"Biết là vất vả nhưng tôi vẫn khao khát cho con học trường chuyên" - Chia sẻ nhận được nhiều sự đồng tình của một bà mẹ

Thanh Hương,
Chia sẻ

"Con người dù trong lứa tuổi, hoàn cảnh nào cũng nên có một chút áp lực để phấn đấu, cố gắng và trưởng thành", chị Hồng Thắm chia sẻ.

"Trường chuyên lớp chọn" luôn là một chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm, tranh luận. Phải nói rằng, "trường chuyên" là mơ ước của rất nhiều học sinh và phụ huynh, bởi phải nói thẳng, muốn thi vào môi trường này, các em phải có học lực thật sự tốt. Tuy nhiên những năm gần đây, cũng có một số ý kiến phản đối trường chuyên, vì cho rằng nó gây bất bình đẳng trong giáo dục, hay "học sinh trường chuyên là "mọt sách", "gà công nghiệp",...

Vậy với những người trưởng thành từ trường chuyên, họ suy nghĩ gì, cảm nhận ra sao về môi trường học của mình? 

Chị Hà Hồng Thắm, hiện là giáo viên môn Ngữ Văn tại Hà Nội. Thời cấp 3, chị từng theo học tại trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ). Con gái chị, em Nguyễn Học Hà Nguyên cũng trưởng thành từ môi trường chuyên và đã tốt nghiệp THPT Chuyên Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội khóa 2020-2021. 

Mẹ chia sẻ lý do quyết cho con thi trường chuyên dù biết sẽ vất vả - Ảnh 1.

Chị Hồng Thắm.

Chị Hồng Thắm đã có một bài viết chia sẻ về những ngày tháng học trường chuyên của con và lý do vì sao, chị biết rằng học chuyên vất vả (từ chính trải nghiệm của mình) nhưng vẫn muốn con theo học. Bài viết của chị nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Được sự đồng ý của chị, xin được chia sẻ lại bài viết này như sau:

Học trường chuyên vất vả nhưng đó là trải nghiệm đáng thử

"Thế hệ trường chuyên 7x chúng mình giờ đều đã gần 50 tuổi. Đã qua tất cả các cung bậc của hỉ - nộ - ái - ố nhưng chắc chắn mình và các bạn đều rất yêu, tự hào về ngôi trường chuyên đã đào tạo, chắp cánh cho chúng mình. Có thể có những người bạn ngày ấy chưa thực sự thành công trong sự nghiệp, trong cuộc sống nhưng mỗi khi nghĩ về thầy cô, bạn bè và mái trường thì đều có những cảm xúc yêu thương, trân trọng. 

Và chắc chắn dù có không thành công ở lĩnh vực nào đó thì học sinh của tất cả các khoá mình biết đều trở thành những con người kiên cường và luôn cố gắng vươn lên với nền tảng đạo đức tốt. Đó là những điều chúng mình có, điều đó lớn lao vô cùng.

Xuất phát là cựu học sinh chuyên, hơn ai hết mình và bạn bè đều hiểu: Học chuyên rất vất vả nhưng chúng mình vẫn ước mơ, khao khát cho con được học trường chuyên. 

Có mâu thuẫn không? Có áp đặt không? Có "ác" với con không? Mình từng có tất cả những suy nghĩ, cảm xúc đó. 

Nói về con gái mình, sau một năm lớp 9 chiến đấu cật lực, con đã đỗ cả Ams, Chuyên Sư phạm, Chuyên Ngoại ngữ, trường Nguyễn Tất Thành. Trước đó con là cô bé lười học, bướng bỉnh, thậm chí khá nổi trong giới học sinh THCS khu vực Cầu Giấy. Thi thoảng, con lại bị đình chỉ học. Thời ấy, cứ mỗi khi thấy số điện thoại cô chủ nhiệm gọi là tim mình như thắt lại.

