Bỏ hành tây vào tất và đi qua đêm có giúp điều trị bệnh cúm không?
Hành tây là nguyên liệu nấu ăn quen thuộc trong bếp gia đình Việt. Theo quan niệm dân gian, hành tây được coi là vị thuốc kháng viêm, giảm đau khi nghẹt mũi do cảm lạnh, cảm cúm.
Vào mùa lạnh, virus và vi khuẩn có điều kiện phát triển mạnh mẽ gây cảm lạnh và cảm cúm với các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, sổ mũi, nhức đầu,... Ngoài các loại lá xông phổ biến như tía tô, hương nhu, bạc hà,... thì nhiều người truyền miệng bài thuốc bỏ hành tây vào tất và đeo qua đêm giúp giảm nhẹ triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ho và kháng khuẩn. Điều này có thực sự hữu ích không?
1. Bỏ hành tây vào tất và đeo qua đêm có giúp điều trị bệnh cúm không?
Các triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh được đề cập đến chủ yếu là ho, sổ mũi và nghẹt mũi.
Nguồn gốc của bài thuốc từ hành tây
Theo National Onion Association Hoa Kỳ (NOA), phương thuốc này có thể bắt nguồn từ những năm 1500 khi người ta tin rằng đặt hành tây sống hoặc cắt nhỏ để quanh nhà có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh dịch hạch. Vào thời điểm đó, người ta cho rằng bệnh nhiễm trùng lây lan qua khí độc hoặc không khí bị nhiễm khí độc hại. Sau này phát triển hành lý thuyết về sự chướng khí.
Ý tưởng này cũng được cho là bắt nguồn từ việc cho hành tây vào trong tất ứng dụng trong bấm huyệt của người Trung Quốc cổ đại. Các dây thần kinh ở bàn chân được cho là "cổng vào" của các cơ quan nội tạng. Hành tây rất giàu lưu huỳnh khiến chúng có mùi hăng đặc trưng. Theo dân gian, khi đặt lên lòng bàn chân, các hợp chất này sẽ ngấm vào cơ thể. Sau đó chúng tiêu diệt virus và vi khuẩn.
Một số quan niệm dân gian khác cũng đề cập tới việc đặt hành tây xung quanh phòng sẽ loại bỏ virus, độc tố và vi khuẩn trong không khí.
Nghiên cứu khoa học nói gì?
Tiến sĩ Kitty O'Hare, giám đốc y tế cấp cao về nhi khoa tại Duke Primary Care cho biết: "Hành tây được sử dụng như một phương pháp điều trị cảm cúm và cảm lạnh tại nhà đã có từ hàng thế kỷ trước. Có một số biến thể của bài thuốc này là sử dụng hành tây tươi, hành tây ngâm lấy nước nóng pha trà hay đun sôi hành tây với đường để làm siro,...".
Mới đây một loạt video xu hướng trên Tiktok nói về việc sử dụng nước ép củ hành tây có thể giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn, loại bỏ các triệu chứng như ho và nghẹt mũi. Khi được hỏi về vấn đề này, Tiến sĩ O'Hare cho biết, không có nhiều bằng chứng quá rõ ràng cho bài thuốc này.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ O'Hare, Tiến sĩ Jason Nagata, trợ lý giáo sư nhi khoa tại Đại học California, San Francisco cũng cho biết: "Tôi chưa biết đến bất kì nghiên cứu khoa học nào được chứng minh cho thấy có lợi ích từ nước hành tây với các triệu chứng hô gấp do cảm lạnh và cảm cúm. Một số người có thể cảm thấy hơi khác biệt sau khi uống nước hành tây. Nhưng nếu xét cho cùng thì hành sống rất hăng. Mùi hăng này có thể khiến bạn chảy nước mắt, chảy nước mũi và đôi khi là ho - nhưng điều này chỉ có tính tạm thời - có nghĩa là hành tây không thực sự làm giảm các triệu chứng để giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn".
