Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên có gây xáo trộn?
Nhiều trường chuyên khẳng định tính phù hợp của quy định mới: Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Việc này sẽ không gây xáo trộn nhiều tới hoạt động dạy học, đội ngũ, đặc biệt với các trường chuyên tại địa phương.
Đúng mục tiêu, sứ mệnh
Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT ngày 28/2/2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên đã xác định: “Trường chuyên dành cho học sinh đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”. Căn cứ mục tiêu này, theo thầy Phan Ngọc Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bến Tre, tỉnh Bến Tre, việc không duy trì lớp không chuyên trong trường THPT chuyên là phù hợp và cần thiết.
"Có ý kiến cho rằng, mặc dù các lớp không chuyên trong trường chuyên đã đáp ứng nhu cầu học tập của một bộ phận học sinh và đặc biệt thỏa mãn tâm lý “đề cao trường chuyên” của phụ huynh, nhưng học sinh các lớp không chuyên thường bị định kiến “học sinh hạng hai”, không ít học sinh phải chịu áp lực tâm lý, mặc cảm khi học các lớp không chuyên. Hiện nay, Trường THPT chuyên Bến Tre, tỉnh Bến Tre có 24 lớp, với 717 học sinh và hoàn toàn là học sinh chuyên vì nhà trường không tổ chức lớp không chuyên”, thầy Phan Ngọc Trọng cho hay.
Thầy Phan Ngọc Trọng cho rằng: Việc duy trì các lớp không chuyên trong trường chuyên có 2 hạn chế. Thứ nhất, làm giảm chất lượng học tập chung của học sinh chuyên. Thứ hai, từ thực tế đó sẽ dẫn đến nguy cơ tiêu cực trong tuyển sinh đầu vào lớp 10 các trường chuyên THPT.
Trên thực tế, tại các tỉnh, thành hiện nay, nhiều trường học có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo tốt nên không nhất thiết phải mở lớp không chuyên trong trường chuyên chỉ để tận dụng lợi thế này. Quy chế trường chuyên cần tập trung thay đổi để vận hành theo đúng mục tiêu, sứ mệnh của nó từ khi ra đời, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, không mở các lớp không chuyên trong trường chuyên vẫn có mặt chưa được, vì một kỳ thi tuyển sinh không thể đánh giá chính xác tuyệt đối năng lực của học sinh. Nhắc đến điều này, thầy Phan Ngọc Trọng cho biết, có những em sơ xuất, làm bài chưa tốt nên bị trượt, dù có năng lực và điểm xấp xỉ ngưỡng trúng tuyển.
Vì vậy, việc mở lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ trao cơ hội cho những học sinh này. Các em sẽ được trải nghiệm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chất lượng như một học sinh chuyên. Hằng năm, trường vẫn xét thành tích của học sinh tại lớp không chuyên, nếu đạt điều kiện có thể được chuyển lên lớp chuyên. Ngược lại, học sinh không theo kịp chương trình chuyên được cân nhắc chuyển về lớp không chuyên.
“Phù hợp với sứ mệnh trường chuyên” là quan điểm chung của nhiều thầy cô trước điểm mới “không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”. Tương tự thầy Phan Ngọc Trọng, thầy Ngô Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai cũng nhắc đến mục tiêu của trường THPT chuyên trong Thông tư 05 và cho rằng, lớp không chuyên trong trường chuyên không cần thiết.
Nhiệm vụ tổ chức các lớp nên giao cho các trường đại trà sẽ phù hợp hơn. Thầy Hoàng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, tỉnh Ninh Bình bày tỏ đồng tình khi tách bạch nhiệm vụ trường chuyên như trong quy chế mới. Nhà trường hiện không có lớp không chuyên nên triển khai Thông tư rất thuận lợi.
Không lãng phí nguồn lực
Liệu có lãng phí nguồn lực (đội ngũ, cơ sở vật chất) nếu bỏ lớp không chuyên ở những trường đang nhiều năm mở các lớp này? Câu trả lời nhận được từ chính những người trong cuộc là: Không lãng phí.
Hiện nay, Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa, tỉnh An Giang có 36 lớp, trong đó 30 lớp chuyên, 6 lớp không chuyên, chia đều cho 3 khối lớp 10, 11, 12. “Việc không có lớp không chuyên theo tôi phù hợp và không lo lãng phí nguồn lực. Trường sẽ tuyển thêm các lớp chuyên bù vào các lớp không chuyên, vì vậy vẫn tận dụng tối đa đội ngũ, cơ sở vật chất tốt.
Thực tế, việc không tuyển sinh lớp không chuyên không gây khó khăn gì cho nhà trường, không ảnh hưởng đến đội ngũ, nguồn thu (nguồn thu chủ yếu từ ngân sách). Nhà trường cũng không có kiến nghị gì thêm liên quan đến quy định này”, thầy Hiệu trưởng Lê Đỗ Huy chia sẻ.
Tương tự với Trường THPT chuyên Lào Cai, theo thầy Ngô Thanh Xuân, khi không còn tổ chức lớp cận chuyên, nhà trường sẽ đề xuất tăng số lớp chuyên. Hiện nhà trường có 27 lớp chuyên và 3 lớp cận chuyên. Năm học tới, trường dự kiến đề xuất tăng 2 lớp chuyên Tiếng Anh và tương lai có thể tăng thêm lớp chuyên Tin hoặc lớp chuyên khác căn cứ nguồn tuyển của địa phương và xu thế thời đại. Việc này cũng không ảnh hưởng đến nguồn thu vì trường chuyên ở địa phương đều thu theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân, không phân biệt lớp chuyên và không chuyên.
Dự định làm đề án xin được tổ chức lớp không chuyên, nhưng khi có quy chế mới, Trường THPT chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng đã dừng lại việc này. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Minh Tú, nguyện vọng của phụ huynh muốn có lớp không chuyên vì sẽ tăng cơ hội cho con em vào trường chuyên, nơi có môi trường học tập tốt hơn. Tuy nhiên, tại Lâm Đồng, với đặc thù địa bàn nhỏ, lại có 2 trường THPT chuyên nên trường chuyên không tổ chức lớp không chuyên. “Hiện nhà trường đội ngũ ổn định, nên việc dừng dự kiến xin mở lớp không chuyên không ảnh hưởng gì đến nhà trường”, thầy Nguyễn Vũ Minh Tú cho hay.