“Bình thường mới” ngồi ngẫm lại cái lợi của giãn cách: Tự nhiên đã “tranh thủ” chữa lành?

Triêu Dương ,
Chia sẻ

Giãn cách xã hội có lẽ đã trở thành từ khóa của thế kỷ và trong chúng ta không ai mong muốn phải trải qua điều này.

Đến nay dịch COVID-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát. Trước đó, cả 2 thành phố lớn nhất cả nước đều trải qua nhiều tháng “đóng cửa”, giãn cách xã hội chặt chẽ để khống chế dịch. Kể từ làn sóng dịch đầu tiên hồi cuối tháng 12/2019 đến nay, chúng ta đã trải qua 4 đợt dịch với tổng thời gian phải cách ly xã hội kéo dài nhiều tháng.

Những đợt giãn cách cùng với chiến lược chống dịch hiệu quả đã giúp cuộc sống về với “bình thường mới”. Còn với tự nhiên, khoảng thời gian đó dường như lại có những lợi ích bất ngờ. Trong lúc cả thế giới “thu mình lại” bằng những đợt lockdown, tự nhiên cũng tự “chữa lành”, có những chuyển biến tích cực.

Cá heo hồng và sự chữa lành của biển cả

Vào khoảng tháng 9/2020, một đàn cá heo xám khoảng gần 100 con được phát hiện bơi lội ở vùng đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nhiều thông tin cho biết, trước kia, vùng biển Bình Thuận từng có cá heo bơi gần bờ nhưng không thường xuyên, không phải ai cũng có cơ hội được nhìn thấy, chứ chưa nói cả đàn.

Cho đến khoảng cuối năm 2020, chúng đột nhiên xuất hiện nhiều hơn.

Không ít quan điểm cho rằng, dịch Covid-19 làm hạn chế các hoạt động du lịch, đánh bắt nên vùng biển yên tĩnh mới có nhiều cá heo xuất hiện như vậy. Đặc tính cá heo thường bơi theo đàn, chỉ cần tàu thuyền, con người lại gần chúng sẽ bơi đi rất nhanh. Bởi vì hiếm gặp, cũng theo quan niệm của ngư dân, khi ra khơi, nếu gặp cá heo là điềm cực kỳ may mắn.

Ngày 21/8/2021, tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng xuất hiện một cá thể cá heo lưng gù Thái Bình Dương (cá heo hồng). Tại nước ta, cá heo hồng từng xuất hiện ở vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng và Khánh Hòa. Cá heo hồng rất lâu không được nhìn thấy tại vùng biển Hải Phòng và chúng cũng ít khi xuất hiện gần những vùng con người sinh sống. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, cá heo hồng hiếm thấy xuất hiện là “điềm báo may mắn, an lành, báo hiệu mùa bội thu tôm cá”.

Cá heo hồng xuất hiện tại vùng biển Hải Phòng trong thời gian giãn cách.

Loài cá heo hồng này quý hiếm, hiện đang nằm trong sách đỏ của Việt Nam và chúng đã không xuất hiện trong một thời gian dài. Nằm trong tình trạng nguy cấp, cá heo hồng có nguy cơ biến mất hoàn toàn vì ô nhiễm môi trường do con người gây ra.

Thời điểm cá heo hồng xuất hiện cũng là lúc nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc trong đó có Hải Phòng đang thực hiện giãn cách xã hội. Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại diện Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, sự xuất hiện của cá heo hồng phần nào cho thấy sự phục hồi tích cực của hệ sinh thái vùng biển.

Biển Vũng Tàu trong lành, xanh mát bất ngờ trong khoảng thời gian giãn cách.

Những dấu hiệu tích cực cũng xuất hiện ở Vũng Tàu. Thời điểm thành phố này thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, bãi biển không bóng người và nước biển cũng không đục ngầu như trước đó, trong xanh hơn một cách rõ rệt. Một bộ ảnh bãi biển Vũng Tàu sau 3 tháng giãn cách đã gây bất ngờ lớn trên các diễn đàn du lịch thời điểm đó.

Nhiều bằng chứng về sự “chữa lành” của tự nhiên trong đại dịch

Không chỉ ở nước ta, vào tháng 10/2020, người dân Hồng Kông bất ngờ chứng kiến một đàn cá heo hồng trên biển vào thời điểm nơi này đang phong tỏa vì dịch Covid-19. Các cá thể cá heo hồng quý hiếm đang ở lâu hơn tại vùng biển Châu Giang với số lượng nhiều hơn trước, nhờ lưu lượng giao thông trên biển giảm và môi trường biển “thân thiện và hiếu khách” hơn khi phong tỏa vì đại dịch.

Cũng giống với sự thanh lọc của vùng biển Vũng Tàu, thiên nhiên Italy cũng bỗng nhiên đẹp nao lòng hơn trong mùa dịch Covid-19. Ở Venice, vào đầu tháng 3, sau khi Thủ tướng Italy phát lệnh phong tỏa cả nước, nước tại các kênh rạch bắt đầu trong hơn, nhìn thấy rõ đàn cá bơi dưới nước. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhận định là do một phần tác động bởi việc cấm các hoạt động đường thủy, giảm lượng lớn chất thải vào các con kênh.

Hệ thống kênh rạch tại Venice trong xanh và nhìn thấy rõ đàn cá bơi tung tăng.

