Biến đổi khí hậu: Cuộc chiến thực sự của nhân loại

Hải Yến,
Chia sẻ

Trên khắp thế giới từ Âu sang Á, nhân loại đang chứng kiến những ảnh hưởng nặng nề nhất của tự nhiên có nguyên nhân là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn với mức độ khủng khiếp hơn bao giờ hết.

Mối đe dọa hàng đầu của nhân loại

Trong kỷ nguyên hiện đại, chưa bao giờ có mối đe dọa nào lớn và có sức mạnh đối với sự thịnh vượng và tồn tại của nhân loại như biến đổi khí hậu.

Vài chục năm về trước, biến đổi khí hậu từng được nhiều người coi là mối đe dọa xa vời, chủ yếu ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai. Nhưng những gì đang diễn ra ở hiện tại cho ta một cái nhìn hoàn toàn khác, biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có.

Tính từ đầu năm đến nay, nhiều hiện tượng bất thường của thời tiết xảy ra trên khắp thế giới. Hồi đầu tháng 1, Mỹ và Canada trải qua một mùa đông với cái lạnh lịch sử tới âm 34,4 độ C. Trong khi đó, nửa bên kia bán cầu Australia lại trải qua một tháng với cái nóng kỷ lục trên 30 độ C, sau đó là trận lụt 50 năm mới có 1 lần ở Queensland, Autralia cũng khiến nhiều người ám ảnh. Ở lục địa đen cũng mới đón cơn siêu bão khiến hàng loạt quốc gia bị ảnh hưởng như Mozambique, Zimbabwe, Malawi.

Ở châu Á cũng gánh nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu như Ấn Độ bị bão Fani tấn công khiến 1 triệu người phải sơ tán, khoảng 100 người thiệt mạng, đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Châu Âu vốn là châu lục có khí hậu ôn hòa nhưng cũng đã trải qua những đợt nắng nóng khủng khiếp, lên tới 45 độ C, nhiều nước đã ban bố báo động đỏ hạn chế người dân ra đường. Có gần 3000 người Hà Lan đã chết vì nắng nóng trong tháng 7/2019.

Biến đổi khí hậu: Cuộc chiến thực sự của nhân loại - Ảnh 1.

Nhiệt độ ghi nhận mức kỷ lục tại châu Âu

Chương trình giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu cho rằng tháng 7/2019 là tháng nóng nhất trong lịch sử. Bỉ, Đức, Hà Lan đã chứng kiến những kỷ lục nhiệt độ môi trường liên tiếp bị phá vỡ. Nguyên nhân là do trái đất chịu tác động của hiện tượng ElNino và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính được xả vào bầu khí quyển.

Viễn cảnh môi trường sống của nhân loại

Vào ngày 8/8, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) gồm các chuyên gia đầu ngành từ hơn 100 quốc gia đã phát đi một hồi chuông cảnh báo về những hành động của con người đang phá hoại môi trường sống của chính chúng ta. Các hoạt động như phá rừng và canh tác đất đang khiến cho tình trạng của môi trường xấu ngày càng xấu đi và không thể quay ngược lại.

IPCC cho biết, hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu là tình trạng thiếu lương thực, nguyên nhân do thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán và bão, dẫn tới làn sóng di cư hàng loạt sẽ xuất hiện và xung đột địa chính trị là khó tránh khỏi... Nhiệt độ ngày càng tăng kết hợp với lũ lụt và hạn hán đang trở thành mối đe dọa với sức khỏe dân số toàn cầu. Bởi đây là môi trường sống lý tưởng cho các loài muỗi, những loài ký sinh, chuột và nhiều sinh vật mang bệnh khác phát triển. 

Ông Peter Smith, một trong những tác giả chính của báo cáo, nhận xét: Người dân không ở lại và chết trên quê hương mình, họ sẽ di cư, hiện có ít nhất nửa tỷ người đang sống trong các khu vực bị sa mạc hóa.

Biến đổi khí hậu: Cuộc chiến thực sự của nhân loại - Ảnh 3.

Hạn hán, cháy rừng - hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nghiên cứu mới công bố của Trường Kinh tế London (LSE) cho biết, lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc – đất nước đông dân nhất thế giới - sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, sớm hơn 5 năm so với dự kiến, tức là vào năm này, Trung Quốc sẽ thải ra 12,5 – 14 tỷ tấn CO2.

Theo thống kê trên thế giới, từ năm 1950, số lượng lũ, các đợt nắng nóng với nền nhiệt độ vọt lên mức cực đoan hay cháy rừng đã tăng theo cấp số nhân. Quần thể động vật có xương sống đã giảm 60% kể từ năm 1970, các quần thể côn trùng, rất quan trọng đảm bảo sự hoạt động của hệ sinh thái đang suy giảm với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm ngoái, một chuyên gia LHQ cho rằng: “Sự sụp đổ của nền văn minh của chúng ta và sự tuyệt chủng của phần lớn thế giới tự nhiên đang diễn ra”.

IPCC ước tính, thế giới chỉ còn khoảng chục năm nữa để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức trước công nghiệp. Nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, việc ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực thảm khốc, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, nghèo đói và di cư sẽ diễn ra hàng loạt và ở mức nghiêm trọng.

Thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu sẽ tăng nhanh, chi phí cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ đạt 20 nghìn tỷ USD vào năm 2100 và không một quốc gia nào trên thế giới có thể thoát khỏi hậu quả của một “hành tinh đang nóng lên”. Trong kỷ nguyên hiện đại, chưa bao giờ có mối đe dọa nào đối với sự thịnh vượng và sinh tồn của nhân loại như biến đổi khí hậu.

(Theo AFP, Theecologist, BBC)

Chia sẻ