Biên tập viên Ngọc Trinh: "Học quản lý tài chính cứ nhìn bác bán xôi đầu ngõ đã bán 50 năm, xây 3 cái nhà, 3 đứa con đi du học Mỹ"
"Một doanh nghiệp rất lớn, doanh thu rất cao nhưng bị nợ lãi và phạt thuế liên tục có khi không quản lý tài chính chắc bằng bác bán xôi đầu ngõ đã có 3 đứa con đi du học Mỹ", BTV Ngọc Trinh chia sẻ quan điểm về việc học hỏi từ mọi việc xung quanh mình.
Mới đây trong series podcast Chapter 0 do Rising Vietnam sản xuất, Biên tập viên (BTV) Dương Ngọc Trinh, người đã quen thuộc với khán giả truyền hình thông qua các chương trình về kinh doanh và đầu tư, đã chia sẻ nhiều quan điểm về việc học hỏi và trau dồi kiến thức, làm sao để có "khả năng kiếm tiền mênh mông và không giới hạn".
Trước hết, BTV tài chính này cho rằng có rất nhiều cách để học: học từ những người lớn hơn mình, từ những bộ quy trình, giáo án đã được thế giới chấp nhận, thậm chí có thể học từ trẻ con.
"Tôi nghĩ hành trình học không phải là một ngày 8 tiếng dành ra bao nhiêu thời gian để đi học, mà là trong 24 giờ mỗi ngày tôi sẽ chợt nhận ra khoảnh khắc nào là khoảnh khắc đáng để học hỏi.
Nếu đã thích học thì nhìn đâu cũng thấy có cái để học. Cũng giống như nếu bạn thích kiếm tiền thì nhìn đâu cũng ra tiền, là một người tiêu cực thì nhìn đâu cũng ra tiêu cực, một người cơ hội thì nhìn đâu cũng ra cơ hội", BTV Ngọc Trinh đưa ra góc nhìn.
Lấy ví dụ về chuyện "nhìn đâu cũng ra tiền", nữ BTV chỉ ra rằng một chiếc lá dại ngoài đường nếu vào tay một người có mắt thẩm mỹ tốt hoàn toàn có thể biến thành thứ có thể bán.
"Có cách để mình làm việc nhanh hơn, chính là dựa vào những điều đã được đúc rút từ rất lâu trong các giáo trình. Nếu biết những đúc rút đấy từ sớm thì việc áp dụng vào cuộc sống không mất nhiều thời gian nữa. Chưa kể nó có thể giúp mình hạn chế bớt những rủi ro sẽ gặp phải do không lường trước", BTV Ngọc Trinh cho hay.
Vì đã có nhiều năm kinh nghiệm đi làm, nên suy nghĩ của BTV Ngọc Trinh về việc đi học lên bậc cao hơn cũng có phần khác so với các bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, cô cho rằng giống hay khác không quan trọng bằng việc ra quyết định phù hợp với chiến lược riêng của mỗi người.
"Tôi không phải là người đi học nhiều. Như đã nói, tôi học trong tất cả các hoạt động xảy ra xung quanh mình. Đến khi nào tôi thực sự cần phải chuyên nghiệp hóa, hoặc thấu hiểu một công việc nào đó, lúc ấy tôi mới đi học.
Chiến lược của tôi là xây dựng kỹ năng trên mọi phương diện. Một bác bán nước mía mà tôi thấy kỹ năng sale tốt là quá xứng đáng để học hỏi.
Thực ra về quản lý tài chính và chi tiêu, bạn cứ nhìn bác bán xôi đầu ngõ đã bán tới 50 năm, xây được 3 cái nhà. Đấy là bậc thầy quản lý chi tiêu. Một doanh nghiệp rất lớn, doanh thu rất cao nhưng bị nợ lãi và phạt thuế liên tục có khi không quản lý tài chính chắc bằng bác bán xôi đầu ngõ có 3 đứa con đi du học Mỹ", BTV Ngọc Trinh lấy ví dụ.
Vì vậy, theo góc nhìn của nữ BTV, sự học nằm ở mọi nơi. Quan trọng nhất là mục đích đi học để làm gì.
"Đương nhiên mọi sự học đều được hoan nghênh, nhưng phải cân nhắc thật kỹ chiến lược của mình, vì mục đích lớn nhất của đi học chính là xây dựng nguồn vốn con người. Khi đã xây dựng được nguồn vốn con người của mình dày và bền vững, khả năng kiếm tiền của bạn mới là mênh mông và không giới hạn.
Với những bạn thích học tín chỉ ngắn hạn thì đấy là cách các bạn có thể tích lũy nguồn vốn dày. Nhưng theo đuổi một hành trình dài hơi hơn là cách để bền. Nguồn vốn con người dày thì giá trị của mình cao, nguồn vốn con người bền thì giá trị của mình lâu. Vì vậy, mình không nên phủ nhận sự khác biệt nào. Chiến lược của ai phù hợp thì bạn trẻ đó sẽ thành công", BTV Ngọc Trinh đúc kết.