Những con chuột lang nước vốn được coi là “thánh nhút nhát” chọn đầm lầy làm nơi trú ngụ nay “đột kích” thẳng vào các khu vườn của hội nhà giàu Argentina. 

Còn ở Nam Phi, người dân có lẽ chưa bao giờ nghĩ mình lại được chứng kiến cảnh những con chim cánh cụt tự do đi dạo trên đường ven bờ biển. Sự “tham nhũng" lãnh thổ của con người ở châu Phi đã khiến báo hoa mai mất đi 60% nơi kiếm ăn của chúng. Khi vắng bóng con người, chúng đã thay đổi thói quen kiếm ăn, chúng “chơi lớn" hơn khi đi săn vào ban ngày.

Động vật hoang dã "thăm thú" đường phố trong lúc con người giãn cách tại nhà.

Số lượng báo con ở Maasai Mara sống sót giảm mạnh khi chúng không...nghe được tiếng gọi của mẹ mình. Quá nhiều tiếng ồn đến từ xe cộ, radio, tiếng trò chuyện của con người. Sự huyên náo ồn ào đó làm lấn át đi tín hiệu tự nhiên của loài báo cần để sinh tồn. Không nghe được tiếng báo mẹ gọi, báo con buộc phải đối diện với nhiều kẻ thù như linh cẩu hay sư tử.

Dẫu biết, sống chết là chuyện cân bằng của tự nhiên, nhưng việc con người làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn của báo săn cũng khiến số lượng loài này giảm mạnh. Khi tạm thời không bị con người quấy rầy, giữa thảo nguyên rộng lớn, trống vắng ấy, chỉ sau vài tiếng gọi, báo con đã nghe được tiếng gọi của mẹ. Và nhờ đó, chúng cũng sống sót được nhiều hơn.

Tầng ozon phục hồi nhanh hơn dự kiến đến 15 năm

Đại dịch Covid-19 đại diện cho cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe lớn nhất mà chúng ta đã phải trải qua trong nhiều thập kỷ. Việc lockdown đã tạm thời làm giảm tác động ô nhiễm lên hệ sinh thái. Trong thời gian này, không chỉ thiên nhiên, hệ sinh thái đang có dấu hiệu chữa lành, mức độ ô nhiễm không khí cũng được giảm đáng kể.

Theo thông tin từ Cục biến đổi khí hậu Bộ tài nguyên và môi trường, ước tính của NASA cho thấy mức độ ô nhiễm tầng ozon trong tháng 5,6/2020 giảm 2% do khí thải ở khu vực châu Á và Mỹ giảm. Con số này vô cùng nhỏ nhưng chúng tương đương với ít nhất 15 năm phục hồi giảm thải.

Sau khi hàng triệu người buộc phải ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội để làm chậm sự lây lan virus, vệ tinh của NASA đã phát hiện nồng độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc sụt giảm nhiều. Ví dụ trực quan khi các vệ tinh đo nồng độ nitơ dioxide từ xe cộ và hoạt động công nghiệp trong hai tháng tại Vũ Hán có sự khác biệt đậm nét.

“Bình thường mới” ngồi ngẫm lại cái lợi của giãn cách: Tự nhiên đã “tranh thủ” chữa lành? - Ảnh 5.

Một đất nước điển hình chịu tổn thất do ô nhiễm nặng nề như Ấn Độ đã cho thế giới nhìn thấy quang cảnh đáng kinh ngạc sau 12 ngày phong tỏa. Ngay cả người dân Ấn Độ, lần đầu tiên trong đời, họ cũng đã được thấy dãy Himalaya cách mình hơn 200km ẩn mình sau sương mù đặc quánh suốt 30 năm bỗng nhiên hiện ra.

Tính đến ngày 19/8/2021, ở nước ta, chỉ số AQI ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh lần lượt là 43 và 62. Trong khi đó, vào hai tháng đầu năm 2020, chỉ số AQI TB của Hà Nội và TP.HCM đều nằm trong khoảng 100-150. Điều này cho thấy, mức độ ô nhiễm, giãn cách xã hội cũng đã góp phần giảm thiểu chỉ số ô nhiễm không khí đáng kể.

Mặc dù những dấu hiệu tích cực về hệ sinh thái là tạm thời, nhưng đó cũng là một chút an ủi cho hệ sinh thái xanh và chất lượng không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta.

Tự nhiên đã luôn che chở cho con người, giờ là lúc chúng ta cần hành động

Việc một bãi biển, một khu du lịch đóng cửa, những chuyến xe - chuyến tàu ít hoạt động hơn có thể là một chuyện không lớn với bạn, nhưng lại có thể tạo ra sự thay đổi lớn với tự nhiên. Suốt hàng triệu năm của lịch sử loài người, tự nhiên như một người mẹ đã luôn che chở cho con người chúng ta, hết lần này đến lần khác. Và giờ là lúc chúng ta cần hành động.

"Sống xanh" có lẽ là từ không còn mấy xa lạ, và sống xanh cũng không phải câu chuyện vĩ mô xa vời. Sống xanh đến từ những việc làm nhỏ bé, từ những chiếc túi giấy, những cái guồng chân trên chiếc xe đạp, hay cái khựng lại khi xả rác...

Bình thường mới, hãy đối xử một cách "mới" và lành mạnh hơn với mẹ tự nhiên nhé bạn.

Chia sẻ