Bỏ qua 2 điều này, người Việt 'đơ người' vì phát hiện uống thuốc kém chất lượng bấy lâu nay

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Theo chuyên gia dinh dưỡng, việc bỏ qua 2 điều này đã khiến nhiều người Việt mua phải hàng kém chất lượng mà không biết.

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia – cho hay trong quá trình khám dinh dưỡng, bác sĩ đã gặp không ít trường hợp sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng kém chất lượng nhưng không hề biết cho tới khi gặp hậu quả.

Điển hình là một gia đình có con bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, đi khám thì bác sĩ nghi ngờ sữa có vấn đề. Bác sĩ đề nghị gia đình đem mẫu đi xét nghiệm kiểm định, phát hiện sữa không đạt tiêu chuẩn. Người mẹ chia sẻ đã mua loại sữa tăng chiều cao theo lời giới thiệu của một KOL nổi tiếng.

Trường hợp khác là một bệnh nhân đái tháo đường được hàng xóm mách mua thực phẩm chức năng được quảng cáo sai sự thật là “giúp điều trị khỏi bệnh”. Tin lời, người này lên mạng mua theo, bỏ thuốc điều trị của bác sĩ kê. Hệ quả, sau một thời gian, người bệnh phải nhập viện cấp cứu – may mắn giữ được tính mạng.

Thạc sĩ – Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhi đến khám vì suy dinh dưỡng và tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân. Sau khi khai thác kỹ tiền sử dinh dưỡng và kiểm định sữa, bác sĩ phát hiện một số sản phẩm không đạt chỉ tiêu về chất lượng, có dấu hiệu là sữa giả. Mẹ bệnh nhân chia sẻ đã mua loại sữa này do người quen giới thiệu.

PGS Hưng chia sẻ: “Việc người dân tự kê đơn, mua thuốc hay thực phẩm chức năng theo lời hàng xóm, người nổi tiếng, nghệ sĩ trên mạng là rất phổ biến. Khi uống không hiệu quả, hoặc tình trạng bệnh nặng hơn, họ mới đến cơ sở y tế thăm khám và phát hiện lâu nay đang dùng phải hàng kém chất lượng – lúc đó mới 'đơ người' vì sốc”.

Bỏ qua 2 điều này, người Việt 'đơ người' vì phát hiện uống thuốc kém chất lượng bấy lâu nay - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Người Việt thường bỏ qua 2 điều khi mua sản phẩm dinh dưỡng

Theo PGS Hưng, nhiều người Việt Nam có thói quen mua sản phẩm, thuốc rất dễ dãi. Chỉ cần nghe hàng xóm nói thực phẩm chức năng nào đó tốt, hay thấy người nổi tiếng quảng cáo là tin ngay và tự mua dùng.

Đáng lo ngại, có 2 điều quan trọng nhiều người Việt thường bỏ qua, đó là:

- Đọc kỹ bao bì, kiểm tra xem sản phẩm có được thương hiệu lớn sản xuất, có được cơ quan chức năng kiểm định hay không…

- Tham vấn ý kiến của chuyên gia về sản phẩm.

Chuyên gia khuyến cáo người dân khi có nhu cầu sử dụng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, cần đến cơ sở y tế để được chuyên gia tư vấn. Ví dụ, có bệnh nội tiết thì nên khám bác sĩ nội tiết. Nếu gặp vấn đề về dinh dưỡng, cần đến chuyên khoa dinh dưỡng.

“Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc điều trị, không nên nghe theo lời hàng xóm hay quảng cáo trên mạng để mua các sản phẩm thay thế thuốc. Điều này rất nguy hiểm đến sức khỏe”, PGS Hưng khuyến cáo.

Không chỉ dễ dãi trong việc mua thực phẩm theo lời quảng cáo, theo TS. Từ Ngữ – Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam – nhiều người hiện nay có xu hướng chọn sản phẩm có thành phần ghi "dày đặc" dưỡng chất, tin rằng càng nhiều chất thì càng tốt cho sức khỏe.

Lợi dụng tâm lý này, không ít cơ sở gian dối đã liệt kê hàng loạt dưỡng chất lên nhãn để thu hút người tiêu dùng. Điển hình như vụ sữa giả mới đây – sản phẩm ghi nhiều thành phần bổ dưỡng nhưng khi kiểm định lại không hề có.

Chia sẻ