Rồi khi con trở thành học sinh Chuyên Ngoại ngữ, khi mới vào học con cũng có phản ứng dữ dội lắm, vì những quy định nghiêm khắc của trường. Và bởi một điều đặc biệt nữa là Chuyên Ngoại ngữ học 13 môn chuyên. Con xưa nay lười nên không thích phải vất vả như vậy.

Mẹ chia sẻ lý do quyết cho con thi trường chuyên dù biết sẽ vất vả - Ảnh 2.

Chị Hồng Thắm và con gái.

Thế nhưng sau khoảng một học kỳ, con đã khác. Học vất vả thật nhưng vừa học vừa chơi. Hà Nguyên rất thích thú với các hoạt động thực tế, hoạt động ngoại khóa sôi động của các câu lạc bộ. Con mình đã tham gia các CLB, dự án cho học sinh - sinh viên với nhiều vai trò như truyền thông, phiên dịch, ban tài chính (chuyên liên hệ với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để xin tài trợ cho hoạt động của dự án), dạy gia sư,... Thông qua các hoạt động dày đặc của lớp 10, con đã trưởng thành, không còn "trẻ trâu" như thời THCS. 

Có được sự trưởng thành đó, mình khẳng định nguyên nhân đầu tiên là do thầy cô, bạn bè của con đều vô cùng tuyệt vời. Con mình không dễ khen ai nhưng khi học trong trường con về hay khen các thầy cô. Con từng nhận xét "cô dạy GDCD của con trẻ, gầy gò, nhỏ bé nhưng con cảm thấy nghị lực và ý chí của cô thì vô cùng đáng khâm phục, cảm tưởng không có khó khăn, trở ngại nào có thể làm nhụt được ý chí của cô". Hay "Các thầy cô đều rất giỏi, đến như cô dạy thể dục cũng là vận động viên cấp Quốc gia và có nhiều huy chương vàng...". 

Nhóm bạn của con hay tự đi dã ngoại cùng nhau đến các làng nghề truyền thống quanh Hà Nội để chơi và tìm hiểu quy trình sản xuất, con đường sản phẩm đến tay người tiêu dùng như thế nào. Các con rất nhanh nhạy và trải nghiệm nhiều thứ, không hề "gà công nghiệp" như nhiều người vẫn nói về học sinh trường chuyên. Có lần các con rủ nhau bơi thuyền trên Hồ Tây, con về kể lại "Nằm trên thuyền ngửa mặt nhìn trời đất mênh mông, thấy yêu quê hương đất nước mình vô cùng". 

Nghe con nói vậy, mình quay đi che giấu giọt nước mắt xúc động. Có được điều đó chắc chắn là nhờ sự tác động vô cùng to lớn mà rất tế nhị của các thầy cô. Trong dịp các con học online do dịch, mình đã nghe cùng con một vài tiết học. Mình thấy thầy cô dạy vô cùng tâm huyết, khoa học. Mình được đào tạo nghề giáo dục và làm về giáo dục mà vẫn thấy cảm phục các thầy cô rất nhiều.

Mỗi người 1 quan điểm, 1 cách dạy con, 1 cách thương con khác nhau nhưng quan điểm của mình là: Con người dù trong lứa tuổi, hoàn cảnh nào cũng nên có một chút áp lực để phấn đấu, cố gắng và trưởng thành. Nếu không có chút áp lực hay đam mê nào thì khó có được sự sáng tạo và cũng khó thúc đẩy sự cố gắng. 

Vì thế khi con ôn thi trường chuyên, mình cũng xót con lắm nhưng mình đã cố giữ "cái đầu lạnh" để con không lùi bước trước khó khăn trong học tập. Đó là tiền đề để con không lùi bước trước những khó khăn trong cuộc sống sau này khi con trưởng thành.

Cho con học trường chuyên, ngoài kiến thức, tình thầy trò, tình bạn thì mình tin rằng, sự trải nghiệm là điều con có được hơn hẳn". 

Chia sẻ