Bố đuổi tôi về không cho ở viện nhưng khi tôi vắng mặt thì ông than thở “bị con cái bỏ bê”
Bao nhiêu năm rồi mà bố vẫn chỉ coi trọng con trai và gạt bỏ hết tấm lòng của con gái…
Bố tôi phát hiện mắc ung thư tuyến giáp đúng vào ngày sinh nhật 56 tuổi. Ông không thấy mệt mỏi hay đau nhức gì, chỉ là đi khám tổng quát xong vô tình biết bệnh thôi.
Hôm ấy cả nhà tôi nháo nhào lên. Mẹ tôi nghe tin xong bị tăng huyết áp, nằm giường mất nửa ngày. Bố tôi cũng sợ hãi, ông không còn tâm trạng để tham dự bữa tiệc mà con cháu tổ chức cho. Cả nhà hủy hết mọi kế hoạch để cùng bố vào viện. Sau khi nghe bác sĩ nói có thể điều trị được thì mọi người mới dám thở phào.
Từ lúc nhập viện đợi mổ là bố tôi cứ đòi con trai phải ở lại chăm. Anh tôi từ bé đã là “con cưng” của bố, là cậu quý tử mà ông luôn coi là nhất trên đời. Còn tôi với em gái út thì không được bố quan tâm nhiều lắm. Đối với ông, con gái là thứ “lỗ vốn”, nuôi mấy chục năm rồi cũng bỏ theo chồng mà đi.
Nhiều người chê bố tôi vì tư tưởng cổ hủ ấy lắm, thế nhưng ông vẫn thể hiện sự thiên vị lộ liễu với cậu con trai duy nhất. Chị em tôi đi học muốn có quần áo sách vở mới là toàn phải xin ông bà nội với mẹ. Riêng anh tôi thì chưa cần xin bố đã mua một đống, còn bảo chị em tôi dùng lại đồ cũ của anh. Tôi và anh học chung trường từ cấp 1 lên cấp 3. Vậy mà bố luôn đưa đón anh đi học, kệ cho tôi muốn đi gì thì đi.
Cả ông bà lẫn mẹ đều trách bố tôi vì cách hành xử trọng nam khinh nữ với chính con mình. Tuy nhiên bố tôi chẳng nghe ai hết, bố bảo sau này chỉ có con trai mới xây được sự nghiệp to lớn, sinh cháu chắt mang họ nhà mình. Chứ con gái thì khó học cao, có công việc ổn định rồi lấy chồng là hết chuyện.
Dù được bố cưng chiều như vậy song anh tôi lại không hề vui. Ngược lại tôi thấy anh sống khá mệt mỏi, lúc nào cũng bị kỳ vọng và lời khen của bố đè nặng lên vai. Anh không hề xuất sắc toàn diện như bố hay mang khoe với người khác. Cơ bản thì tôi biết anh chỉ thích chơi thể thao, ước mơ sau này mở một tiệm cafe thơ thơ chứ chẳng muốn làm đại ca hay giám đốc gì hoành tráng.
Vì bố dồn hết mọi thứ vào nuôi dạy anh trai nên cuối cùng anh đành phải phấn đấu lên chức Phó phòng ở một công ty viễn thông. Ngoài ra, để vừa lòng bố hơn và đạt chuẩn hình mẫu “con nhà người ta” thì anh tôi buộc phải kết hôn với một cô gái do bố tôi giới thiệu. 2 nhà môn đăng hộ đối, chị dâu cũng xinh và giỏi. Anh tôi không yêu vợ từ đầu nhưng cũng có cảm tình với nhau, anh chị lúc nào cũng “tương kính như tân” và có cuộc sống hôn nhân khá êm đềm.
Mọi người sẽ thắc mắc sao thế kỉ 21 rồi mà còn có chuyện cha đặt đâu con ngồi đấy đúng không? Vẫn tồn tại nghịch cảnh như thế đó, vì anh tôi quá nhu nhược nên chẳng dám cãi lời bố bao giờ. Nhiều lúc thấy anh bị bố chỉ đạo làm việc này việc kia, tôi lại thấy may vì mình là một đứa con gái.
