Bộ phim tài liệu kéo dài 6 năm về 3 đứa trẻ xuất thân ở các tầng lớp xã hội khác nhau chỉ ra: Đâu là YẾU TỐ CHÍNH để thành công
Cho dù được sinh ra trong “nhà kính” hoặc trên vách đá, mỗi hạt giống đều cần đấu tranh để phát triển và nở loại hoa của riêng mình. Ngay cả khi số phận không công bằng, nỗ lực sẽ mang đến hy vọng.
Đạo diễn Trịnh Quỳnh (Trung Quốc) từng "ôm" khoản nợ 250.000 tệ (khoảng 850 triệu đồng) và mất 6 năm để quay lại cuộc đời của 3 đứa trẻ lần lượt đến từ nông thôn, thị trấn nhỏ và thành thị ở Trung Quốc.
Tuy rằng đề cập đến các giai cấp khác nhau, nhưng bộ phim mang tên "Hành trình vào đời" lại không đi theo hướng "thương hại" hay trách cứ ai mà chỉ khách quan ghi lại diễn biến cuộc sống trong nhiều năm của những đứa trẻ. Một số ý kiến nói rằng, không chỉ phụ huynh Trung Quốc mà nhiều cha mẹ nơi khác cũng có thể tìm thấy cái bóng của họ trong bộ phim tài liệu này...
Cha mẹ là vạch xuất phát của đứa trẻ...
Viên Hàm Hàn, 16 tuổi có cuộc sống nhiều người ngưỡng mộ. Cô dễ dàng vào trường học tốt, có đầy đủ mọi thứ mong muốn. “Rắc rối” lớn nhất trong cuộc sống của cô là: Làm thế nào để khỏi nhàm chán?
Vì lý do này, cô bỏ học trường trung học mỹ thuật tốt nhất ở Bắc Kinh, bắt đầu thử tất cả các cách để làm mới cuộc sống: vẽ tranh, xem phim, mở một quán cà phê... Mặc dù kinh doanh thất bại, cô cũng không quan tâm, bởi vì "đường lui" của Viên Hàm Hàn là đi du học.
Cô gái giàu có "làm thế nào cũng không chết đói" này, có lẽ sẽ không bao giờ biết, có một cô gái khác ở nông thôn, mong muốn lớn nhất là kiếm được một ngàn nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 3,4 triệu) để không bị đói.
Mã Bách Quyên, 12 tuổi là trường hợp đau lòng nhất trong toàn bộ phim.
Sống ở một ngôi làng tại Cam Túc với chi phí hàng năm không quá... 50 nhân dân tệ (khoảng 170 ngàn đồng) cho một gia đình bốn người! Điều hạnh phúc nhất mà Mã Bách Quyên làm mỗi ngày là gặm một miếng bánh mì ỉu, sau đó đeo túi xách, tung tăng đi bộ hơn 10 km đến trường.
Giống như những đứa trẻ nông thôn khác, cô bé làm những công việc như: cho lợn ăn, đốn củi, lấy nước. Nhìn thân thể nhỏ bé mỏng manh run rẩy đi xuyên qua núi lớn, ai thấy cũng xót xa. Nhưng chỉ cần đến lớp cầm sách giáo khoa lên, đôi mắt Bách Quyên lại lấp lánh niềm vui...
Tất cả điều này là bởi vì cô gái trẻ muốn được đi học ở Bắc Kinh. Chỉ bằng cách này mới có thể kiếm được đủ tiền, mì ăn mãi không hết... Mã Bách Quyên đã cố gắng hết sức, nhưng chỉ để sống một cuộc sống bình thường.
Cha mẹ là điểm khởi đầu của cuộc sống của đứa trẻ, dưới sự tương phản của Viên Hàm Hàn và Mã Bách Quyên, điều này thể hiện đầy đủ.
Vậy, cuộc sống của Mã Bách Quyên có được “đảo ngược” không? Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, ba năm sau, cô gái bỏ học và kết hôn. Do giáo dục hạn chế của địa phương, Mã Bách Quyên ngay cả khi học tập nghiêm túc hơn thì thành tích cũng không theo kịp các học sinh nơi khác. Ngay khi Bách Quyên nản lòng thoái chí, anh trai cô không ngừng giội gáo nước lạnh: "Học không tốt còn lãng phí tiền đọc sách làm gì?".
Đáng tiếc hơn, một khán giả ở Canada đã xem câu chuyện của Mã Bách Quyên ba năm trước và quyết định tài trợ cho việc đi học của em, nhưng người cha vì ngại làm thẻ ngân hàng quá rắc rối nên đã từ chối.
Cho dù bị áp lực phải bỏ học, Mã Bách Quyên vẫn không cam lòng, kiên trì vào thành phố tìm việc làm. Nhưng vì tuổi còn quá nhỏ, không biết sử dụng máy tính nên nhiều lần bị từ chối. Trên đường về nhà, đi qua một cây cầu đá, cô bé dựa vào một cách tuyệt vọng và cúi đầu...
So với Mã Bách Quyên và Viên Hàm Hàn, trường hợp của Từ Giai lại là một câu chuyện khác. Từ Giai sinh ra trong một gia đình công nhân. Ở tuổi 19, cậu đã thi đại học trong hai năm nhưng vẫn không khả quan.
