Bố đến tận trường bắt cô giáo quỳ xuống để xin lỗi: Rồi đây con trẻ sẽ học được gì từ người lớn?
Sự việc cô giáo B.T.C.N phạt học sinh quỳ gối trong giờ học, sau đó bị chính phụ huynh học sinh yêu cầu quỳ gối để xin lỗi đã tạo ra nhiều luồng phản ứng trái chiều trong những ngày qua. Ai đúng, ai sai còn chưa ngã ngũ, nhưng chắc chắn một điều rằng thiệt thòi nhất vẫn là các em học sinh…
( * Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm của độc giả A.T)
Xin đừng lấy danh nghĩa "yêu cho roi cho vọt"
Chẳng thể phủ nhận, thời của chúng tôi, đứa trẻ nào chẳng lớn lên với vài trận đòn roi, nhưng không phải vì lẽ đó mà chúng ta ủng hộ và hô hào "phương pháp" giáo dục này ở thời nay. Không vì lẽ đó, mà chúng ta lấy việc đòn roi với con cái, với học sinh là lẽ đương nhiên. Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi từ bao giờ trở thành cái lý mà rất nhiều người lớn vẫn vin vào để biện minh cho việc giáo dục bằng bạo lực?
Đòn roi không làm nên nhân cách con người, phải chăng nó chỉ thể hiện rằng người lớn chúng đang bất lực khi giao tiếp với con trẻ. Có không ít bình luận của cộng đồng mạng cho rằng trò hư thì cô phải đánh, vì "miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời" cơ mà. Nhưng hình như chúng ta quên mất rằng, đây là môi trường sư phạm.
Trường Tiểu học Bình Chánh - Nơi xảy ra sự việc đau lòng.
Trò sai, thầy cô phạt - điều này chẳng sai, vấn đề là phạt thế nào, dùng phương pháp giáo dục văn minh nào để các em có thể tiếp thu, nhận ra cái đúng và sửa sai? Chắc chắn đó sẽ không phải những trận đòn roi hay mỗi lần quỳ gối! Bắt các em quỳ xuống trước lớp đi ngược lại nguyên tắc giáo dục và phát triển con người.
Đây không còn là bạo lực thể chất nữa mà nó thực sự đã là bạo lực tinh thần. Cảm giác mình kém cỏi, thua thiệt thậm chí có thể sẽ theo đứa trẻ đến suốt cuộc đời, sẽ dai dẳng và làm hao mòn í chí của chúng. Rồi đây, rất có thể em sẽ là một đứa trẻ luôn cúi đầu vì mặc cảm, vì sợ hãi. Liệu khoảnh khắc cô bắt em quỳ xuống, cô có nghĩ đến hậu quả này không?
Trong một môi trường sư phạm và nhân văn, khi chúng ta luôn đề cao việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thì thiết nghĩ các thầy cô hãy hòa mình vào các bé, hãy nhìn góc nhìn của trẻ thơ và hãy tìm ra phương pháp giáo dục đúng. Chỉ khi bỏ đi những định kiến rằng chúng chỉ là "trẻ hư", "cần phải được dạy dỗ", "nói nhẹ không nghe"… thì khi đó các thầy cô mới trở thành người đồng hành với các em, nâng đỡ các em bằng vốn quý, bằng kĩ năng sư phạm của mình.
Hãy để con trẻ được sống trong môi trường sư phạm và những hành xử văn minh!
Ông T cùng đại diện Hội Cha mẹ học sinh trường Tiểu học Bình Chánh đã đến trường và yêu cầu cô N quỳ xuống xin lỗi ngay khi biết tin con bị cô giáo phạt, sợ hãi và không dám đến trường. "Cô bắt học sinh quỳ bao lâu thì cô quỳ như thế" không khác nào xây nên một bức tường không thể xóa bỏ với cô N. Bức tường của sự nóng nảy, bạo lực và đi xa khỏi hai chữ nhân văn.
Trường học đáng lẽ phải là nơi công tâm và minh bạch, vậy mà từ bao giờ bỗng biến thành nơi để "ăn miếng trả miếng" như vậy? Nếu con tôi bị bắt phạt quỳ, tôi chắc chắn sẽ đau lòng và phẫn nộ cùng cực. Bởi những ký ức tổn thương hằn lên tâm hồn con, biết bao giờ mới lành?
Tôi hiểu cảm xúc của bố cháu bé, nhưng tôi sẽ không bao giờ hiểu cho hành động của anh. Rồi cháu bé sẽ học được gì từ hành động của cha mình? Phải dìm đối phương xuống như cách họ đã làm với mình thì mới gọi là quân tử trượng nghĩa ư?
Minh họa: Internet.
Để giáo dục một đứa trẻ nên người không thể chỉ dựa vào mỗi trường học. Môi trường bé lớn lên còn có gia đình, bạn bè, làng xóm, động vật, thiên nhiên... Mỗi người là một mắt xích trong chuỗi hành trình tạo nên nhân phẩm của con người. Cô giáo bắt quỳ, cha bắt cô giáo quỳ lại - chuỗi mắt xích xấu xí này, dù ít dù nhiều sẽ ảnh hưởng đến con trẻ. Và cũng chỉ có con trẻ là người thiệt thòi nhất trong chuỗi sai lầm của người lớn.
Cô giáo bắt học sinh quỳ mà "quên" đi hậu quả để lại. Cha mẹ chưa bình tĩnh trò chuyện với cô để biết ngọn ngành đã nặng lời để thỏa cơn tức giận của bản thân. BGH chưa nỗ lực để hàn gắn đã bỏ lại 2 nhân vật trong ngôi trường của chính họ. Đã đến lúc, chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại vai trò của mình nằm ở đâu trong việc giáo dục những đứa trẻ? Cách hành xử thế nào giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường mới là thoả đáng? Câu hỏi vẫn nên để cho người trong cuộc trả lời thì hơn!