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá bài thực hành bấm huyệt bàn chân của người Trung Quốc cổ đại cho thấy rằng có rất ít bằng chứng cho thấy bấm huyệt bàn chân là một phương pháp chính thức hiệu quả trong điều trị bệnh lý nào; thậm chí còn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên xét về mặt tổng thể thì chất lượng của những nghiên cứu này là rất thấp.
Một đánh giá năm 2002 về lợi ích của hành tây đối với sức khỏe cũng nói rằng, nhờ rất giàu lưu huỳnh nên thường được ứng dụng trong các biện pháp khắc phục tại nhà.
Hay nói cách khác, chưa có bất kì nghiên cứu khoa học nào xem xét về việc đặt hành tây trong phòng ngủ hay đeo vào lòng bàn chân tác động như thế nào tới việc hút các vi khuẩn, virus gây ra cảm cúm và cảm lạnh.
Tại sao hành tây không hoạt động như một chất hút vi khuẩn, virus?
Theo Very Well, hành tây không cung cấp môi trường tốt cho vi khuẩn hoặc virus sinh sôi hay phát triển. Ngay cả khi chúng ta giả thiết (mặc dù điều này là không thể về mặt khoa học) rằng hành tây có thể hút vi khuẩn, virus khỏi người bệnh, thì không có gì đảm bảo được củ hành tây có thể tiêu diệt những vi sinh vật này.
Còn thực chất, cơ thể bạn được vi khuẩn, virus coi là "vật chủ" với điều kiện môi trường sinh sôi phù hợp - nhưng rất may là cơ thể chúng ta đều có cơ chế chống lại sự xâm nhập và phát triển của chúng. Cụ thể, khi hệ miễn dịch nhận thấy có "vật lạ" xâm nhập, nó sẽ giải phóng các kháng thể tấn công lại - chính điều này gây ra phản ứng viêm và các triệu chứng mà bạn gặp phải khi nhiễm bệnh chẳng hạn như sự dư thừa chất nhầy, ho, đau họng và đau đầu.
2. Lợi ích sức khỏe từ hành tây
Mặc dù hành tây sống không được chứng minh là có thể chữa cảm lạnh hay cảm cúm khi đặt trong phòng, lòng bàn chân,... nhưng hành tây đem lại một số lợi ích sức khỏe khi ăn. Hành tây là thực phẩm ít calo, giàu chất xơ, giàu chất dinh dưỡng và vitamin C. Cụ thể:
- Giảm nguy cơ ung thư nhờ giàu hợp chất flavonoid
- Tăng cường miễn dịch
- Ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh tim mạch nhờ hợp chất organosulfur
- Tăng cường sức khỏe của da và tóc nhờ vitamin C giúp tăng sinh collagen cho làn da và mái tóc khỏe mạnh
- Giảm trầm cảm do hành tây chứa nhiều vitamin B9 (folate) có thể hiệu quả trong việc hỗ trợ các tình trạng sức khỏe tâm thần và nguy cơ như trầm cảm.
3. Cần làm gì để giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm?
Nếu bạn đang cân nhắc sử dụng hành tây để giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm thì có thể xem thêm các biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây:
- Uống trà với mật ong và chanh giúp làm dịu đau họng và mật ong được chứng minh rằng có tác dụng giảm ho hiệu quả
- Uống nước nóng với gừng tươi giúp giảm cảm giác buồn nôn do cúm
- Súc miệng bằng nước muối là biện pháp được chứng minh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Thuốc giảm sốt và đau nhức không kê đơn như paracetamol.
Nhìn chung, khi bị cảm lạnh hay cảm cúm, bạn cần theo dõi sự tiến triển của các triệu chứng. Thông thường, sẽ mất từ 5 đến 7 ngày để các triệu chứng giảm nhẹ và biến mất hoàn toàn; đôi khi cũng có thể cần nhiều hơn để tình trạng ho hết hẳn. Do nguyên nhân của bệnh là virus mà kháng sinh không có hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian bệnh. Khi áp dụng các biện pháp giảm nhẹ từ thiên nhiên, bạn cần thận trọng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.