Năm ngoái chị dâu mang thai con đầu lòng. Khi đưa vợ đi siêu âm, biết sắp sửa đẻ ra một nàng công chúa thì anh trai tôi vô cùng sầu não. Không phải vì anh tôi phân biệt giới tính, mà anh sợ hãi nghĩ đến việc em bé sẽ bị ông nội thờ ơ. Nếu nó là con trai thì có thể được yêu thương hơn. Chứ là con gái thì anh biết chắc nó sẽ bị thiệt thòi.
Và kết quả không ngoài dự đoán. Bố tôi tỏ vẻ thất vọng khi không có cháu đích tôn như mong muốn. Chị dâu chưa đẻ con mà bố tôi đã giục chửa thêm đứa nữa, sinh đến khi nào “có thằng nối dõi tông đường mới thôi”. Vì chuyện này mà lần đầu tiên trong đời anh tôi phản kháng lại bố. Họ cãi nhau ầm ĩ cửa nhà, và anh tôi dọa sẽ đem vợ con bỏ đi nếu bố gây áp lực tiếp.
Tính cách thiên vị của bố tôi không thay đổi, song vì sợ mất con trai nên ông đành nhượng bộ không dám đòi hỏi gì nữa. Từ lúc chị dâu sinh xong thì anh tôi cũng hơi khác lạ. Thái độ anh trầm tĩnh hơn và có vẻ cứng rắn hơn trước, không phải kiểu bố bảo gì cũng nghe nữa.
Đến hôm bố nằm viện chuẩn bị mổ ung thư thì anh tôi mới quan tâm ông nhiều hơn một chút. Bố đòi anh chăm thì anh cũng xin nghỉ phép để ngủ lại trong viện. Anh bảo tôi cứ yên tâm đi làm, ở nhà giúp đỡ chị dâu và mẹ thay anh.
Trưa nay tôi mang cơm vào viện cho bố và anh. Bố đã ăn uống được bình thường, đỡ đau và hồi phục khá tốt sau ca mổ. Trông bố liên tục 4 ngày nên anh tôi bơ phờ mệt mỏi, thiếu ngủ nên mắt trũng sâu. Thấy thương anh nên tôi bảo về nghỉ một hôm để em trông cho. Nào ngờ anh chưa kịp trả lời thì bố tôi đã xua tay từ chối. Ông không muốn tôi chăm, lấy lý do là con gái trông bố bất tiện nọ kia. Tôi quá quen với kiểu đó rồi nên chẳng nói gì nữa.
Lát sau khi anh mang đồ của bố đi giặt thì tôi cũng đem hoa quả đi rửa. Khi ôm rổ táo về lại cửa phòng bệnh thì tôi nghe tiếng bố nói chuyện với mấy người giường bên. Họ hỏi sao có mỗi mình bố nằm đó. Ông chẹp miệng than thở mấy câu khiến tôi đắng lòng.
- Khổ lắm các bác ạ. Có mỗi thằng con trai, nó đang làm phó phòng mà phải nghỉ để chăm tôi. Còn 2 đứa con gái thì chả trông cậy được gì. Cả ngày chúng nó vào nhìn bố có tí xong lại về.
Thế là mọi người xung quanh lắc đầu kêu tội nghiệp bố tôi. Đang cơn cao hứng nên bố tôi than thêm vài câu nữa, đại loại kiểu đẻ con gái chán lắm, nuôi cho lớn rồi bỏ bê phụ huynh. Nghe đến đây thì tôi đau lòng quá, thấy tổn thương và tự ái nên lẳng lặng đặt rổ táo lại bên giường bố rồi bỏ về.
Tôi biết bố không hề lú lẫn nói linh tinh. Chỉ đơn giản là bao năm qua ông chưa từng coi trọng con gái mình thôi. Dù tôi thương bố hay không, biết ơn bố hay không thì với ông cũng chẳng là gì hết...