Từ Giai
Nguyện vọng lớn nhất của cha Từ Giai trước khi chết chính là thấy con thi đậu đại học. Người cha ở trong thành phố làm việc chịu khổ cực, biết rõ chỉ có đọc sách mới là lối thoát thay đổi vận mệnh.
Di nguyện của cha, mong đợi của mẹ là động lực của Từ Giai, cũng là áp lực.
Trong thời gian học lại, Từ Giai từng căng thẳng đến mức đầu trống rỗng, lòng bàn tay đổ mồ hôi, thậm chí từng nghĩ đến việc tự sát. May mắn cậu được mẹ hết lòng hỗ trợ.
Từ Giai nhiều lần thất bại, người mẹ không trách cứ mà tin tưởng, cổ vũ con thử thêm 1 năm. Rốt cục, vượt qua khó khăn, Từ Giai nhận được thư thông báo trúng tuyển đại học, mang đến hy vọng cho cả nhà.
Một số người nói rằng đối với người nghèo, kỳ thi tuyển sinh đại học là cuộc thi tương đối công bằng duy nhất. Trong giáo dục con cái, nhận thức, kiến thức và mô hình của cha mẹ, quyết định tương lai cuộc sống của đứa trẻ.
Cha mẹ Từ Giai biết rõ đọc sách mới là vũ khí mạnh nhất để đọ sức với vận mệnh, cho nên họ chọn một con đường mà người trong thôn đều không hiểu, đó là cho con học thành tài. Nhưng cũng không thể đổ lỗi cho cha của Mã Bách Quyên vì con người không thể đưa ra quyết định vượt quá nhận thức của mình. Vì vậy, chỉ bằng cách làm cho tầm nhìn mở mang hơn, họ mới có thể vượt qua những khó khăn, đưa đứa trẻ đến với lý tưởng.
Đích đến từ nỗ lực của mỗi người
Thời gian trôi qua, ai cũng tò mò cuộc sống hiện tại của ba đứa trẻ ra sao. Khi đoàn làm phim đến nhà Mã Bách Quyên tiếp tục quay phim, người cha từ chối: "Cho 20.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 70 triệu đồng) thì tiếp tục quay, không cho thì đừng dây dưa nữa”. Mã Bách Quyên lần cuối cùng xuất hiện trên máy quay là hình ảnh ưỡn bụng, đứng dựa vào tường nói chuyện cùng với những thai phụ trạc tuổi.
Cô đã kết hôn với người anh họ của mình.
Trong khi đó, Từ Giai trở thành "tinh hoa" nơi làm việc, theo đúng mong muốn của mẹ: đi học đại học, làm việc trong thành phố, mua xe hơi, mua nhà, hoàn toàn thoát khỏi "mác" nông thôn. Nhưng sau khi có tất cả, anh lại loáng thoáng cảm thấy có gì đó không ổn.
Ví dụ, khi nghèo anh muốn đi xe đạp ở Tây Tạng. Khi ấy tiền không có, tất nhiên không thể làm được. Nhưng khi có tiền, nguyện vọng này cũng không thể làm. Sau khi kết hôn và sinh con, trọng trách tiếp theo của Từ Giai là xây dựng tổ ấm và nuôi dạy con cái. Mỗi ngày anh phải chăm chỉ làm việc, không dám đổ bệnh cũng không dám nghỉ phép. Anh nỗ lực thay đổi vận mệnh của mình, lại hoang mang tự hỏi, rốt cuộc cố gắng này là vì mình, hay là vì người khác?
Còn Viên Hàm Hàn trong thời gian du học đi khắp châu Âu, đã thi vào Học viện nghệ thuật theo lời của mẹ. Sau đó, thấy ở Đức quá nhàm chán, cô chọn trở về Bắc Kinh làm nghệ thuật, rồi mở công ty riêng. Nhưng bản thân cô vẫn thấy cuộc sống mình vô vị, chưa tìm thấy điều gì thật sự ý nghĩa cho bản thân.
Đạo diễn Trịnh Quỳnh cho biết, trải nghiệm của ba đứa trẻ này, bản thân cô đều từng trải qua: Cũng xuất thân từ nông thôn, trải qua 3 kỳ thi tuyển sinh đại học, cuối cùng vẫn không thi đậu; sau đó đến Bắc Kinh làm việc chăm chỉ, có cuộc sống tự do.
Nhưng hạnh phúc thực sự không phải là giàu có, hoặc thay đổi "tầng lớp". Nếu Mã Bách Quyên trúng một tờ vé số trở thành Từ Giai, Từ Giai thông qua đấu tranh của bản thân trở thành Viên Hàm Hàn, vấn đề và hoang mang của họ cũng sẽ không biến mất.
Mỗi người trên đời này không ai có thể quyết định được nơi mình sinh ra. Cha mẹ là vạch xuất phát của con cái, tầm nhìn của cha mẹ ảnh hưởng tương lai đứa trẻ. Tuy nhiên, cho dù được sinh ra trong “nhà kính” hoặc trên vách đá, mỗi hạt giống đều cần đấu tranh để đi lên và nở loài hoa của riêng mình. Cơ hội đến thì hãy nắm lấy, nhưng chờ mãi không có thì hãy tự tạo nên. Ngay cả khi số phận không công bằng, nỗ lực sẽ mang đến hy vọng.
Và có lẽ, tìm thấy sứ mệnh và giá trị của riêng mình mới là "hành trình vào đời" thành công và hạnh phúc thực sự.