính “quần đùi” nào trong nhiệm vụ cứu nước. Đến cuối đời ba tôi vẫn giữ chiếc quần ấy với những ký ức oai hùng.
Hết chiến tranh, ba tôi may mắn trở về, nhưng là sự trở về không vẹn nguyên. Ba bị liệt từ từ do những vết thương chiến tranh để lại, 17 năm ba phải nằm liệt trên giường, chỉ có cái đầu vẫn thức tỉnh.
Hết chiến tranh với giặc, ba tôi bắt đầu cuộc chiến khốc liệt với chính bản thân mình để giành giật sự sống vì vợ con. Ba biết, ba là chỗ dựa tinh thần của cả nhà, nên không được gục ngã. 17 năm ba nằm trên giường bệnh, nhưng chưa bao giờ kêu ca đau đớn, chưa hề làm mẹ con tôi lo lắng vì những vết thương.
Mấy năm cuối đời của ba, cả nhà tôi “cắm trại” ở bệnh viện chợ Rẫy để chăm sóc và được gần ba. Chúng tôi luôn muốn được ở bên cạnh ba từng phút giây trong cuộc sống. Tình cảm và sự bền bỉ chiến đấu với bệnh tật cùng ba của gia đình tôi khiến các bác sĩ khâm phục, nhưng bác sĩ khâm phục mẹ con tôi 1 thì khâm phục ba 10, chưa bao giờ bác sĩ thấy ba kêu than dù thường xuyên phải tiêm giảm đau. Những lúc càng đau, ba càng yên lặng chịu đựng.
Ngày chúng tôi phải đưa ba về vì không thể chạy chữa được nữa, bác sĩ dặn phải chăm ông cẩn thận vì sẽ rất đau đớn, nhưng khi về tuyệt nhiên không hề thấy ba tôi kêu ca một chút nào. Đã có lúc tôi phải rủ rỉ bên cạnh hỏi ba có đau không, ba nói không, tôi lại chất vấn “bác sĩ nói sẽ bị đau mà sao ba không đau? Hay ba không còn cảm giác nữa?”.
Ba cười, bảo rằng ba chỉ đau khi nhìn thấy sự lo lắng của mẹ và các con, ba không đau vì không muốn nhìn thấy những điều đó trên gương mặt các con, trên ánh mắt của mẹ…
Quả thật, ngày nhỏ, tôi đã luôn ước lớn lên mình sẽ gia nhập quân ngũ, sẽ đi bộ đội để nối gót tinh thần anh dũng của ba.
Trong nhà, tôi là người được ba yêu thương, có của ngon vật lạ nào ba cũng dành cho tôi. Tình yêu của ông luôn bao phủ lên cuộc sống, trái tim tôi. Sự anh dũng và thương yêu gia đình của ông làm cả gia đình tôi đều cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc.
Từ khi ba mất, tôi vẫn thường trốn chạy những cảm xúc của mình, luôn kìm nén ở trong lòng. Tôi không muốn ai biết rằng, vắng ông trên cõi đời là tôi vắng đi chỗ dựa tinh thần lớn lao, vắng đi một kim chỉ nam trong đời sống. Chỉ có ba nghe được trọn vẹn trái tim tôi, ba luôn chỉ cho tôi một con đường đi đúng đắn, tốt nhất. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ sâu sắc rằng, ba không còn trên cõi đời này nữa…
Khi tôi quyết tâm làm Đại sứ du lịch và dù cho mọi phong ba, bão táp đổ xuống, tôi vẫn làm chỉ bởi mong ước làm sao được đóng góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình trong thời bình cho đất nước, giống như ba và những đồng đội đã đóng góp, hy sinh cho bình yên của dân tộc.
Nhưng rồi, những câu chuyện thị phi xảy ra trong quá trình làm Đại sứ đã khiến tôi bị tổn thương. Tôi từng nghĩ mình là đứa con bất hiếu vì ba đã yên nghỉ rồi mà vẫn để bị người đời bàn tán trái chiều như thế.…
Ba tôi được công nhận là liệt sĩ là niềm hãnh diện lớn lao của cả gia đình tôi. Mỗi khi về nhà, nhìn thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công, bằng chứng nhận gia đình Liệt sĩ mà mẹ thờ cùng ảnh ba, tôi thấy giống như một lời răn rằng ba đã cống hiến cuộc đời mình như thế đó, thì con cháu cần sống tốt để ba được hãnh diện.
Tôi tự hào về ba không chỉ anh dũng ngoài chiến trận mà còn là người chồng, người cha tuyệt vời ở nhà, người đã ôm hết những đau khổ về mình chỉ để vợ con không bao giờ phải rơi nước mắt...
Chính sự kiên cường của ba khi chiến đấu với những vết thương cắn xé ngày đêm ấy, đã có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, tinh thần của tôi, hình thành nên tính cách mạnh mẽ của tôi.
Trong suốt sự nghiệp của tôi, không biết bao nhiêu thị phi đã rơi xuống đầu, có những nỗi oan ức mà chứng minh không được, giải thích không xong, nhưng cuối cùng khi người ta tưởng tôi “hết rồi”, tôi gục ngã thì lại là lúc tôi phải đứng dậy và đi tiếp thay vì trốn chạy.
Tôi luôn nghĩ, những đắng cay tôi phải chịu nào có thấm tháp gì so với 17 năm ba tôi nằm trên gường chống chọi bệnh tật. Sự cứng cáp của tôi chỉ bằng một phần nhỏ của ông. Tôi cảm ơn bởi nhờ ông mà tôi trở thành một cô gái có sức chịu đựng, rất mạnh mẽ trong đời sống…
Cũng vì những tình cảm ấy mà tôi luôn dành cho những người lính một thiện cảm, một sự ngưỡng mộ đặc biệt. Tôi hạnh phúc khi là người Việt Nam …”.